Robot tiếp quản công việc của con người tưởng như chuyện khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên số hóa là quá trình không thể đảo ngược để giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu lao động, đặc biệt ở các nước thiếu lao động như Đức.
Robot là chìa khóa giải quyết khủng hoảng lao động tại Đức
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã tuyển dụng kỷ lục 45,9 triệu người trong quý 4-2022.
Tuy nhiên, hơn một nửa số công ty Đức vẫn báo cáo khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân lành nghề để lấp đầy các vị trí cần tuyển dụng, theo báo cáo của Phòng Thương mại Đức.
Theo Đài CNBC, khi ông Olaf Scholz thay thế bà Angela Merkel làm thủ tướng vào tháng 11-2021, ông đã nhấn mạnh số hóa là ưu tiên hàng đầu.
Một thỏa thuận liên minh ba chính đảng – bao gồm Đảng Dân chủ xã hội, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do – có tên “Daring More Progress” (Dám tiến bộ hơn nữa) cam kết triển khai các công nghệ kỹ thuật số trên toàn khu vực kinh doanh.
Dân số già của Đức khiến xu hướng số hóa lực lượng lao động càng được đẩy nhanh hơn. Không có gì ngạc nhiên khi nước này cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc là một trong những quốc gia sử dụng nhiều công nghệ tại nơi làm việc.
“Chúng ta phải nâng cao năng suất bằng công nghệ”, ông Steffen Kameter, giám đốc điều hành Liên đoàn các hiệp hội sử dụng lao động Đức, nói với kênh CNBC.
Ông Steffen cho biết: “Có một mối tương quan giữa việc sử dụng các công nghệ hiện đại với tốc độ tăng trưởng kinh tế”.
Theo nghiên cứu của Viện Gallup, khoảng 37% người Đức nghĩ rằng những thay đổi về công nghệ sẽ làm tăng năng suất làm việc của họ. Chỉ 1% nói rằng nó sẽ làm giảm năng suất, trong khi 62% cho rằng công nghệ sẽ không có tác động.
Nghiên cứu cũng cho thấy người Đức không sợ robot sẽ cướp đi công việc của họ.
Chỉ 10% những người được khảo sát tin rằng việc triển khai nhiều công nghệ hơn sẽ làm tăng nguy cơ họ mất việc.
Theo ông Ulrich Walwei, phó giám đốc Viện Nghiên cứu việc làm của Đức, sẽ không có tình trạng mất việc làm nghiêm trọng do số hóa.
Trong Liên minh châu Âu (EU), Đức có số lượng robot lớn nhất – gần một nửa tổng nguồn cung của EU, theo một báo cáo năm 2020 của Ủy ban châu Âu.
Hầu hết robot được lắp đặt trong lĩnh vực ô tô, nhưng các ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, máy móc công nghiệp và điện tử cũng đã sử dụng một số lượng lớn “nhân viên người máy” này.
Nguồn: tuoitre.vn