Cam sành ở Vĩnh Long đang rớt giá và phải nhờ “giải cứu”, trong khi các loại bưởi giá ngày càng rẻ, thậm chí bưởi Diễn giá còn rẻ như cho. Đây là hậu quả của việc đua nhau trồng dẫn đến “vỡ trận”.
Giá rẻ chưa từng thấy
Khoảng nửa tháng nay, cam sành tại Vĩnh Long rớt giá mạnh, chỉ còn 1.000-3.000 đồng/kg. Nông dân như ngồi trên đống lửa bởi hàng chục nghìn ha cam sành bước vào vụ thu hoạch. Nếu không có người mua nhà vườn sẽ phải cắt bỏ, còn để tự rụng sẽ ảnh hưởng tới sản lượng và chất lượng cam vụ sau.
Vậy nên, hoạt động “giải cứu” cam sành lại được tổ chức rầm rộ. Các cá nhân, tổ chức, siêu thị, sàn thương mại điện tử chủ động tham gia bán “cam giải cứu” để giúp người nông dân thoát cảnh đổ bỏ nông sản.
Không chỉ trên các tuyến đường, chợ, ở tại tất cả các siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+, cam sành Vĩnh Long được ưu tiên trưng bày tại khu vực trung tâm của quầy trái cây nhằm thu hút khách hàng với giá 12.900-19.900 đồng/kg tùy khu vực.
Cam sành được bán “giải cứu” ở nhiều nơi
Tại hệ thống siêu thị GO!, BigC, giá cam sành được bán với tiêu chí không lợi nhuận với mức từ 10.900-12.900 đồng/kg. Hay chuỗi Co.opmart, Co.opXtra khu vực TP.HCM, Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ đồng loạt triển khai bán cam sành Vĩnh Long với giá chỉ 10.500 đồng/kg cam.
Không đến mức phải “giải cứu”, song trên thị trường các loại bưởi Diễn, bưởi da xanh giá cũng ngày càng rẻ, thậm chí rẻ như cho.
Ở Hà Nội, cách đây vài năm để mua bưởi Diễn không phải dễ, giá cũng tương đối cao, lên tới 30.000-50.000 đồng/quả, hàng loại 1 trồng ở đất Diễn giá còn trên dưới 100.000 đồng/quả. Nhưng nay, nhiều nơi rao bán bưởi Diễn với giá chỉ 3.000-8.000 đồng/quả. Mức giá có thể nói là rẻ nhất từ trước tới nay.
Chị Hoàng Thị Ngọc – đầu mối bán trái cây ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) – cho biết, chị bán bưởi Diễn trồng ở Hoà Bình với giá 200.000 đồng/bao 60 quả. Một ngày chị tiêu thụ hết 60-80 bao bưởi.
Giá loại quả đặc sản nổi tiếng một thời ở đất Hà thành rẻ đến mức các đầu mối không bán theo quả, mà bán theo bao 60 quả, 30 quả hay theo set 5 quả, 10 quả để “bỏ công ship hàng”.
Nhiều nơi bán bưởi Diễn theo bao với giá 200.000 đồng/bao 60 quả
Trong khi đó, bưởi da xanh từ mặt hàng đắt đỏ nay giá cũng rẻ như rau. Trên thị trường, cửa hàng rao bán bưởi da xanh size 0,9-1 kg/quả có giá từ 16.000-19.000 đồng/quả. Trước Tết Nguyên đán, giá loại bưởi này ở mức 23.000-30.000 đồng/quả tuỳ size.
Trước đó, bưởi Soi Hà (Tuyên Quang) giá cũng chỉ 4.000-6.000 đồng/kg. Cam lòng vàng giá một số loại cũng chỉ 10.000-15.000 đồng/kg.
“Vỡ trận” rồi lại “giải cứu”
Đề cập tới thực trạng giá trái cây có múi, đặc biệt là cam, bưởi ngày càng rẻ, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho rằng, đây là hậu quả của việc nông dân ồ ạt trồng dẫn tới cung vượt cầu, phải bán giá rẻ.
“Vấn đề này đã được cơ quan chức năng cảnh báo từ vài năm trước, song diện tích trồng cây có múi vẫn không ngừng tăng mỗi năm”, ông nhấn mạnh.
Theo thống kê, diện tích cây có múi ở nước ta hiện khoảng 267.000ha. Trong đó, lớn nhất là diện tích bưởi lên tới 105.400 ha, sản lượng gần 905 nghìn tấn; diện tích cam khoảng 94.000 ha, sản lượng 1,6 triệu tấn; còn lại là quýt và chanh. Trong khi, năm 2017 sản lượng cam dù đã tăng mạnh nhưng cũng chỉ dừng ở mức 772,6 nghìn tấn; bưởi đạt 571,3 nghìn tấn.
Theo Bộ NN-PTNT, diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi tăng mạnh trong những năm qua. Đặc biệt, tại các tỉnh phía Bắc, giai đoạn 2009-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân cây ăn quả có múi đạt 10%/năm về diện tích (tương ứng 7.300 ha/năm), tăng 12,5%/năm về sản lượng (69.400 tấn/năm).
Ồ ạt mở rộng diện tích, cam bưởi “vỡ trận” giá ngày càng rẻ
Nguyên nhân là do giai đoạn 2008-2018, cây ăn quả có múi cho thu nhập rất cao. Trung bình 1ha có thể thu về 300-600 triệu đồng. Nhiều người trở thành tỷ phú nhờ trồng cam, bưởi. Nông dân thấy vậy liền đổ xô trồng. Từ một số vùng chuyên canh ở các tỉnh, gần như tỉnh nào giờ cũng trồng cam, bưởi.
Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Long, việc sản xuất cam từ trước đến nay chủ yếu là tự phát, không theo quy hoạch. Đặc biệt, mấy năm qua giá cam sành tăng cao, có thời điểm lên đến 35.000-40.000 đồng/kg nên bà con đổ xô trồng dẫn tới diện tích cam phát triển rất mạnh, vượt diện tích quy hoạch của tỉnh. Đây là nguyên nhân chính khiến cam sành rớt giá, nhiều nơi đang phải hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết, quy định mới sẽ không có quy hoạch cụ thể diện tích các loại cây trồng. Bộ NN-PTNT chỉ có thể cảnh báo, hay đưa ra định hướng phát triển từng loại cây trồng thông qua các đề án, chiến lược,… sao cho phù hợp với cung cầu và thị hiếu của thị trường.
Song, những năm vừa qua, không chỉ có cây có múi mà nhiều loại cây trồng khác như hồ tiêu, thanh long… và giờ là sầu riêng, cứ thấy được giá nông dân lại đua nhau trồng, diện tích tăng ‘nóng’. Hậu quả, một thời gian sau cung vượt cầu, giá rẻ lại kêu gọi giải cứu.
Cam, bưởi giá đang ngày càng rẻ cũng là hậu quả nhãn tiền khi nông dân ồ ạt mở rộng diện tích, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Ông Cường nhắc lại lời của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan về vấn đề sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đã qua thời chạy đua sản lượng, không thể cứ trồng theo kiểu tự phát, dư thừa rồi lại “giải cứu”. Nay phải chú trọng chất lượng, quy trình trồng, làm thương hiệu,… để tăng giá trị sản phẩm nông sản nói chung và cam, bưởi nói riêng.
Phải phát triển chế biến sâu Theo ông Đặng Phúc Nguyên, trái cây có múi ở nước ta sản lượng rất lớn, đặc biệt là cam, bưởi. Song đến nay, nhóm hàng này phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm một lượng rất nhỏ. Do mẫu mã cam, bưởi, quýt của nước ta khá xấu, quả nhiều hạt nên khó cạnh tranh với các loại cam, quýt, bưởi của các nước. Nhưng không thể cứ bán “giải cứu”, vì sẽ làm giảm giá trị cam, bưởi trong mắt người tiêu dùng. Ông Nguyên cho rằng, cần đưa các quả này vào chế biến sâu tạo ra mứt, nước ép nguyên để cung ứng cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Ví như, Thái Lan có sản phẩm nước ép cam nguyên tép bán rất đắt khách. Ở nước ta, các bộ ngành có thể đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển chế biến sâu cam, bưởi. Khi doanh nghiệp đầu tư chế biến, nông dân liên kết tạo thành vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho nhà máy. Như vậy, chuỗi sản xuất hình thành, đầu ra cam, bưởi cũng được giải quyết. |
Nguồn: vietnamnet