Ngành du lịch đang cần được ‘cấp cứu’ bằng các giải pháp không chỉ dừng ở hỗ trợ thuế, phí, đã đến lúc Chính phủ, cơ quan quản lý phải chủ động nhập cuộc, xây dựng phương án ‘I am safe’ – ‘Tôi an toàn’ nhằm giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.
Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch cần mở một chiến dịch mới về những điểm đến an toàn của VN – “I am safe” – “Tôi an toàn”.
Ông NGUYỄN QUỐC KỲ (tổng giám đốc Vietravel)
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Kỳ – tổng giám đốc Vietravel – đề xuất như vậy. Ông nói chống dịch COVID-19 có hiệu quả nhưng vẫn phải phát triển thị trường, không để tình trạng suy giảm, bị động kéo dài. Đây cũng là lúc ngành du lịch có những điều chỉnh, tháo gỡ các nút thắt bấy lâu.
Cú hích mở thị trường, mở visa, giảm thuế
Ông Nguyễn Quốc Kỳ
Ông Kỳ nói:
– Ngành du lịch VN đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Lượng khách vào VN hiện nay đang còn chủ yếu là khách vét từ năm ngoái, lượng khách đặt tour mới gần như không có, kể cả những thị trường không phải Trung Quốc, Hàn Quốc…
Một thị trường du lịch không hề còn chân khách hàng mới thì không khác gì tình cảnh dân số của một quốc gia có tỉ lệ sinh âm, chỉ còn người già chứ không có trẻ sinh mới, đó là biểu hiện suy thoái.
Với tình trạng này, một thời gian nữa thị trường du lịch sẽ gần như bị “đóng băng”.
Lúc này, bên cạnh tuân thủ các quy định phòng chống dịch, chúng ta phải tìm kiếm thị trường mới, đó là yêu cầu khẩn thiết.
Du lịch VN cần thị trường và chính sách đơn phương miễn visa cho một số quốc gia chính là cú hích để phát triển thị trường mới trong bối cảnh lúc này.
Chúng ta có thể bổ sung một số quốc gia trọng điểm về du lịch như Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ vào danh sách miễn thị thực.
Đây là thời điểm VN cần cải thiện hơn nữa về chính sách visa, đặc biệt là thị thực điện tử (e-visa), cả vấn đề phí visa, thời gian thủ tục xin visa của du khách.
* Theo ông, biện pháp triển khai miễn thị thực lúc này cần làm gì để có hiệu quả cao nhất?
– Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không nên đợi ngành du lịch lên tiếng, mà cần chủ động làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch để nghe các tiếng nói, phản ánh, từ đó có thể thiết kế một chính sách miễn thị thực đúng thị trường, đúng tầm, đúng trọng tâm.
Doanh nghiệp từng đề xuất rất nhiều lần về việc cởi trói visa thì đây là lúc cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp ngồi lại thảo luận mở thị trường nào, ở đâu, miễn bao lâu.
* Gần đây, Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng đã có những đề xuất giảm một số loại thuế, phí?
– Trong cuộc họp gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề cập hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất.
Đến nay đã có một số ngân hàng lên tiếng sẽ có gói hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch COVID-19, đó là dấu hiệu tích cực. Nhưng các gói này còn chưa thực sự đồng bộ trong hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước nên chủ động đứng ra làm việc, lắng nghe xem ngành du lịch đề xuất giảm về lãi suất như thế nào, ngành ngân hàng có thể cung cấp gói tài chính hoãn hay giảm lãi suất ra sao.
Ngoài ra, doanh nghiệp mất nguồn thu trong mùa cao điểm và có thể cần thêm nhiều thời gian mới vực lại được. Chính phủ nên xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng hay cả năm 2020, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có hi vọng đủ nguồn lực phục hồi khi dịch đi qua.
Cũng như nông sản hay bất cứ ngành khác, hàng không và du lịch là hai ngành đang bị ảnh hưởng và chịu thiệt hại nhiều nhất bởi dịch Covid-19.
Trong những dịch bệnh như thế này, bản thân cơ quan nhà nước cũng cần thấy trách nhiệm của mình trong đó, thể hiện vai trò kiến tạo như đã từng nỗ lực.
Cần chiến dịch tổng thể “I am safe”
* Ngoài các giải pháp về mở rộng đối tượng visa, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp chịu thiệt hại, chúng ta vẫn cần khách để duy trì phát triển thị trường du lịch, vậy cần phải có thêm những giải pháp khác?
– Trong giai đoạn chống dịch và đến khi VN công bố ngăn chặn hoàn toàn dịch Covid-19, Chính phủ cần tăng cường các hoạt động quảng bá ở thị trường trọng điểm, không nên để tình trạng hủy, hoãn tour kéo dài, ngưng trệ thị trường.
Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch cần đứng ra mở một chiến dịch mới về những điểm đến an toàn của VN – “I am safe” – “Tôi an toàn”.
Thực tế VN không chỉ mất thị trường Trung Quốc, mà những thị trường khác du khách cũng bị “sang chấn tâm lý”, không dám đến VN. Có tình trạng này bởi khách hiểu chưa đầy đủ về thông tin các điểm đến của du lịch VN, về những điểm đến an toàn hay chưa an toàn.
Nếu bình tĩnh nhìn lại hệ thống thị trường du lịch VN, chúng ta hoàn toàn dễ dàng khoanh vùng được những điểm đến an toàn, chưa có người bị nhiễm bệnh hay cách ly.
Các khu vực này bên cạnh triển khai những biện pháp chống dịch hoàn toàn có thể triển khai thêm nhiều hoạt động quảng bá, đón khách với sự cộng hưởng của nhiều địa phương, chẳng hạn một chiến dịch “I am safe” – “Tôi an toàn” như một cam kết có trách nhiệm, đảm bảo an toàn cho du khách.
Những nỗ lực chống dịch mà Chính phủ, toàn dân VN đang làm hiện nay để khẳng định chúng ta là một điểm đến an toàn. Và Chính phủ cũng cần hành động nhanh chóng để hỗ trợ du lịch thoát khỏi suy thoái kịp thời.
* Ngành du lịch VN từng trải qua đại dịch SARS 2003, rồi đến cúm A/H1N1, khủng hoảng kinh tế 2009 và đến bây giờ là COVID-19, theo ông, tại sao đến bây giờ ngành kinh tế du lịch của chúng ta vẫn lúng túng trong đối phó?
– Du lịch là ngành rất dễ tổn thương vì chịu nhiều tác động xã hội, chính trị, kinh tế, dịch bệnh, thiên tai…
Đáng tiếc đến nay chúng ta vẫn chưa có kịch bản ứng phó sẵn trong trường hợp dịch bệnh thì cần phải làm gì.
Đợt phòng chống dịch bệnh lần này, có một dịch bệnh khác mà doanh nghiệp cũng sợ hãi không kém đó chính là dịch lười, dịch vô cảm từ phía cơ quan quản lý. Chúng tôi rất tâm đắc với chia sẻ của Thủ tướng trong cuộc họp vừa qua khi gọi đó là “virus trì trệ”.
Một chính phủ kiến tạo, năng động sẽ chủ động theo dõi tác động của dịch đối với các ngành nghề khác nhau của nền kinh tế để xác định đối tượng cần sự hỗ trợ phù hợp, chứ không nên đợi các doanh nghiệp lên tiếng cầu cứu mới vào cuộc.
Và chính sự chủ động nhập cuộc sẽ giúp cơ quan quản lý xác định được những điều kiện cụ thể cũng như trọng tâm hỗ trợ, các chương trình “giải cứu” mới trúng đích và hiệu quả, kịp thời.
Khách Âu, Mỹ không muốn hủy tour đến Việt Nam
Khách du lịch quốc tế tham quan Đại nội Huế ngày 16-2
Các doanh nghiệp lữ hành cho biết du khách châu Âu, Mỹ vẫn đổ về VN trong thời điểm du lịch thế giới đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điều này cho thấy du khách vẫn tin tưởng việc kiểm soát dịch bệnh của VN.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, giám đốc Công ty Images Travel chuyên thị trường khách châu Âu, cho biết trong tháng 2, lịch đón tour của doanh nghiệp không thay đổi.
Ước tính hơn 50 tour khách châu Âu, trong đó 80% là khách đến từ Pháp vẫn tiếp tục vào VN tham quan.
“Chúng tôi vẫn đón hơn 1.000 khách trong tháng 2 và theo kế hoạch từ đây đến tháng 5-2020, khách từ các thị trường châu Âu vẫn khá ổn định” – ông Toản nói.
Tương tự, tại Vietravel, khách châu Âu, Mỹ vẫn khá ổn định. Công ty này dự kiến đón khoảng 20 đoàn với gần 500 khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Thụy Sĩ, Pháp, Thụy Điển, Mỹ, Canada…
Đại diện Lữ hành Fiditour cũng cho biết trong tháng 2-2020, dự kiến công ty vẫn tiếp tục đón khoảng 10 đoàn khách châu Âu vào tham quan VN với 30-80 khách/đoàn. Chiếm số đông là du khách Ba Lan và Cộng hòa Czech.
Theo các công ty lữ hành, nhóm khách châu Âu thường có hành trình tour khá dài tại VN, chọn khám phá xuyên Việt với các điểm dừng chân nổi tiếng như Hà Nội, Hội An, TP.HCM, Nha Trang, Phú Quốc…
Với nhóm khách này, nhân viên các công ty lữ hành không chỉ tư vấn các sản phẩm du lịch mà còn thuyết phục khách với các thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình ảnh hưởng dịch COVID-19 tại VN.
Nguồn: tuoitre.vn