Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Doanh nghiệp hành động hướng tới Hội An – điểm đến xanh” do Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 12-12, nhiều ý kiến cho rằng không ít điểm đến tại Quảng Nam đang chịu áp lực lớn về môi trường.
Do đó, đã đến lúc câu chuyện bảo vệ môi trường cần được chính quyền và doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn, nhằm tập trung phát triển du lịch xanh, không rác thải.
Ông Lê Ngọc Tường – phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam – khẳng định du lịch tử tế hay du lịch có trách nhiệm không chỉ là đòi hỏi của du khách mà là xu thế của thế giới. Quảng Nam cũng định hướng xây dựng một ngành du lịch văn minh, lấy ứng xử với môi trường làm định hướng để phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Minh Lý – phó chủ tịch UBND TP Hội An, phải giải quyết cân bằng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường mới có thể phát triển bền vững.
Do đó, thời gian qua Hội An đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về rác thải như tổ chức phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu sử dụng túi nilông, xử lý rác thải nhà bếp, giáo dục môi trường trong học đường, xác định trách nhiệm của doanh nghiệp…
Cũng theo ông Lý, phong trào không rác thải đang trở thành xu hướng mạnh mẽ trên địa bàn, lan tỏa ra cộng đồng và được khách du lịch khích lệ, thậm chí chi trả thêm tiền để giữ môi trường. Ngoài những khách sạn và nhà hàng đi tiên phong trong công tác phân loại và giảm thiểu rác thải tại nguồn, một số doanh nghiệp cũng tham gia dịch vụ tái chế rác thải, tái chế các sản phẩm từ rác thải nhựa giá trị thấp.
“Câu chuyện làm du lịch gắn liền với giải quyết đường đi của rác đã có hướng đi bài bản, bền vững” – ông Lý khẳng định.
Cũng trong dịp này, 40 doanh nghiệp lớn tại Hội An đã cùng ký cam kết hành động, tổ chức các sản phẩm tiết giảm tối đa rác thải, tổ chức phân loại và tái chế rác phát sinh… với mục tiêu tới năm 2025 ngành du lịch Quảng Nam trở thành điểm đến “xanh” được công nhận.
Nhiều hoạt động “hâm nóng” du lịch Hội An
Không gian ẩm thực, nghệ thuật Coco Casa nằm ven sông Cổ Cò (phường Cẩm An, Hội An), được đưa vào hoạt động từ ngày 5-12 và kéo dài đến hết năm 2020, đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách, trong đó đa số là khách Tây từ Đà Nẵng, Huế… đổ về. “Chúng tôi không hiểu khách Tây ở đâu ra mà đông đến vậy” – giám đốc một công ty lữ hành tại Hội An nói khi tham dự sự kiện.
Chỉ với 400m2 hướng sông, chủ cơ sở này đã dành nhiều năm để cóp nhặt những tinh hoa nghệ thuật các dân tộc vùng cao, xu hướng thiết kế nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới để đưa vào bài trí một không gian tinh tế kết hợp với ẩm thực. Ngay trong ngày mở cửa, theo ông Lê Ngọc Thuận – chủ không gian này, đã có hơn 1.000 khách tới ăn uống, sử dụng dịch vụ.
“Đây là thời điểm kinh doanh rất khó khăn nên ngoài sản phẩm lạ, độc đáo thì chúng tôi cũng kết hợp kinh doanh để gây quỹ cộng đồng, giúp đỡ trẻ em vùng cao, trồng cây xanh ở biển An Bàng với 50% doanh thu được trích lại. Nhờ vậy, khách Tây rất thích, họ bàn tán rôm rả trên mạng và đón xe từ nhiều tỉnh khác để vào Hội An” – ông Thuận cho biết.
Trong khi đó, từ nhiều tháng nay, một nhóm doanh nhân kinh doanh ở biển An Bàng vẫn tích cực tổ chức và kêu gọi người dân tham gia chợ phiên du lịch Tân Thành nhằm giữ ấm bầu không khí, kéo du khách quay lại.
Nguồn: tuoitre.vn