Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, kèm theo giãn cách xã hội kéo dài, đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại, dần sống chung với dịch.
Hơn 700 người, phần lớn là các lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp Việt Nam, vừa tham gia sự kiện Open Talk #1 với chủ đề “Cơn bão cấp mấy?”, diễn ra trên nền tảng online, do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA), IBP, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và S-World đồng tổ chức.
Dữ liệu quý 3 phản ánh hầu hết ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch lên nền kinh tế
Tại chương trình, ông Lê Anh Tuấn – phó tổng giám đốc đầu tư, trưởng phòng nghiên cứu Dragon Capital – cho biết dự báo số liệu vĩ mô tháng 8 và quý 3 có thể là dữ liệu xấu nhất trong rất nhiều năm trở lại đây, khi phản ánh gần như mọi ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 lên nền kinh tế.
“Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thu hẹp sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một số doanh nghiệp không đáp ứng được quy định, yêu cầu về nhà máy hoạt động trong thời gian dịch bùng phát. Việc giãn cách tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp FDI, đến người lao động và các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Tuấn nhận định.
Ông Mai Hữu Tín, chủ tịch hội đồng quản trị U&I Group, cũng nhìn nhận: “Chúng ta có thể phục hồi khoảng 60-70% vào cuối năm sau. Tuy nhiên, khả năng tuyển lại nhân sự lại cực kỳ khó. Vì vậy, nếu các nhà máy vẫn tiếp tục cách làm cũ và không thay đổi về mặt công nghệ thì sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi. Trước đây, các doanh nghiệp thường phải mất ít nhất 2 năm để phục hồi sau khủng hoảng, nhưng lần này sẽ mất thời gian lâu hơn”.
Khảo sát từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc, do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới (World Bank) tiến hành mới đây, cho thấy có 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19.
Nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại
Gần đây World Bank đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam, dự kiến chỉ còn khoảng 4,8% cho cả năm 2021, thấp hơn hẳn 2% so với dự báo đưa ra vào tháng 12-2020.
Giãn cách xã hội cũng khiến lĩnh vực tiêu dùng bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong tháng 7-2021, doanh số bán lẻ của Việt Nam giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4 năm trước.
Tác động đối với lĩnh vực sản xuất trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 8-2021 và những hạn chế hiện tại khiến một số doanh nghiệp phải tạm đóng cửa. Trong khi đó, các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển dẫn đến sụt giảm về sản lượng, đơn hàng mới, sức mua và việc làm.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia tham gia hội thảo, dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại, triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường quốc tế, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa, điều tương tự cũng có thể xảy ra ở Việt Nam.
Dẫn quan điểm của Dragon Capital, ông Lê Anh Tuấn cho rằng việc giãn cách không thể mãi diễn ra, khi tỉ lệ tiêm chủng được đẩy mạnh trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải dần sống chung với dịch, nền kinh tế phải sớm thích nghi.
“Bão đổ qua thì chắc chắn sẽ có cây nhỏ đổ rạp, nhưng các cây nhỏ muốn trở thành cổ thụ thì phải chịu đựng cơn bão”, ông Lê Trí Thông – phó chủ tịch YBA, phó chủ tịch hội đồng quản trị – CEO PNJ – nhận xét.
Nguồn: tuoitre.vn