Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) vừa có văn bản gửi các nhà mạng, thông báo dừng thử nghiệm triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao di động trực tuyến.
Theo công văn của Cục Viễn thông, hiện đã hết thời hạn thí điểm việc sử dụng các ứng dụng phần mềm trực tuyến để rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động theo công văn số 5698/BTTTT-CVT ngày 23/11/2022.
Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện dừng toàn bộ việc sử dụng các ứng dụng/phần mềm trực tuyến để rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động; yêu cầu các nhà mạng báo cáo kết quả triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao di động về Cục.
Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ TT&TT tổ chức kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các trường hợp nhà mạng cố tình vi phạm.
Trước đó, cơ quan quản lý nhà nước đã cho các nhà mạng được chuẩn hóa thông tin thuê bao di động khách hàng theo hình thức trực tuyến, để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng chuẩn hóa thông tin thuê bao mà mình đang sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao có thể bị lợi dụng để đăng ký thuê bao mới.
Theo khảo sát của VietNamNet, với những động thái quyết liệt của Bộ TT&TT và các nhà mạng, thị trường đã có những thay đổi mạnh mẽ. Số đại lý bán SIM kích hoạt sẵn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã giảm rất mạnh.
Hiện các nhà mạng cũng đã dừng đăng ký thông tin thuê bao qua kênh đại lý và kênh online để chặn vấn nạn SIM rác. Tuy nhiên, đại diện Viettel Telecom cho rằng có thể cho các nhà mạng sử dụng hình thức đăng ký thuê bao online. Nhưng các nhà mạng phải đảm bảo những điều kiện như kết nối để đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an khi khách hàng đăng ký thuê bao mới. Bên cạnh đó, nhà mạng phải sử dụng giải pháp eKYC để xác thực người dùng. Nếu cần thiết, Bộ TT&TT có thể yêu cầu nhà mạng phải tiến hành thêm bước nữa là sử dụng video call để kiểm tra có đúng người chính chủ đăng ký SIM hay không.
Đồng tình với quan điểm trên, MobiFone cũng khẳng định, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ nên việc sử dụng hình thức cho khách hàng đăng ký thông tin cá nhân online khi kích hoạt thuê bao mới là xu hướng cả trên thế giới. Các dịch vụ như đăng ký ví điện tử, cấp đổi hộ chiếu… cũng đã được thực hiện qua hình thức online.
Đại diện VinaPhone cũng khẳng định, nếu hình thức đăng ký thông tin cá nhân online cho thuê bao kích hoạt mới đảm bảo 3 yếu tố là kết nối đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, có eKYC để xác thực và sử dụng video call để kiểm tra sẽ đảm bảo chặt chẽ hơn cả hình thức đến cửa hàng của nhà mạng đăng ký như hiện nay.
Qua hình thức đăng ký online, khách hàng có thể mua SIM ở bất kỳ đâu như qua các đại lý, qua nền tảng thương mại điện tử… Tuy nhiên, để tránh việc có thể có cá nhân lợi dụng hình thức này để bán SIM ra ngoài thị trường thì Bộ TT&TT có thể hạn chế cho mỗi người có căn cước công dân chỉ được đăng ký không quá 3 SIM qua hình thức online.
Chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này, 3 nhà mạng ảo là ITEL, ASIM, VNSKY khẳng định họ đã tuân thủ các yêu cầu của Bộ TT&TT để giải quyết vấn nạn SIM rác. Tuy nhiên, việc thực thi này cũng dẫn đến một thực tế là các mạng ảo không còn bất kỳ kênh nào để phát triển thuê bao do đã ngừng việc hợp tác phát triển thuê bao qua kênh đại lý và dừng kênh đăng ký online.
Các mạng di động ảo cho rằng, kênh bán hàng, cung cấp dịch vụ qua hình thức trực tuyến đang là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số sâu rộng trong tất cả các ngành, các lĩnh vực của xã hội. Với khả năng tiếp cận khách hàng nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm các khâu trung gian, việc phát triển thuê bao theo hình thức trực tuyến rất phù hợp với mục tiêu tối ưu hóa chi phí mà các nhà mạng ảo theo đuổi.
Trước những khó khăn kể trên, 4 nhà mạng ảo đã đề nghị Bộ TT&TT xem xét cho phép tất cả các nhà mạng được thử nghiệm việc triển khai phát triển thuê bao, cung cấp dịch vụ viễn thông qua hình thức trực tuyến trên nguyên tắc tuân thủ tuyệt đối các quy định về quản lý thông tin thuê bao.
Nguồn: vietnamnet