Dù đầu tư lớn cho kênh bán hàng online nhưng nhiều doanh nghiệp bán lẻ thừa nhận hiệu quả mang lại chưa như kỳ vọng, doanh số chỉ chiếm chưa tới 1%, chưa kể việc đẩy mạnh trên kênh online cũng ảnh hưởng đến kênh bán hàng truyền thống.

Nhân viên siêu thị giao hàng cho khách ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhân viên siêu thị giao hàng cho khách ở quận Phú Nhuận, TP.HCM 

Sức mua sụt giảm, trong khi cạnh tranh bán hàng ngày càng lớn, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp mời người nổi tiếng vào livestream bán hàng online. Các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng phải liên tục tung triển khai hình thức bán hàng mới lạ để kéo khách.

Đầu tư lớn, doanh số chiếm chưa đến 1%

Là đơn vị bán lẻ có thương hiệu và chủ động xây dựng kênh bán hàng online nhưng Công ty Vissan vẫn sống nhờ kênh bán hàng trực tiếp (offline). Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty Vissan cho biết trong tổng doanh thu khoảng 4.000 tỉ đồng/năm, doanh thu từ kênh offline chiếm hơn 99%, kênh online chiếm chưa tới 1% và trong 1% này, kênh online của đơn vị xây dựng chỉ bán được khoảng 40%, 60% là bán trên sàn thương mại điện tử, đối tác.

Theo vị này, đầu tư kênh online mang thương hiệu Vissan gần ba năm nay nhưng chỉ bán ở ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM nên lượng khách vẫn còn hạn chế. “Ngoài việc chạy khuyến mãi liên tục nhằm hút khách, để sàn thương mại điện tử hoạt động hiệu quả thường tốn nhiều chi phí lớn cho quảng bá, kho bãi, giao nhận…

Do đó chúng tôi ưu tiên bán hàng trên các kênh của đối tác vốn có sẵn nguồn khách, kho bãi, giao nhận…”, vị này nói.

Cũng khẳng định đang và sẽ đầu tư lớn để phát triển kênh bán hàng online, nhưng đại diện siêu thị Emart cho biết đó là để đón đầu tương lai, còn kênh bán hàng này vẫn còn khá èo uột.

Dù đưa vào hoạt động từ 2017, nhưng sàn thương mại điện tử của đơn vị này thực chất chỉ là website chủ yếu bán mặt hàng có trong siêu thị mà người tiêu dùng không tiện mua trực tiếp. Doanh số bán hàng qua kênh này và một ứng dụng riêng chỉ chiếm chưa tới 10%.

“Chúng tôi đang đầu tư nhiều tiền cho phát triển công nghệ, đặc biệt siêu thị Emart đã có băng chuyền lấy hàng tự động. Tuy nhiên, xây dựng kênh thương mại điện tử tầm cỡ như kế hoạch chủ yếu để đón đầu tương lai, còn nhiều khâu phải đầu tư”, vị này thông tin.

Tương tự, đại diện các đơn vị bán lẻ hàng đầu như Saigon Co.op, Lotte Mart, MM Mega Market (MM)… cũng cho biết đã đầu tư lớn vào kênh bán hàng online, nhưng doanh thu từ kênh này vẫn khá khiêm tốn so với offline.

Theo đại diện MM, sau khi đưa vào vận hành kênh thương mại điện tử dành cho khách hàng cá nhân và kênh Zalo OA, đơn vị vừa giới thiệu thêm website đặt hàng trực tuyến dành cho khối khách hàng chuyên nghiệp. Việc cung cấp gần 40.000 sản phẩm với đầy đủ thông tin, hình ảnh, giá tiền được cá nhân hóa cho từng doanh nghiệp, đã giúp việc đặt hàng trở nên đơn giản.

“Đây được xem là website đầu tiên trên thị trường dành cho khách hàng doanh nghiệp nhưng để vận hành kênh này hiệu quả, chi phí bỏ ra là không nhỏ và cần thời gian để khách hàng làm quen”, vị này nói.

Trong khi đó, đại diện siêu thị Lotte Mart cho biết sau khi hoạt động thí điểm thời gian, sàn thương mại điện tử của đơn vị hiện đã ngưng hoạt động. Thay vào đó, đơn vị tập trung thay đổi giao diện kênh bán hàng online với nhiều tiện ích mới, đa dạng và tiện lợi hơn cho khách. Dù khẳng định sẽ đầu tư mạnh, nhưng đại diện đơn vị này thừa nhận doanh số bán hàng từ kênh online vẫn chiếm ở mức khiêm tốn so với offline.

Sàn tung nhiều “chiêu” mới để hút khách

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quách Nhi – giám đốc ngành hàng thực phẩm tiêu dùng Tiki – cho biết ngoài các đợt khuyến mãi quen thuộc như Ngày đôi, Black Friday, Cyber Monday, Tháng khuyến mãi tập trung…, đơn vị sẽ tập trung phát triển năm ngành hàng theo đúng thị hiếu người tiêu dùng gồm: sách tiếng Anh, đồ gia dụng nhập khẩu, thực phẩm chức năng, rượu vang và đặc sản địa phương OCOP.

Bên cạnh các khuyến mãi theo đợt, đơn vị đang áp dụng thường xuyên hai chương trình là “Freeship không giới hạn” và “Mua nhiều giảm nhiều”.

“Xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của khách hàng, chúng tôi sẽ làm các nghiên cứu, phân tích dữ liệu, khảo sát để quyết định nên làm thế nào. Trong đó, việc làm truyền thông với nhãn hàng, nhà bán hàng được triển khai sớm để giúp đủ hàng, giá tốt, giao hàng nhanh”, ông Nhi khẳng định.

Tuy vậy lo ngại sẽ ảnh hưởng đến định vị thương hiệu nếu chỉ tập trung vào giảm giá, nhiều nhãn hàng chủ động tìm ra các hình thức ưu đãi, kích cầu sáng tạo hơn, như combo độc quyền, quà tặng kèm, game có thưởng…

Theo đại diện sàn Lazada, ngoài những chương trình ưu đãi để kích cầu mua sắm mỗi tháng, đơn vị đang tập trung khuyến mãi nhiều từ tháng 9 trở đi, do sức mua thời điểm này cũng tốt hơn.

“Các tháng cuối năm có nhiều sự kiện như các lễ hội, năm học mới, Giáng sinh, Tết… nên người dân thường có tâm lý mua sắm nhiều hơn. Khoảng thời gian này, đơn vị tung ra nhiều chương trình “sale” lớn trong tháng 9, 11, 12, và dịp trước Tết”, vị này thông tin.

Trong khi đó đại diện Shopee cho biết đang tích cực hỗ trợ các nhà bán hàng thông qua hình thức livestream vào dịp lễ hội mua sắm cuối năm, khởi đầu là “Siêu sale 9-9”. Cụ thể, đơn vị này kết hợp cùng các KOL (người có sức ảnh hưởng) và người nổi tiếng để mang đến các chương trình giải trí, livestream sáng tạo để quảng bá sản phẩm.

Ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành Shopee VN, cho biết nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm trực tuyến hấp dẫn, tối đa hóa điểm tiếp xúc giữa người dùng với nhà bán hàng và thương hiệu trên sàn, đơn vị này sẽ tiếp tục đẩy mạnh các ưu đãi cho Shopee Live – nền tảng cung ứng công cụ, chiến thuật, mạng lưới người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm, thương hiệu.

Dù thừa nhận việc livestream bán hàng khuyến mãi thường xuyên đã góp phần cải thiện đơn hàng, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, hoạt động này cũng tạo tâm lý chờ đợi “dịp sale” mới mua sắm của người dân, lúc không khuyến mãi sâu sẽ bị ế.

“Việc khuyến mãi khá sâu trên sàn thương mại điện tử cũng sẽ khiến các đại lý bán trực tiếp, truyền thống bị ế vì không cạnh tranh lại về giá. Do đó, các nhãn hàng cũng sẽ cân nhắc kỹ khi áp dụng khuyến mãi sâu trên sàn”, giám đốc một doanh nghiệp nói.

Khâu giao nhận đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bán hàng online, sàn TMĐT. Trong ảnh: kho hàng ở TP.HCM của một sàn TMĐT - Ảnh: T.T.D.

Khâu giao nhận đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bán hàng online, sàn TMĐT. Trong ảnh: kho hàng ở TP.HCM của một sàn TMĐT

Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ có thể đạt 20,5 tỉ USD trong năm 2023

Theo báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2023 của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến năm 2023 khoảng 59 – 62 triệu người dùng, với giá trị mua sắm trực tuyến khoảng 300 – 320 USD/người.Cũng theo báo cáo này, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2023 (bao gồm doanh thu tất cả hàng hóa, dịch vụ bán qua kênh thương mại điện tử, trừ các giao dịch liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, trò chơi trực tuyến) ước đạt khoảng 20,5 tỉ USD, tăng trưởng 25% so với năm 2022 (16,4 tỉ USD).Trong khi đó, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, trong số 23 tỉ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022, có tới 14 tỉ USD là từ lĩnh vực thương mại điện tử và dự báo con số này vào năm 2025 là 32 tỉ USD, chiếm tới 65% giá trị nền kinh tế số Việt Nam (khoảng 49 tỉ USD).

Tăng bán sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết ngoài kết nối để tăng bán trực tiếp, thời gian qua TP vận động các sàn thương mại điện tử ưu tiên hơn trong việc tiêu thụ đối với dòng sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP các địa phương.”Sản phẩm OCOP thường do nông dân, cơ sở nhỏ sản xuất với khối lượng hàng thấp nên nguồn cung không ổn định, khó đưa vào bán trực tiếp tại siêu thị. Ngược lại, trên sàn thương mại điện tử sẽ dễ bán hơn, cung cầu dễ gặp nhau, đôi bên cùng có lợi”, vị này nói.

* Chuyên gia truyền thông

Nên thăm dò trước khi đầu tư kênh thương mại điện tử riêng

Để xây dựng được một kênh thương mại điện tử của riêng doanh nghiệp là điều không dễ dàng khi mà có sự cạnh tranh từ những sàn thương mại điện tử chuyên nghiệp và với các kênh bán truyền thống khác của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp tự phát triển kênh bán B2C (doanh nghiệp bán trực tiếp cho người bán) còn có thể xung đột về mức giá cuối cùng tới tay người tiêu dùng, dẫn đến đại lý quay lưng hoặc người tiêu dùng nghi ngờ về giá cả sản phẩm.

Do vậy, doanh nghiệp nên tập trung triển khai kênh bán thương mại điện tử trong một giai đoạn cụ thể để người dùng biết đến, dần hình thành thói quen mua sắm trực tiếp với doanh nghiệp. Các chiến lược về giá cần được thông báo trước với các đại lý hoặc các kênh bán khác. Nhưng trước khi quyết định đầu tư, doanh nghiệp nên “thử” đẩy hàng lên các sàn thương mại điện tử hoặc nền tảng livestream bán hàng khác để đánh giá mức độ phản hồi về mua sắm online của người tiêu dùng với mặt hàng của mình…

* Bà HOÀNG HƯỜNG (CEO Unikon):

Phải nắm được hành vi mua hàng của khách

Sau hai năm COVID-19, người dùng ngày càng quen với hành vi mua sắm online, dẫn đến sự bùng nổ của các nền tảng social commerce (thương mại xã hội). Các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối cũng đua nhau phát triển các kênh bán hàng online trên website, fanpage của mình hoặc trên các nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ cũng gặp nhiều thách thức về đầu tư về con người, hạ tầng và vận hành.

Bởi phát triển các kênh online đòi hỏi những bộ kỹ năng mới, với chiến lược kinh doanh thay đổi và đồng nhất. Nếu không sẽ tạo ra gánh nặng về một bộ máy mới chạy song song với bộ máy offline, tăng nhiều lần về chi phí nhưng chưa chắc hiệu quả bán hàng đã bù lại, thậm chí có thể xảy ra xung đột về lợi ích. Hơn nữa, doanh nghiệp phải hiểu đặc thù sản phẩm, hành vi mua hàng của khách hàng cũng như những rào cản khi đưa lên online.

Các sàn thương mại điện tử cũng thường sử dụng các hình thức khuyến mãi để thúc đẩy người mua, nhưng điều này lại ảnh hưởng tới biên độ lợi nhuận, nhất là của các doanh nghiệp bán lẻ. Vì vậy, cốt lõi của việc xây dựng các kênh bán online là phải hiểu rõ ADN doanh nghiệp, sản phẩm và hành vi khách hàng của mình, để xây dựng một hành trình nhất quán từ offline tới online và ngược lại…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bà nội trợsàn điện tử

Các tin liên quan đến bài viết