Lãnh đạo các trường ĐH, chuyên gia tuyển sinh tiếp tục đặt vấn đề tính trung thực, nghiêm túc, công bằng của kỳ thi THPT 2020 khi dự thảo quy chế thi giao hết việc làm thi cho địa phương.
Không yên tâm
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho biết ông cảm thấy thất vọng với nội dung dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
“Lúc đầu Bộ GD-ĐT định giao trọn gói cho sở lo tổ chức kỳ thi này nên các trường ĐH không an tâm. Nhưng sau đó bộ đề nghị các trường ĐH cử thanh tra ủy quyền đến các tỉnh nên chắc chắn tiêu cực sẽ giảm. Vì vậy trường chúng tôi tăng chỉ tiêu xét theo điểm thi THPT từ 30% lên 50% và đã công bố trong đề án tuyển sinh.
Tuy nhiên, với dự thảo này thật sự chúng tôi cảm thấy không yên tâm. Theo tôi, muốn có kỳ thi THPT trung thực thì phải giữ như mọi năm theo cách các trường ĐH tham gia với sở GD-ĐT ở tất cả các khâu: coi thi, chấm thi, thanh tra.
Nếu giao hết cho các địa phương thì sợ sinh ra tiêu cực giống như từng xảy ra tại một số tỉnh phía Bắc trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, để lại hậu quả nặng nề” – ông Dũng nói.
Tăng cường thanh tra ủy quyền
ThS Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng theo dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT Bộ GD-ĐT vừa công bố, cán bộ, giảng viên trường ĐH sẽ không tham gia bất cứ khâu nào, từ coi thi đến chấm thi như những năm trước.
“Nhìn trên quan điểm chung, đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT nên cán bộ, giảng viên ĐH không tham gia các khâu là đúng. Nhưng kỳ thi này các trường ĐH, CĐ có dùng kết quả để xét tuyển đầu vào, vì thế nên tăng cường đội ngũ thanh tra ủy quyền của Bộ
GD-ĐT về việc làm đề, coi thi, chấm thi từ các cán bộ, giảng viên trường ĐH để tránh tình trạng xảy ra tiêu cực như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018″ – ông Quán đề nghị.
Nguyên hiệu trưởng một trường ĐH công lập ở TP.HCM cho rằng với tính chất tuyển chọn thí sinh học ĐH, nhất thiết việc coi thi, chấm thi phải được chủ trì bởi chính các trường ĐH. Mặc dù kỳ thi năm nay mang tên là kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng các trường ĐH đều vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, thậm chí chỉ tiêu tuyển sinh dành cho phương thức xét điểm thi THPT năm nay ở các trường có thể cao hơn năm trước do phần lớn các kỳ thi tuyển riêng đều đã bị hủy bỏ.
“Bộ GD-ĐT nên tính toán lại việc phải tăng cường vai trò giám sát kỳ thi của các trường ĐH thông qua việc giao cho các trường tham gia công tác thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi” – vị này kiến nghị.
Nguồn: tuoitre.vn