Tại hội thảo “Giải pháp phát huy vai trò của nữ trí thức tỉnh Bình Phước trong hoạt động xã hội” được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức ngày 19-12 vừa qua có tới 17 tham luận đại diện cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Hầu hết các bản tham luận đều cho rằng phụ nữ cần được quan tâm nhiều hơn, ưu tiên nhiều hơn cả trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cũng như trong cuộc sống gia đình để ngày càng tiếp cận gần hơn đến mục tiêu bình đẳng giới. Hội thảo đã sôi nổi hẳn lên và có những ý kiến trái chiều khi anh Nguyễn Thanh Thuyên, Phó hiệu trưởng Trường chính trị tỉnh chia sẻ một quan điểm có phần trái ngược với những quan điểm chung. Đó là anh mong câu lạc bộ nữ trí thức không còn tồn tại, mong Hội Liên hiệp Phụ nữ không còn tồn tại, bởi theo quan điểm của anh, khi phụ nữ đã hoàn toàn bình đẳng với nam giới thì đâu cần đến những tổ chức bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trong đó có câu lạc bộ nữ trí thức cũng như Hội Liên hiệp Phụ nữ nữa!

Là một phụ nữ công tác ở lĩnh vực báo chí, trong chừng mực nào đó, người viết có phần đồng tình với quan điểm của anh Nguyễn Thanh Thuyên. Với đặc điểm giới tính, phụ nữ luôn cần được xã hội quan tâm, cần được ưu tiên, nhưng tuyệt nhiên không phải là kiểu ưu tiên “hạ tiêu chuẩn”. Cái mà phụ nữ cần là được đánh giá đúng với những nỗ lực họ đã bỏ ra và đạt được thành quả, bởi có nhiều lĩnh vực mang yếu tố đặc thù giới tính mà nếu muốn thành công thì phụ nữ phải nỗ lực gấp hai lần nam giới mới đạt được. Trong tham luận của mình, anh Thuyên cho rằng, một trong những vấn đề còn hạn chế của công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nữ trí thức làm công tác lãnh đạo, quản lý là có lúc, có nơi vì “quá coi trọng cơ cấu nữ, coi thường yếu tố chất lượng hoặc vì lý do chủ quan khác, một số địa phương, đơn vị đã bố trí nhân sự không đáp ứng được yêu cầu về trình độ, năng lực, uy tín. Từ đó, bản thân nữ cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, không khẳng định được ưu thế của nữ giới, thậm chí là bộc lộ quá nhiều hạn chế. Tuy là hiện tượng cá biệt nhưng dễ dẫn đến tình trạng suy diễn, lây lan tâm lý coi thường, thiếu tin tưởng vào khả năng lãnh đạo, quản lý của nữ giới”.

Các nữ nhà báo Bình Phước trong ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6)

Thực tế là khi phụ nữ tham gia công tác quản lý thì luôn có rất nhiều rào cản. Theo quy định của pháp luật lao động hiện nay, độ tuổi lao động của nữ ít hơn nam giới 5 năm. Thế nhưng tuổi đến trường, tuổi trở thành người có đầy đủ quyền công dân và thời gian tham gia học tập giữa nam và nữ không có sự phân biệt, nghĩa là như nhau. Thế nhưng trong quy hoạch, bổ nhiệm lại thường căn cứ vào tuổi nghỉ hưu để xác định thời gian còn công tác có đáp ứng yêu cầu quy hoạch hay không. Như vậy, nếu một người nam và một người nữ có cùng tuổi, cùng trình độ thì rõ ràng ưu thế đã thuộc về nam giới. Đó là chưa kể phụ nữ còn phải thực hiện thiên chức làm mẹ, làm người nội trợ trong gia đình và thời gian cho việc sinh nở, nuôi con nhỏ ít nhất là 3 năm. Có nhiều phụ nữ làm công tác quản lý đã phải chịu sức ép rất lớn từ phía gia đình khi không thể cân đối thời gian, sức lực để cùng lúc làm tròn cả hai vai: việc nhà, việc nước… Tất cả những bất lợi này đối với nữ giới hiện chưa được cân bằng trong một chính sách đặc thù nào đối với nữ giới. Và rõ ràng nếu có chính sách đặc thù thì đó không phải là sự ưu tiên mà là sự điều chỉnh để cân bằng về mặt chính sách. Đó mới đích thực là bình đẳng giới!

Và rào cản không chỉ đến từ quan niệm xã hội, từ chính sách chưa thực sự công bằng mà còn từ quan niệm của chính bản thân người phụ nữ. Nhiều chị tự ti trong công việc, thường nghĩ mình không bằng nam giới. Họ luôn bị chi phối, đặt nặng vấn đề gia đình, phải lo chu toàn công việc gia đình, lo con cái còn nhỏ, lo cha mẹ già yếu… Nam giới khi tham gia quản lý, họ có thể đi giao lưu với đối tác sau giờ làm việc, nhưng phụ nữ thì bận bịu với rất nhiều công việc như đón con, lo cơm nước, chăm sóc cha mẹ già… Nhiều phụ nữ dù có học thức, năng lực nhưng có gia đình rồi thì cam chịu, lui lại để chồng có cơ hội thăng tiến, khi con cái lớn, gia đình ổn định mới phấn đấu thì đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.

Kết thúc bài viết này, người viết muốn nêu lên một hiện tượng. Đó là khi phỏng vấn một người nam giới thành công, nhà báo thường chỉ hỏi về những đam mê, sáng tạo cùng sự nỗ lực cố gắng của nhân vật. Thế nhưng khi phỏng vấn một phụ nữ thành công, các nhà báo thường đặt câu hỏi: “Chị làm thế nào để thu xếp việc gia đình mà vẫn đạt được thành công?”, hay “Chị làm thế nào để vừa làm lãnh đạo vừa chu toàn việc gia đình?”… Thiết nghĩ, hỏi như thế vô hình trung đã khiến hình ảnh người phụ nữ bị yếu thế hẳn đi trong mắt bạn đọc.

Đừng đặt phụ nữ vào xó bếp, hãy tập trung vào lĩnh vực công tác mà người phụ nữ đó đang đảm nhiệm, với những giải pháp và thành quả mà họ đã nỗ lực để đạt được. Đó chính là sự bình đẳng tất yếu!

Nguồn: BPO

Từ khóa : kinh nữnữ nhà báophụ nữtrọng namưu tiên

Các tin liên quan đến bài viết