Theo nhiều chuyên gia, tình hình lạm phát của Việt Nam cơ bản vẫn được kiểm soát tốt và không có dấu hiệu cho thấy tăng đột biến vào cuối năm và năm tới.
Vì vậy, nhiều thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thời gian qua đã vô tình thổi phồng nguy cơ lạm phát, qua đó định hướng, kêu gọi người dân mua bất động sản để “chống và hưởng lợi từ lạm phát”.
Giá dầu ổn định, lạm phát ổn ngay
Bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng tình hình chung của lạm phát Việt Nam và thế giới tăng trong quý 1 phần lớn là do giá dầu thô tăng. “Vì vậy, nếu giá dầu thô thế giới trở lại bình thường, chúng ta không quá lo ngại lạm phát năm 2022 tăng vượt ngưỡng 4% mà Quốc hội đã đề ra”, bà Hương nhấn mạnh.
Từ thực tế nêu trên, bà Hương cho rằng việc tung tin lạm phát tăng cao, nên đầu tư vào bất động sản là động thái “làm màu” của môi giới, các chủ đầu tư bất động sản. Họ muốn đẩy giá nhà đất để kiếm lợi, nên nhà đầu tư cần cẩn trọng khi chạy theo thông tin này để mua, găm hàng, dính bẫy khan hiếm giả đất đai trên thị trường.
Bà Hương cũng cho rằng các địa phương cần có chính sách để hạn chế găm tiền vào đất đai, trừ nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Còn tín dụng ngân hàng cần hướng tới cung cấp cho hoạt động sản xuất kinh doanh nên hạn chế cho vay mua đất, mua nhà đầu cơ. Qua đó, quản lý dòng tiền, ngăn chặn khan hiếm đất, làm tiền thuê đất của doanh nghiệp tăng lên, chi phí đất đai tăng cao.
Cũng theo bà Hương, tính thanh khoản của đất rất thấp trong khi trồi sụt thị trường dầu thô rất nhanh, nếu các quốc gia có giải pháp kịp thời sẽ sớm kiểm soát được đà tăng lạm phát. Chẳng hạn nếu Nga và Ukraine ngồi lại thương thảo thực sự với nhau thì nguồn cung dầu thô, khí sẽ tốt hơn, sớm ổn định được giá cả.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính – chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam – phân tích nhiều năm qua lạm phát thấp nhưng nhà đầu tư vẫn bỏ tiền vào bất động sản.
“Suy cho cùng cần nhìn nhận khách quan khi nhà đầu tư bỏ tiền vào các ngành sản xuất khác không hiệu quả, họ buộc phải bỏ tiền vào bất động sản như một giải pháp giải quyết tạm thời. Tuy nhiên, hiện nhiều ngành nghề phục hồi sản xuất, tôi tin vốn sẽ dần trở lại với các lĩnh vực sản xuất truyền thống” – ông Đính nói.
“Bỏ tiền vào đất vì tiền vào đất càng nhiều thì chỉ có tác động tiêu cực đẩy giá đất tăng cao, trong khi việc đưa đất vào phát triển nhiều ngành sản xuất lại trì trệ khi đẩy giá đất tăng cao, cản trở các hoạt động phát triển kinh tế bình thường. Vì giá đất tăng cao muốn lấy đất cho sản xuất rất khó khăn do tiền đền bù tăng cao”, ông Đính khẳng định.
Bên bán: giá còn tăng, mua đi
Theo ông Thân Thành Vũ – phó chủ tịch Hội Bất động sản du lịch Việt Nam (VnTPA), phần lớn thông tin về bất động sản trên báo chí và mạng xã hội hiện nay là thông tin của người bán. Thông qua nhiều hình thức khác nhau, người bán (chủ đầu tư, nhà phân phối, bán hàng) tác động vào nội dung theo hướng có lợi cho họ và mong muốn cuối cùng là bán được càng nhiều nhà đất càng tốt.
“Hiện nay nhiều chủ đầu tư rất khó bán hàng, hàng tồn còn nhiều nên rơi vào cảnh kẹt vốn. Họ sẽ phải tăng cường các thông điệp để người dân đầu tư vào đất đai, trong đó có những thông tin như thổi phồng nguy cơ lạm phát”, ông Vũ nhận định.
Cũng theo ông Vũ, thị trường đang rơi vào tình huống khó cho các chủ dự án bởi vì 3 nhóm đối tượng mua bất động sản chính là người có nhu cầu mua để ở thật, người mua để đầu tư và nhóm có nhiều tiền nhàn rỗi để gom bất động sản thì hai nhóm đầu không có dư tiền để mua như trước nữa.
Nhiều người mua nhà không còn nguồn thu nhập để trả đúng tiến độ buộc phải bán cắt lỗ, thậm chí chịu rơi vào cảnh nợ xấu.
“Hơn 2 năm COVID-19, thu nhập của người lao động và chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm, lấy đâu tiền để mua bất động sản. Chỉ có một nhóm rất nhiều tiền mà không rõ từ đâu mới bung ra khắp nơi để mua gom đất, gom nhà mà thôi”, ông Vũ nhận định.
Giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) chia sẻ rằng tất cả thông tin đều được đội ngũ marketing, truyền thông và sale của chủ đầu tư và các nhà phân phối hướng về việc tăng giá đất.
Ví dụ, nếu lạm phát thấp thì người ta sẽ nói lãi suất ngân hàng thấp, ổn định, rất dễ vay và an toàn để vay đầu tư bất động sản, trong khi bất động sản luôn tăng giá nhanh hơn lãi suất. Nếu lạm phát cao thì họ sẽ nói nguy cơ mất giá đồng tiền, lãi suất tăng cao nên đầu tư vào bất động sản là nơi trú ẩn an toàn nhất.
Hay đối với một mảnh đất hoặc dự án ở gần các công trình giao thông hạ tầng, đội sale sẽ nói “hạ tầng làm giá nhà đất tăng, cần phải mua ngay để đón cơ hội”. Còn một mảnh đất ở rất xa không có hạ tầng thì vẫn sẽ tăng giá bởi “do ở xa nên giá rẻ, nhiều nhà đầu tư chưa nhận ra tiềm năng và tương lai chắc chắn sẽ tăng giá”.
Bất kể thông tin về thiên tai, thời tiết, dịch bệnh, chiến tranh, quy hoạch, xây dựng… đều được truyền thông của các nhà phát triển hướng về việc tăng giá bất động sản. Khi các công ty bỏ tiền tỉ để chạy truyền thông, mạng xã hội và đội sale bán ngày đêm, nhiều người sẽ nghĩ thị trường đang tăng thật và tranh thủ mua”, vị giám đốc này cho biết.
Có sức ép nhưng không quá lo lạm phát cao
Theo ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện Chính phủ có gói hỗ trợ nền kinh tế trị giá 350.000 tỉ đồng, song đây không phải gói hỗ trợ tiêu dùng mà chủ yếu đưa vào đầu tư phát triển hạ tầng, hỗ trợ người dân vượt qua dịch nên sẽ được giải ngân đúng địa chỉ, nguy cơ lạm phát dù có nhưng không cao.
Bên cạnh đó, sức ép tăng thêm giá nhiên liệu thế giới có xu hướng hạ nhiệt và Việt Nam có lượng dự trữ ngoại hối lớn, giúp tăng sức chống chịu cho nền kinh tế, góp phần giảm đà lạm phát.
Nguồn: tuoitre.vn