Trong gần 2 năm dịch COVID-19, nhiều trường đại học trong nước đẩy mạnh các chương trình liên kết quốc tế nhằm đáp ứng mong muốn du học của học sinh.

Du học từ Việt Nam: Nở rộ chương trình liên kết quốc tế - Ảnh 1.

Các sinh viên Viện ISB (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) theo học các chương trình liên kết với các trường ĐH Úc và New Zealand 

Nhu cầu tăng cao nên không tránh khỏi chuyện “vàng thau lẫn lộn”, vì vậy theo các chuyên gia, thí sinh cần thật sự cẩn trọng khi quyết định sẽ học chương trình liên kết nào.

“Tạm trú” tại Việt Nam

Phạm Tất Toàn (19 tuổi, TP.HCM) đang theo học chương trình cử nhân tài chính liên kết giữa Viện ISB (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) và ĐH Macquarie (Úc). Năm 2020, Toàn định sẽ du học 100% nhưng vì dịch COVID-19 khiến nhiều điểm đến “đóng băng” nên Toàn quyết định rẽ hướng.

“Ngay từ đầu mình đã muốn học ngành tài chính ở ĐH Macquarie nhưng vì không thể sang bên Úc nên mình chọn học liên kết. Cái lợi là mình thấy vừa tránh được dịch, học phí lại tiết kiệm, cũng tận dụng được thời gian. Chỉ có điều mình hơi lo liệu có thể sang Úc đúng hạn hay không”, Toàn chia sẻ.

Trong 2 mùa tuyển sinh gặp phải dịch COVID-19, nhiều trường đại học trong nước đã chủ động đẩy mạnh các chương trình liên kết. Theo đánh giá, do có 2 hoặc 3 năm học tại Việt Nam, các bạn có thể tránh được việc phải ra nước ngoài khi dịch bệnh còn phức tạp.

Ngoài ra, dù chương trình vẫn theo chuẩn của đối tác quốc tế nhưng do được giảng dạy trong nước nên số tiền bỏ ra có thể thấp hơn từ 40 – 60% so với tổng chi phí khi du học toàn phần.

Năm nay, nhiều trường tiếp tục mở thêm các chương trình liên kết. Mới nhất, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thông báo tuyển sinh năm đầu tiên cho chương trình Mekong Talent 100, hợp tác với ĐH Western Sydney (Úc) và ĐH Victoria Wellington (New Zealand) để đào tạo liên kết tại phân hiệu Vĩnh Long.

Ông Bùi Quang Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết tân sinh viên sẽ học 18 tháng đầu tại Việt Nam, sau đó chuyển tiếp hoàn tất 18 tháng sau tại Úc hoặc New Zealand theo chuyên ngành đã chọn.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng lần đầu tiên tổ chức chương trình liên kết cho ngành ngôn ngữ Trung Quốc với ĐH Sư phạm Quảng Tây (Trung Quốc).

Ông Trần Nam, trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp của trường, cho biết khi vừa công bố ra mắt, nhiều thí sinh đã rất quan tâm. Theo ông Nam, số lượng sinh viên đăng ký các chương trình quốc tế khác ở trường cũng đã tăng so với năm trước đó, một phần cũng do kỳ vọng 2 năm tiếp theo mọi chuyện sẽ trở lại bình thường.

Ông Phùng Quán, trưởng phòng thông tin – truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trước đây có những chương trình liên kết 2+2, 3+1 thì nay có cả chương trình 4+0. Nghĩa là sinh viên sẽ học hoàn toàn tại Việt Nam, nhưng chương trình và cấp bằng là của đối tác nước ngoài.

Trường đang có các chương trình liên kết với ĐH Công nghệ Auckland (New Zealand).

Lưu ý các kiểm định, vị trí trên bảng xếp hạng

Ông Phùng Quán chia sẻ với hàng loạt chương trình liên kết hiện nay, trước khi ra quyết định phụ huynh và thí sinh cần cân nhắc rất kỹ. Trước hết cần xem chương trình liên kết này đã được kiểm định ở trong nước hay chưa. Thí sinh có thể lên các trang thông tin của Bộ GD-ĐT để tra cứu.

Theo ông Quán, hiện một số trường mở liên kết đào tạo quốc tế theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, đem các chương trình nước ngoài về tuyển sinh nhưng lại chưa được kiểm định.

Nhiều trường đại học dù kém chất lượng như ở Philippines, Malaysia… cũng khá dễ dàng bắt tay với các trường lấy “mác” là nước ngoài để thu hút người học. Với những trường hợp này, hậu quả cuối cùng vẫn sẽ thuộc về sinh viên.

Ông Lê Trường Tùng, chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng lưu ý cốt lõi khi chọn chương trình liên kết quốc tế là phải xem đối tác của các trường Việt Nam là ai. Có thể xem đánh giá về trường, về ngành mà bạn đang muốn chọn trên những bảng xếp hạng đại học uy tín của thế giới.

“Thông thường những trường đại học chất lượng cũng sẽ rất cẩn trọng khi lựa chọn đối tác. Các đại học quốc tế này sẽ là bên trực tiếp cấp bằng, vì vậy nếu kém chất lượng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của họ” – ông Tùng nói.

Chưa thể chuyển tiếp vì biên giới đóng cửa

Trần Quốc Minh Khánh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện theo học ngành truyền thông trong chương trình liên kết với ĐH Deakin (Úc).

Hơn 2 năm trước khi Khánh chọn theo con đường này, dịch COVID-19 vẫn chưa xuất hiện, vì vậy bạn đặt mục tiêu cho mình đến năm 2020 sẽ chuyển tiếp sang Úc. Đến nay kế hoạch này phần nào đã gãy đổ do đến thời điểm hiện tại, Úc vẫn đóng cửa biên giới với sinh viên quốc tế.

Khánh chọn học online trước một số môn trong tổng cộng 16 học phần phải hoàn thành tại Úc để theo kịp tiến độ. Các môn được linh hoạt chọn lựa, ưu tiên những môn dễ trước, còn những nội dung khó hoặc đòi hỏi thực hành nhiều thì buộc lòng chờ sang lại Úc sẽ hoàn tất.

Cân nhắc kỹ trình độ tiếng Anh

Theo ông Phùng Quán, khi chọn học bất kỳ chương trình liên kết quốc tế nào đầu tiên sinh viên cần lưu ý về trình độ tiếng Anh của mình. Đủ chuẩn đầu vào của trường đưa ra chỉ là một phần, ngoài ra các bạn nên tự thấy mình có khả năng cơ bản để nghe và hiểu tiếng Anh. Nếu ngoại ngữ chưa ổn, vào học các bạn rất dễ stress.

Kế đó là về tài chính. Dù rằng tiền học có thể thấp hơn khi du học trực tiếp, nhưng nhìn chung các chương trình liên kết đòi hỏi mức học phí tương đối cao so với chương trình chính quy hay chương trình chất lượng cao.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chương trình liên kếtdịch COVID-19du họcđại họctrường Đại học

Các tin liên quan đến bài viết