Gần 130 du khách Mỹ được chào đón nồng nhiệt tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sáng 8-4, là đoàn khách quốc tế đông nhất tới TP.HCM sau khi du lịch mở cửa.
Chiều cùng ngày, TP.HCM cũng giới thiệu phương án mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới với các tổ chức, cơ quan ngoại giao nước ngoài.
Phát động chiến dịch truyền thông “TP.HCM chào đón bạn”
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết lễ đón 130 du khách Mỹ là sự kiện ghi dấu ấn trở lại của ngành du lịch TP.HCM. Điều này cho thấy Việt Nam và TP.HCM đã trở thành điểm đến được khách du lịch quốc tế quan tâm.
“Sau đoàn khách này, chúng tôi sẽ tiếp tục đón những đoàn khách MICE từ các thị trường khác với số lượng 4.000 – 5.000 người. Ngành du lịch TP.HCM đã ký ghi nhớ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cảng vụ Hàng không miền Nam, Công an TP.HCM… triển khai chương trình du lịch MICE TP.HCM giai đoạn 2022-2025, đem lại nhiều ưu đãi cho du khách”, bà Hoa nói.
Đặc biệt, với lễ phát động chiến dịch truyền thông lớn nhất từ khi có dịch COVID-19 “TP.HCM chào đón bạn – Welcome to Ho Chi Minh City”, không khí mở cửa du lịch quốc tế trong các doanh nghiệp chuyển động mạnh mẽ hơn.
Đại diện Vietjet Air cho biết cùng quá trình hồi phục du lịch Việt Nam, hãng cũng hồi phục tất cả 88 đường bay trong và ngoài nước. “Chúng tôi cam kết đưa được 15 triệu lượt khách đến TP.HCM, trong đó 3 – 4 triệu lượt khách quốc tế. Vietjet cũng sẵn sàng sơn tặng biểu tượng TP.HCM trị giá 15 tỉ đồng trong 5 năm trên các máy bay của mình. Những nỗ lực này là muốn cùng TP tăng tốc hồi phục du lịch, trở thành điểm đến sống động hàng đầu châu Á”, đại diện Vietjet Air cam kết.
Ông Lại Minh Duy – tổng giám đốc TST tourist – cho biết tại doanh nghiệp, du khách thị trường Đông Nam Á và Úc đã có sự trở lại và với chương trình khởi động “TP.HCM chào đón bạn” hình ảnh về TP.HCM, doanh nghiệp tự tin hơn bán sản phẩm với thị trường quốc tế. Thông điệp mở cửa của Việt Nam đã tạo sự quan tâm của du khách cũng như quốc gia xung quanh dành cho Việt Nam nhiều hơn.
“Trước đây du khách quốc tế sẽ đi theo cụm vùng miền phía Bắc, phía Nam… nhưng hiện du khách yêu cầu doanh nghiệp xây dựng sản phẩm mang tính trải nghiệm cao, số lượng đoàn khách đi theo nhóm không lớn mà phổ biến quy mô từ 7 đến dưới 20 người, bù lại thời gian lưu trú dài hơn trước. Đây là một trong những lợi thế rất lớn cho du lịch Việt Nam. Chúng ta đã đi trước thị trường và dự đoán đúng xu hướng này”, ông Duy nhìn nhận.
Trong khi đó, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng – phó tổng giám đốc Vietravel – thông tin một loạt kế hoạch về sản phẩm, quảng bá để đón khách quốc tế: “Chúng tôi đã làm việc và dự kiến kết hợp cùng các địa phương ký kết với hiệp hội du lịch các nước có nguồn khách truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Đặc biệt với nhóm khách MICE, hãng cũng đã thiết kế các hành trình riêng dành cho khách quốc tế này đến các địa điểm du lịch kết hợp hội nghị dựa vào nhu cầu của chính doanh nghiệp, tổ chức hay nhóm gia đình”.
Sau “phát pháo rất giòn” là gì?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Leo Liu – chủ tịch Công ty Citslinc, đơn vị tổ chức đoàn khách Mỹ trên – cho biết nhiều người sẽ hỏi vì sao chọn Việt Nam ngay sau dịch. “Chúng tôi nhận được rất nhiều hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam. Tại châu Á, cùng với thị trường Việt Nam, chúng tôi cũng làm việc với thị trường Indonesia, Thái Lan để nối lại các đoàn tour. Tuy vậy, sau hai năm ngành du lịch đã thay đổi rất nhiều. Mỗi nơi đi qua chúng tôi đều được đón tiếp với sự hiếu khách, sự hồi phục đang diễn ra chưa đồng đều”, ông Leo Liu nói.
Theo ông Phước Đặng – CEO Outbox Company, du lịch Việt Nam đã có “phát pháo rất giòn” với đoàn du khách đến từ Mỹ, gây được sự chú ý của du lịch quốc tế. Nhưng sau các sự kiện ban đầu, du khách cần những thông điệp cụ thể và dài hơi hơn. Theo ông Phước, các chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch không đơn giản dừng lại ở câu chuyện vận động doanh nghiệp tung nhiều khuyến mãi, khách đến thì đón mà cần có chiến lược tiếp cận thị trường cụ thể và kết cấu thực chất hơn.
“Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực vốn từng phụ thuộc vào khách quốc tế. Chúng ta đang muốn cơ cấu lại thị trường khách, nhắm đến dòng cao cấp, chi tiêu cao thì các sản phẩm chuẩn bị cũng phải đi theo mục tiêu này. Trong quá trình xúc tiến hồi phục thị trường quốc tế, câu hỏi đầu tiên Việt Nam cần trả lời được là đối tượng du khách nhắm đến lúc này là ai? Mình có sản phẩm gì được thiết kế riêng cho họ, chính sách của mình cho du khách là gì, hoạt động truyền thông ra sao? Trên cơ sở đó, doanh nghiệp xây dựng danh mục sản phẩm phù hợp, chính sách ưu đãi cụ thể”, ông Phước gợi ý.
Ngoài ra, các câu chuyện hạ tầng dịch vụ du lịch như việc thiếu hụt nhân lực, cơ sở dịch vụ lưu trú chưa hồi phục, chuỗi cung ứng bị đứt gãy cũng cần được nhìn nhận là nút thắt của nỗ lực đẩy nhanh việc hồi phục. Ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP.HCM cũng như Việt Nam đang nỗ lực xây dựng môi trường thuận lợi, an toàn cho du khách đến đây. Hướng đến tầm nhìn đưa TP.HCM trở thành một đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, nơi du khách được trải nghiệm những giá trị khác biệt trên mỗi hành trình.
“Sức cạnh tranh, truyền thông về hình ảnh, du lịch của các nước trong khu vực và quốc tế đang trở thành cao trào. Do đó, ngành du lịch phải tiếp tục nỗ lực tái đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới, sáng tạo các chương trình du lịch… Đó cũng là điều bắt buộc cho một kế hoạch hồi phục bền vững”, ông Đức khẳng định.
Cần mở rộng việc miễn visa
Ông Trần Minh Đức – phó giám đốc Công ty CP du lịch Long Phú, chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa – cho biết Việt Nam chỉ mới miễn visa cho du khách đến từ 13 quốc gia, trong khi các quốc gia lân cận như Thái Lan đã miễn visa cho du khách 64 quốc gia, Indonesia là 70 và Philippines đã đạt tới gần 160. Vì vậy Chính phủ, các ban ngành cần gia tăng số lượng quốc gia được miễn visa khi tới Việt Nam, sau đó tìm cách để xúc tiến tới các thị trường tiềm năng, trên cơ sở này mới tính toán được số lượng khách và lượng nhân sự cần phải có.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết đã có 90% khách sạn, điểm du lịch tại địa phương mở cửa hoạt động, sẵn sàng đón khách trở lại. Kể từ khi Chính phủ mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế, mặc dù du khách quốc tế đến Khánh Hòa chưa nhiều nhưng các hoạt động du lịch đang hồi phục khá tốt. “Chúng tôi cũng sẽ kết nối để khôi phục các thị trường truyền thống trước đây như Nga, Hàn Quốc… đồng thời sẽ xúc tiến mở thêm các thị trường mới, trong đó có Ấn Độ” – bà Thanh nói.
Các đoàn nhà báo nước ngoài đến Việt Nam khảo sát du lịch
Đó là một trong những nội dung nhằm quảng bá du lịch Việt Nam trong thời gian tới mà ông Nguyễn Quý Phương – vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) – cho biết chiều 8-4.
Du khách thích thú với phần xiếc khỉ tại đảo khỉ ở Khánh Hòa
Ông Phương cho biết thêm trong năm 2022, Tổng cục Du lịch tiếp tục triển khai chiến dịch xúc tiến, quảng bá mang tên Live fully in Vietnam (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) với các hoạt động thông tin, truyền thông; xúc tiến, quảng bá hướng tới thị trường nguồn khách quốc tế của du lịch Việt Nam, tập trung e-marketing (thông qua trang web vietnam.travel, các trang mạng xã hội).
Trong năm 2022, trên cơ sở ngân sách từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chủ trì tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá bao gồm: tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam tại một số hội chợ du lịch quốc tế lớn bao gồm JATA, WTM; cùng các doanh nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại một số thị trường du lịch trọng điểm Đông Nam Á, châu Âu, Úc, Đông Bắc Á; tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp, báo chí nước ngoài đến khảo sát du lịch Việt Nam.
Nguồn: tuoitre.vn