Đừng để nguồn thu ngân sách của đất nước phụ thuộc vào dầu mỏ, khoáng sản, thuế sử dụng đất. Đó là đề xuất của đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước khi thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội kh óa XIV về những giải pháp để phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm 2017 và những năm tiếp theo.
Đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ trong điều hành kinh tế, đặc biệt là quan điểm xây dựng chính phủ kiến tạo, liên chính, phục vụ, song đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng bày tỏ sự lo ngại khi các chỉ tiêu đều sụt giảm, tăng trưởng GDP năm 2016 không bằng 2015, còn quý 1/2017 thì lại không bằng quý 1/2016.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ ra một thực tế là việc giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên chưa phát huy tác dụng; du lịch là mũi nhọn về kinh tế nhưng tăng trưởng du lịch còn thấp. Du lịch Việt Nam được đánh giá là rất nhiều tiềm năng, nhưng hiện chỉ đứng thứ 5 trong các nước Asean, lượng khách đến Việt Nam trong 2 năm 2015 và 2016 chỉ bằng 27% của Thái Lan, 31% của Malaysia… Tăng trưởng ngành du lịch hằng năm kém cả Lào, Philippin, Myanma. Do đó, để tạo đà cho ngành du lịch thì tất cả các bộ ngành, các địa phương phải quan tâm tạo điều kiện, nếu không có sự quan tâm đúng mức sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu thảo luận tại kỳ họp
Không chỉ ngành du lịch, vấn đề thất nghiệp, bất cập trong đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm, dự báo cung cầu cũng tồn tại quá nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý xã hội đang bộc lộ nhiều vấn đề như Chính phủ đã thừa nhận, đó là vấn đề cát tặc, lâm tặc, thực phẩm bẩn…
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đã đề xuất 5 giải pháp để bổ sung vào phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là: tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp; điều chỉnh chính sách tỷ giá theo hướng ổn định, giảm lãi suất trung và dài hạn, hạn chế nợ xấu phát sinh; tập trung tín dụng vào khu vực sản xuất, giám sát để đảm bảo nguồn vốn không chảy vào đầu cơ trên thị trường bất động sản; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư ngân sách và trái phiếu chính phủ; thực hiện đánh giá độc lập việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Để ổn định nguồn thu cho ngân sách, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị: Không nên chú trọng vào việc khai thác tài nguyên, thu tiền sử dụng đất mà phải chú trọng vào sự tăng trưởng sản xuất trong nước bằng việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Bây giờ đầu tư vào công nghệ cao rất lớn, như: Công ty cổ phần sản xuất xây dựng và nông nghiệp Hải Vương nuôi cây mô, Hợp tác xã Nguyên Khang trồng rau trong nhà kín đầu tư vốn rất lớn nhưng tài sản trên đất không được đánh giá, mà theo quy định căn cứ định giá tài sản mới có điều kiện để vay vốn ngân hàng, đó là khó khăn cho doanh nghiệp. Nên chăng giao quyền chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao cho tỉnh, hiện nay chứng nhận đó giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời tăng cường vốn vay cho doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Tuấn An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra một nguyên nhân khiến tăng trưởng thấp là do việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, thủ tục đầu tư công rất phức tạp, vòng lên, lại vòng xuống, rất mất thời gian. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tính toán từng mặt hàng một, từng yếu tố một để thúc đẩy tốt hơn.
nguồn: baobinhphuoc.com.vn