Đà Nẵng cần giảm phụ thuộc nguồn khách Trung Quốc, Hàn Quốc để hướng tới các thị trường bền vững, có khả năng chi tiêu cao. Không chạy theo số lượng, tập trung vào thu hút chi tiêu, xây dựng sản phẩm dịch vụ cao cấp.
Đó là ý kiến đóng góp của nhiều đại biểu tại hội thảo định hướg phát triển du lịch Đà Nẵng do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 5-12.
Gây áp lực giao thông, môi trường
Tiến sĩ (TS) Trương Sỹ Quý, trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế – ĐH Đà Nẵng, nhận định Đà Nẵng đang có một số vấn đề cần giải quyết ngay như tình trạng các cống xả nước thải ra bãi biển, chất thải từ du lịch của các khu lưu trú ven biển.
Đây là các vấn đề có nguy cơ về chiến lược, ảnh hưởng dài hạn đến tài nguyên biển Đà Nẵng. Đồng thời TS Quý đề nghị ngành du lịch Đà Nẵng cần thay đổi cơ cấu khách thu nhập thấp sang nguồn khách thu nhập cao để giảm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch.
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng Đà Nẵng đã xác định ngành du lịch là mũi nhọn thì phải có đóng góp lớn cho GDP, tạo ra nhiều việc làm.
PGS.TS Lương khuyến nghị, Đà Nẵng không chạy theo số lượng du khách mà chú trọng thu hút chi tiêu, thu tiền về cho nền kinh tế. Việc chạy theo số lượng như hiện nay chỉ gây áp lực đến hạ tầng giao thông và môi trường.
“Lâu nay chúng ta không chú ý phát triển du lịch đêm nên khách chi tiêu ít, không lưu lại lâu, thiếu điểm vui chơi giải trí, mua sắm. Tôi đề nghị Đà Nẵng đưa vào quy hoạch một khu kinh tế đêm và có chính sách hỗ trợ phát triển cho nó” – PGS.TS Lương nêu đề nghị.
Đa dạng hóa thị trường, tập trung khách cao cấp
Ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết hiện số buồng phòng, cơ sở lưu trú có khoảng cách lớn giữa cung và cầu.
Cụ thể, Đà Nẵng có hơn 50.000 buồng phòng khách sạn, số lượng tương đương Bali (Indonesia), nhưng lượng khách chỉ bằng một nửa (8 triệu khách so với 15 triệu). Vào mùa thấp điểm như hiện nay, các cơ sở chỉ khai thác tối đa 15-30% công suất buồng phòng.
Theo nhiều đại biểu, hiện khách tăng nhưng thu ngân sách không tăng và nguồn khách đang mất cân đối quá lớn. Phụ thuộc chủ yếu vào hai thị trường truyền thống là Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu có vấn đề xảy ra dễ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường du lịch. Do đó, Đà Nẵng cần tìm kiếm nguồn khách từ các thị trường bền vững, có khả năng chi tiêu cao.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, vấn đề tái cơ cấu nguồn khách trong bối cảnh cung đang vượt cầu là bài toán rất khó cho ngành du lịch.
Nếu chỉ phát triển thị trường khách cao cấp thì các khách sạn 1-2 sao đang chiếm số nhiều sẽ không có khách, các dịch vụ khác sẽ ảnh hưởng ngay. Bà Hạnh cho biết đang tham khảo mô hình tỉnh Bình Định là tạm ngừng cấp phép xây dựng cơ sở lưu trú phục vụ du lịch nếu chứng minh được hạ tầng quá tải.
Ông Lê Trung Chinh, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết tỉ trọng đóng góp của ngành du lịch những năm qua tương đối cao.
“Lãnh đạo TP xác định ưu thế của Đà Nẵng là môi trường tự nhiên các bãi biển, vùng núi Bà Nà, bán đảo Sơn Trà và hệ thống sông ngòi. Nhưng cái lo nhất của Đà Nẵng cũng là môi trường, môi trường biển mà đánh mất là rất căng thẳng. Do đó, các khách sạn, resort ven biển cũng cần chia sẻ cùng thành phố vấn đề môi trường” – ông Chinh nói.
Tại hội thảo, ông Lê Trung Chinh cũng giao Sở Du lịch tiếp thu các ý kiến đóng góp để xây dựng đề án tổng thể về phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề khớp nối quy hoạch, hạ tầng, kinh tế đêm, sản phẩm du lịch, nhân lực, liên kết vùng.
Doanh thu du lịch Đà Nẵng đạt gần 29.000 tỉ đồng
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, năm 2019 Đà Nẵng ước đón 8,7 triệu lượng khách tham quan, du lịch. Tổng thu từ du lịch năm 2019 dự kiến đạt 28.924 tỉ đồng, tăng hơn 28% so với năm 2018. Thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc giữ chủ đạo với tỉ trọng khách Hàn Quốc đạt 56,4%, khách Trung Quốc đạt 21,7%.
Nguồn: tuoitre.vn