Những hình ảnh lung linh, những lời rao cực kỳ hấp dẫn… trên các trang bán hàng qua mạng lắm khi rất ‘ảo’. Người mua hàng trên mạng đang rất dễ tính và dễ tin… để rồi có khi phải ôm ấm ức và thất vọng.

Đừng dễ dãi khi mua hàng qua mạng - Ảnh 1.

Thông tin rao bán của chủ tài khoản sáng 23-8 – Ảnh: NGUYỄN MINH

Gia đình có nhu cầu mua chó tương đối lớn con trông giữ nhà. Tìm thông tin trên mạng, tôi được dẫn đến trang bán hàng C., một trang mạng có tiếng từ lâu, nơi có khá nhiều thông tin về các loại chó.

Lời rao… bánh vẽ

Chiều tối 21-8, thấy thông tin rao bán chó đăng tải từ một tài khoản ở TP Cần Thơ. Dù giá khá “chát” nhưng tôi tin tưởng với thông tin người bán đăng ký tham gia đã vài năm và có một số giao dịch thành công.

Đặc biệt ưng ý nhất là vì người bán không nhận giao hàng và giao tiền sau (động vật thú cưng dễ gặp rủi ro khi vận chuyển). Họ yêu cầu khách phải đến nhà xem hàng thật.

Tôi liền gọi điện ngay. Chủ đàn chó Rottweiler lai Bergie là một phụ nữ. Chị này cho biết cần bán 5 con Rottweiler lai, chó đã được chích ngừa, vẫn còn đủ 5 con chưa ai mua.

Chị còn miêu tả sơ qua về 2 con chó đực và yêu cầu tôi sớm xác nhận mua. Vài tiếng sau, tôi xác nhận chắc chắn mua một con chó đực (như ảnh họ gửi) với giá 1,5 triệu đồng và hẹn hôm sau từ An Giang xuống Cần Thơ. Chủ đồng ý và chỉ đường đến nhà…

Trưa 22-8, đường xa 70km, khi đến cầu Cái Răng (Cần Thơ), tôi gọi, họ “tỉnh bơ” trả lời vừa bán xong cả 5 con chó, “quên” mất thỏa thuận tối hôm trước, “quên” rằng tôi ở xa tới và quên báo thay đổi phát sinh.

Thay vào đó, chị kia gạ bán chó khác: “Anh tính mua chó đực hả, tui có người bạn có bán giá 2,5 triệu anh mua không?…”. Tôi từ chối, chấm dứt giao dịch với người này, đồng thời gọi tổng đài hỗ trợ của trang mạng C. và phản hồi bằng tin nhắn về trường hợp này.

Hàng thật không giống quảng cáo

Vẫn còn băn khoăn thường trực khi tìm mua hàng trên mạng: chỉ xem clip, xem hình, làm sao kiểm tra chất lượng, người bán thì ở xa…. Tìm thêm thông tin trên C. , tôi tìm được thông tin bán về chó thuần chủng ngay tại An Giang như sau: “chó Doberman 4 triệu đồng, 2 tháng tuổi, đảm bảo thuần chủng…”.

Đến tận nơi mới hay đây là một cửa hàng bán vật phẩm, thức ăn cho thú cưng, có trưng bày một số thú nhỏ. Hỏi thăm về hai con chó con đang rao bán, người bán nói ngay giá 4,5 triệu! Và những chú chó trông như suy dinh dưỡng.

Điều này khác hẳn lời rao, cũng khó tin với lời thuyết phục đảm bảo sau này nuôi chó được trên 35kg. Một nhân viên khác thì cho biết chó được mang từ Cần Thơ về. Hỏi thông tin về chó Rottweiler, nhân viên nói có bán nhưng phải đặt hàng, giá đến 5 triệu đồng/chó con…

Để liên lạc nhanh chóng người mua hàng qua mạng thường theo số điện thoại đăng kèm gọi để liên lạc mua bán. Tuy nhiên, điều này kèm theo rủi ro không nhỏ.

Đặc biệt với các trang mạng bán hàng theo cách làm trung gian giao dịch chứ không phải đảm bảo quy định, việc cam kết thực hiện giao dịch. Nhiều trang rao bán hàng trên mạng tại Việt Nam giống các trang thương mại điện tử, việc làm trên thế giới nhưng có cái không giống uy tín và trách nhiệm với nội dung trên trang của mình.

Một số trang nổi tiếng có quy định khách và chủ không liên lạc bằng bất cứ phương tiện nào ngoài các phương tiện nền tảng website cho sẵn. Cho nên tất cả dữ liệu trao đổi giữa hai bên đều được lưu trữ lại để xử lý tình huống phát sinh.

Các trang mạng thường khuyên người mua phản hồi và đánh giá chất lượng dịch vụ, sản phẩm… Nhưng thực tế những trang mạng trung gian rao bán không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người mua khi chính trang của mình đăng tải thông tin ảo.

Do khách hàng dễ tính?

Mua bán hàng qua mạng đang ngày càng phổ biến. Sự tiện lợi là ưu điểm, chỉ việc ngồi tại nhà thao tác với máy tính, điện thoại là có thể chọn hàng rồi nghiễm nhiên chờ người giao hàng. Tuy nhiên, cũng có những người lợi dụng hình thức bán hàng qua mạng để lừa đảo, bán hàng kém chất lượng, hàng giả.

Phổ biến nhất là kiểu yêu cầu người mua giao tiền trước, nhận hàng sau, nhận xong thì cắt liên lạc. Hình ảnh sản phẩm đăng tải trên mạng và hàng đến tay khách khác một trời một vực (loại này thường xảy ra với sản phẩm đắt tiền, hàng điện tử), chưa kể xuất xứ thật của sản phẩm cũng khó kiểm chứng…

Nhưng chọn sự tiện lợi, khách hàng cũng “dễ tính” và cũng rất dễ tin người bán hàng xa lạ trên mạng. Đi mua hàng thật, đến cửa hàng, ai cũng lựa tới lựa lui rất lâu, cò kè trả giá…

Thế mà chỉ nhìn đôi ba tấm hình trên mạng và mất chừng vài phút đã nhanh chóng đặt hàng. Khi nhận hàng cũng hấp tấp hơn vì không có thời gian, không gian cũng không tiện để kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm…

Sự dễ dãi, bỏ qua lỗi sai của những kiểu bán hàng “chụp giật” nhiều khi cũng là cách tiếp tay cho chuyện mua bán gian dối, hàng gian, hàng giả hoành hành.

9h40 ngày 23-8, nhân viên tổng đài hỗ trợ khách hàng của trang bán hàng C. có liên hệ với khách về việc xử lý thông tin được báo cáo.

Họ cho biết đã nhiều lần liên lạc nhưng không thể gặp được chủ nhân tài khoản được báo cáo lừa khách hàng (?). Nhân viên cũng cho biết tài khoản của chủ nhân này đã nằm trong diện được theo dõi, tài khoản nào vi phạm sẽ không hỗ trợ đăng thông tin nữa.

Tuy nhiên, từ chiều 22-8, tài khoản của người bán chó này vẫn tiếp tục đăng thông tin rao bán 5 con Rottweiler lai với thông tin và hình ảnh y hệt như cách đó mấy ngày.

Thẳng tay với lời rao “ảo”

Việc kiểm duyệt thông tin đăng tải trên các trang mạng bán hàng cũng là vấn đề, nhất là việc sử dụng hình ảnh không đúng với thông tin. Thông tin về địa chỉ người bán nhiều khi cũng không đúng. Rủi ro khi mua hàng có thể xảy ra bất kể trên mạng hay bên ngoài.

Tuy nhiên, để giữ uy tín dài lâu cho mình, các trang mạng nên “thẳng tay” với các biểu hiện gian dối trên trang mua bán do họ quản lý, đây cũng là cách góp phần làm sạch môi trường kinh doanh thương mại điện tử.

Theo Tuoitre.vn

Từ khóa : Lời rao ảomua hàng onlineMua hàng qua mạngthương mại điện tử

Các tin liên quan đến bài viết