Một số nước như Mỹ, Canada, Úc có những chính sách thông thoáng hơn để thu hút du học sinh quốc tế trong năm 2024.

Sinh viên Trường cao đẳng cộng đồng Valencia (bang Florida, Mỹ) - Ảnh: M.K.

Sinh viên Trường cao đẳng cộng đồng Valencia (bang Florida, Mỹ) 

Số liệu vừa được Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM đưa ra tại triển lãm giáo dục cho thấy số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ khoảng 30.000 người ở các cấp học. Việt Nam đang xếp thứ 5 trong số các nước có số lượng học sinh, sinh viên đến Mỹ học tập. Số lượng du học sinh học tập tại Mỹ của Việt Nam cũng dẫn đầu trong khối ASEAN.

Bỏ SAT trong tuyển sinh

Trong năm 2024, các chuyên gia nhận định Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng cánh cửa du học cho sinh viên quốc tế. Một trong số những quy định thông thoáng hơn là thêm nhiều trường không bắt buộc bài thi chuẩn hóa SAT trong tuyển sinh.

Xu hướng miễn SAT bắt đầu trong dịch COVID-19 khi các trường nhận thấy học sinh quốc tế khó tiếp cận với bài thi này vì giãn cách. Tuy nhiên, dù đại dịch dần lùi xa, số lượng cơ sở giáo dục đại học không bắt buộc SAT vẫn tăng thêm.

Cụ thể, dữ liệu từ Trung tâm Quốc gia về khảo thí công bằng và công khai – một tổ chức giáo dục của Mỹ – cho thấy số cơ sở giáo dục đại học không bắt buộc SAT tại Mỹ trong năm 2024 khoảng 2.000 trường, tăng hơn 100 trường so với năm 2023.

Đầu năm 2020 thời điểm dịch COVID-19 vừa bùng phát, số trường không bắt buộc SAT ở Mỹ chỉ là 1.075 trường, bằng khoảng một nửa hiện tại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện tuyển sinh Đại học Full Sail, California (Mỹ) cho biết khi SAT là một tiêu chí không bắt buộc, các trường sẽ tuyển sinh chủ yếu dựa vào điểm trung bình học tập (GPA), điểm chứng chỉ ngoại ngữ, bài luận.

Các thành tích học thuật, hoạt động ngoại khóa hay thư giới thiệu sẽ giúp hồ sơ ứng tuyển nổi bật hơn. Tuy nhiên, một số ngành học “hot” có tính cạnh tranh ở những trường hàng đầu như kỹ thuật, công nghệ vẫn yêu cầu điểm SAT để có thể phân loại thí sinh tốt hơn.

Chương trình du học miễn chứng minh tài chính

Tại Canada, Chương trình du học diện miễn chứng minh tài chính cho sinh viên (SDS) hiện được áp dụng cho 14 quốc gia, bao gồm Việt Nam, cũng sẽ thay đổi điều kiện tiếng Anh theo hướng “nhẹ nhàng” hơn.

Quy định sẽ chỉ còn yêu cầu tổng điểm IELTS (Academic) đạt 6.0 là đủ điều kiện đăng ký, bỏ điều kiện không kỹ năng nào dưới 6.0. Những thí sinh có chứng chỉ IELTS còn hạn (trong hai năm) thỏa điều kiện trên vẫn có thể nộp đơn xin học theo chương trình SDS.

Trong khi đó tại Úc, số liệu do Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Úc (Austrade) thông tin trong năm 2023, số du học sinh Việt Nam đang học tập tại Úc là khoảng 24.000 người. Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia đưa sinh viên quốc tế đến Úc. Con số này tăng thêm khoảng 4.000 người so với năm 2022.

Ông Lâm Minh Khoa – giám đốc tuyển sinh Đại học Melbourne tại Việt Nam – cho rằng xu hướng tăng số du học sinh Việt Nam đến Úc vẫn sẽ tiếp tục do có nhiều điều kiện thuận lợi. Trong năm 2023, Việt Nam chính thức có thêm các đường bay thẳng đến các thành phố lớn Brisbane và Perth, bên cạnh đường bay thẳng đã có đến Sydney và Melbourne. Từ Việt Nam đã có thể đi lại dễ dàng đến phần lớn các điểm đến du học lớn ở Úc.

Bên cạnh đó theo ông Khoa, các cập nhật chính sách visa của Úc cũng mở rộng cơ hội ở lại làm việc với du học sinh. Quy định hiện tại cho phép sinh viên quốc tế tốt nghiệp cử nhân được ở lại làm việc hai năm, với thạc sĩ, tiến sĩ là ba năm và bốn năm. Nếu học các ngành nghề trong danh sách được ưu tiên, sinh viên quốc tế ở lại được cộng thêm 1-2 năm.

Cẩn trọng du học “trá hình”

Tháng 5-2023, Việt Nam thăng hạng, được Úc xếp vào thị trường du học nhóm Assessment Level 1 (AL1). Học sinh, sinh viên không cần phải chứng minh tài chính và không bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh như IELTS khi nộp hồ sơ xin visa du học Úc.

Quy định miễn này được áp dụng cho tất cả các trường đại học, cao đẳng, trường nghề và trường phổ thông ở Úc. Nhưng đến tháng 9-2023, Việt Nam lại tụt về nhóm Assessment Level 2 (AL2), đồng nghĩa các quyền lợi trên không còn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện tuyển sinh tại Việt Nam của một đại học tốp đầu ở Úc nhận định hiện có một số trường ở Úc tạo ra những chương trình học giá rẻ để thu hút sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam. Thực chất các trường không dạy gì hoặc chỉ dạy cho có. Một số bạn trẻ từ Việt Nam đăng ký vào các trường này cũng không phải vì mục đích học hành mà là để… đi làm thêm.

“Nếu bị phát hiện, các sinh viên này sẽ đối mặt với những chế tài, thậm chí có thể khiến bạn và người thân sẽ bị cấm nhập cảnh vào Úc trong một khoảng thời gian”, vị này nói.

Ông Nguyễn Nhựt Hưng – đại diện tuyển sinh quốc gia Đại học Công nghệ Sydney (Úc) tại Việt Nam – cho biết có tình trạng sinh viên của một vài quốc gia chuyển trường từ chính quy sang những trường “mập mờ” để tiện cho việc đi làm thêm. Đây là một cách “lách luật” bởi nếu đăng ký các trường chính quy thường xin visa du học dễ hơn.

Vì vậy, một số bạn ở các nước lúc đầu chọn trường chính quy để nộp visa. Khi sang được Úc, họ lại chuyển về trường có danh tiếng và học phí thấp hơn, trong đó có cả các trường “bình phong” – những cơ sở dựng lên chỉ để mục đích hợp thức hóa visa du học.

“Úc có áp dụng một vài biện pháp quản lý để hạn chế vấn đề trên. Tuy nhiên, nhìn chung các trường chính quy và sinh viên đàng hoàng sẽ không bị ảnh hưởng. Vì vậy, ở tầm vĩ mô sẽ không có gì thay đổi. Các đại học Úc vẫn rất cởi mở với sinh viên quốc tế, đặc biệt là Việt Nam”, ông Hưng nhận định.

Học phí có thể tăng

Ông Hien Nguyen – giám đốc vùng Việt Nam, Đại học Northern Arizona (Mỹ) – nhận xét xu hướng chọn ngành học của du học sinh Việt Nam đến Mỹ chủ yếu vẫn là STEM. Thống kê cho thấy khoảng 47% du học sinh Việt Nam đến Mỹ chọn học các ngành liên quan đến STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học).

Về học phí, ông nhận định trong năm 2024, nhiều đại học Mỹ sẽ có chính sách tăng nhẹ học phí. Nhưng ngược lại, các học bổng cấp cho sinh viên sẽ nhiều hơn cả về số lượng lẫn giá trị.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : du họcDu học năm 2024

Các tin liên quan đến bài viết