Người dân hai ấp 5 và 6, xã Tân Khai (Hớn Quản) rất bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường do một số lò gạch trên địa bàn gây ra. Việc khai thác đất làm gạch đã gây sạt lở vườn cây, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Để ngăn chặn tình trạng này, người dân đã nhiều lần kiến nghị ngành chức năng qua các đợt tiếp xúc cử tri, nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Để chống sạt lở đất do lò gạch Hòa Hiệp gây ra, người dân phải dùng lưới, bê tông làm bờ kèĐể chống sạt lở đất do lò gạch Hòa Hiệp gây ra, người dân phải dùng lưới, bê tông làm bờ kè

Môi trường bị ô nhiễm

“Dùng chất thải công nghiệp như bao bì, vải vụn, đế dép cao su… để đốt lò nên ngày nào mùi khét, khói đen kịt từ các lò gạch cũng bao phủ một vùng rộng lớn khiến chúng tôi không thể nào chịu nổi. Trong xóm nhà nào cũng có người bị viêm xoang. Khổ nhất là lúc các lò gạch đốt nửa đêm về sáng, người dân đi cạo mủ cao su phải hít thở không khí độc hại. Còn ban ngày khi họ đốt lò, chúng tôi phải đóng hết cửa vì mùi khét và khói bay vào nhà” – bà Trần Thị Sánh, tổ 2, ấp 6, xã Tân Khai nhà ở sát Cơ sở sản xuất gạch Hai Còn nói.

Đầu tháng 11, tôi có mặt tại khuôn viên lò gạch Hai Còn. Ở đây vải vụn, cao su, bao bì, giấy mút… được chất thành đống làm nguyên liệu đốt lò. Mặc dù biết đây là những chất không được phép đốt, thế nhưng chủ lò gạch Hai Còn vẫn cho xe tải chở hàng tấn rác về. Điều đáng nói là lò gạch Hai Còn đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động từ năm 2011, tuy nhiên, việc sử dụng chất đốt bằng các chất thải sai quy định đã hơn một năm nay nhưng không được kiểm tra, xử lý. Người dân đã phản ánh đến đại biểu HĐND các cấp qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa thấy đơn vị nào vào cuộc. Anh Lê Hữu Hạnh ở tổ 2, ấp 6, xã Tân Khai cho biết: “Chúng tôi nhiều lần trực tiếp đến gặp chủ lò gạch Hai Còn để yêu cầu không được đốt chất thải. Họ hứa không đốt nữa nhưng rồi vẫn cứ đốt bình thường. Quá bức xúc, chúng tôi đã kiến nghị đến các cấp trong những lần tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý”.

Ông Trần Hiển, Chủ tịch UBND xã Tân Khai cho biết: “Việc lò gạch dùng chất thải làm nhiên liệu đốt là sai. Nhưng lâu nay chúng tôi không nhận được phản ánh của người dân về vụ việc và Ban điều hành ấp cũng không báo nên xã chưa nắm được. Chúng tôi sẽ cho người xuống kiểm tra, nếu đúng lò gạch dùng chất thải công nghiệp làm nhiên liệu đốt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân thì chúng tôi sẽ báo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với công an để có biện pháp xử lý kịp thời”.

Gây sạt lở đất nghiêm trọng

Không những hứng chịu ô nhiễm môi trường, một số hộ dân ở ấp 5 và ấp 6 còn bị ảnh hưởng sạt lở đất sản xuất do Công ty gạch Hòa Hiệp (lò gạch Hòa Hiệp), ấp 5, xã Tân Khai gây ra. Ông Trần Văn Đặt trú tại tổ 6, ấp 5, xã Tân Khai cho hay: “Trước đây, khu vực này là đất bàu bưng, người dân khai hoang trồng lúa, điều. Đến năm 2003, người dân chuyển sang trồng cao su. Ngày đó, ở khu vực này chưa bao giờ xảy ra tình trạng sạt lở đất, mưa lớn cỡ nào cũng vài tiếng đồng hồ là nước rút hết. Từ ngày lò gạch Hòa Hiệp hoạt động sản xuất đã gây nhiều hệ lụy cho người dân xung quanh”.

Ông Đặt cho biết thêm, những năm lò gạch mới hoạt động, việc khai thác đất còn ít nên chưa gây sạt lở nhiều. 2 năm trở lại đây, lò gạch Hòa Hiệp khai thác đất sâu hơn 10m nhưng khi ngừng khai thác không trả lại mặt bằng ban đầu. Vì vậy, mỗi lần mưa lớn, nước từ các lô cao su 86, 87, 89 của Nông trường cao su Đồng Nơ đổ về khu vực này gây sạt lở đất của các hộ dân liền kề. Có khoảng 8 đến 10 hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng sạt lở đất sản xuất. Nhiều hộ bị sạt lở làm cho cây trồng bật gốc, đổ gãy. Để ngăn chặn tình trạng sạt lở đất vườn, nhiều hộ dân dùng lưới sắt và bao tải đất làm kè hoặc đổ bê tông nhưng không hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Hòa ở ấp 3, xã Đồng Nơ có hơn 1 ha cao su tại tổ 7, ấp 5, xã Tân Khai. Diện tích đất của chị Hòa sát địa điểm khai thác đất của lò gạch Hòa Hiệp nên bị sạt lở hơn 140m2 theo chiều dài. Để bảo vệ phần đất còn lại, chị Hòa dùng lưới sắt, đóng cọc và bao tải chứa đất làm bờ kè chống sạt lở.

Cũng như chị Hòa, ông Mai Bá Thành, ấp 6, xã Tân Khai, dùng các tấm bê tông làm bờ kè. Ông Thành cho biết: “Trước đây, khi chuyển từ cây lúa sang trồng cao su, gia đình tôi có đào rãnh thoát nước trong vườn. Nhưng giờ các rãnh thoát nước đó đã sạt lở rộng và sâu cả mét. Nhiều nơi đất lở đến tận gốc cây cao su. Tôi rất mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý triệt để tình trạng lò gạch gây ô nhiễm môi trường”.

Nguồn: Bình Phước Online

Từ khóa : dốt lò thủ côngô nhiễm môi trường

Các tin liên quan đến bài viết