Vấn nạn sử dụng chất kích thích đã ăn sâu vào tiềm thức của các VĐV, trong khi các cơ quan phòng chống doping vẫn bó tay.

Maurice Greene từng giữ kỷ lục thế giới chạy 100 mét từ 1999-2002. Ảnh: AFP.

“Lời giải thích duy nhất cho cách biệt giữa 10 giây và 9 giây 70 chỉ có thể là doping”, Angel Heredia nói chắc nịch trong buổi phỏng vấn độc quyền với tờ Spiegel (Đức).

Từng là một VĐV, người nghiên cứu hóa học, HLV thể thao và kẻ buôn ma túy, Heredia thấu tường mọi ngóc ngách của nạn doping trong thể thao. Ông từng bị kết tội năm 2006, lẩn trốn với cái tên giả ở Texas suốt hai năm, trước khi bị FBI bắt giữ. Được biết với nghệ danh “Memo”, ông lắc đầu nguây nguẩy khi bị hỏi về doping.

Nhưng khi các nhân viên điều tra trình ra bản ghi âm của 160 cuộc gọi, cũng như email và các tài khoản ngân hàng, Heredia đành chịu khuất phục. Từ đó, người đàn ông người Mexico cởi mở hơn và chia sẻ mọi thứ ông biết về góc tối nhất của thể thao, thề sẽ không nói dối nửa lời.

“Điền kinh, bơi lội, trượt tuyết, đua xe đạp đều không ‘sạch’, golf cũng vậy. Một số cầu thủ bóng đá từng tới gặp tôi, bày tỏ nguyện vọng muốn lên công về thủ nhịp nhàng, vì họ phải thi đấu với mật độ ba ngày một trận. Các VĐV bóng rổ sử dụng thực phẩm đốt mỡ – amphetamine hay ephedrine. Với bóng chày, họ dùng steroid trước mùa giải, và amphetamine khi giải diễn ra. Ngay cả cung thủ cũng dùng các thuốc giảm đau trong danh mục cấm để tay họ không bị run. Người người, nhà nhà đều dùng doping”, Heredia tâm sự với Spiegel.

“Mọi quốc gia, mọi liên đoàn, mọi VĐV hàng đầu đều bị tác động bởi doping. Những tập đoàn như Nike và Adidas cũng phải nhận một phần trách nhiệm. Thời cổ đại, khi chưa có tivi, Adidas hay Nike, tất cả chỉ nghĩ đơn giản rằng đứng thứ tám được thưởng 5.000 đôla, vô địch ẵm giải 100.000 đôla”.

“Hiện tại, nếu ai đó phá kỷ lục, mà lại dính chấn thương một năm sau đó, họ sẽ nhận những cuộc gọi kiểu như: ‘Chúng tôi sẽ cắt giảm khoản tài trợ của anh xuống 50%’. Khi đó họ biết làm gì chứ? Nếu như họ nhìn quanh và thấy những người khác cũng dùng doping, họ  sẽ bắt chước thôi”.

Heredia liệt kê danh sách 41 VĐV thể thao từng là khách hàng của ông, từ điền kinh, đấm bốc, bóng đá cho đến trượt tuyết băng đồng. Rất nhiều trong số đó từng giành huy chương Olympic, như Raymond Stewart, Beverly McDonald (Jamaica), Chandra Sturrup (Bahamas) và chủ yếu là những VĐV Mỹ. Hai trong số khách hàng nổi bật nhất của Heredia là Justin Gatlin – người vừa đánh bại Usain Bolt để vô địch thế giới tại London, và Marion Jones.

“Marion Jones đã tập luyện với mật độ không ai sánh được trước Olympic Sydney 2000. Các chất kích thích đã giúp cô tránh chấn thương, và rồi nội dung nào cô ta cũng đoạt huy chương”, Heredia tiết lộ. Jones giành huy chương ở các nội dung chạy 100m, 200m, 4x100m, 4x400m và nhảy xa. Nhưng sau đó cô bị phát hiện dính líu đến doping và phải từ bỏ những danh hiệu này. Jones thậm chí phải ngồi tù sáu tháng năm 2008 do cố tình che giấu và nói dối trong quá trình bị điều tra.

Những người như Heredia đóng vai trò như HLV, phối hợp với VĐV tìm ra các chất doping phù hợp và thời gian để nó phân hủy hoàn toàn. “Tôi cung cấp các loại doping tùy vào túi tiền VĐV. Ai ít tiền sẽ chỉ có doping đường phố rẻ tiền, còn thuốc kích thích được thiết kế chuyên biệt có giá tới hàng chục nghìn đôla. Thông thường tôi gửi thuốc qua đường bưu điện, nhưng cũng có khi VĐV đến lấy trực tiếp”.

Khi Jones bận bịu với hàng loạt giải đấu năm 2000, Heredia đã gửi cô EPO (Erythropoietin), hormone tăng trưởng, các mũi tiêm adrenaline hay insulin – chất giúp vận chuyển protein và các khoáng chất trong cơ thể nhanh hơn. “Nhưng đơn thuốc doping chủ yếu của tôi là testosterone, EPO (đều để tạo hồng cầu, tăng sức chịu đựng) và hormone tăng trưởng. Năm 2002, Jerome Young chỉ đứng thứ 38 ở nội dung 400m, nhưng khi làm việc với tôi, anh ta thắng mọi cuộc thi trong năm sau đó”.

Trước thềm Olympic Rio 2016, Sir Craig Reedie – Chủ tịch Ủy ban phòng chống doping thế giới (WADA) cũng xác nhận tổ chức này không thể đảm bảo một VĐV có “sạch” hay không. Bởi có quá nhiều khe hở dễ dàng bị khai thác.

“Có một loại thuốc với chức năng làm tắc nghẽn quá trình chuyển hóa steroid (chất tăng cơ bắp) ở thận”, Heredia tiết lộ. “Như vậy, khi VĐV lấy mẫu nước tiểu, steroid sẽ không bị lộ diện và dĩ nhiên kết quả là âm tính. Cũng có một loại enzyme làm chậm quá trình tiêu hóa protein có trong EPO, qua đó làm chênh lệch kết quả so với bình thường”.

“Đôi khi các VĐV dùng loại doping đặc biệt chỉ vài giờ trước thi đấu, giúp ngăn chặn quá trình axit hóa trong cơ bắp. Chúng cùng với EPO thực sự là một phép màu. Tôi đã chế ra 20 loại thuốc kích thích khác nhau mà không thể bị phát hiện khi kiểm tra doping”, ông nói tiếp.

Cha của Heredia là một giáo sư hóa học, khiến ông đam mê với môn khoa học này từ khi còn nhỏ. “Mọi người đều biết EPO và thứ thuốc đó cũng được sử dụng rộng rãi. Nhưng tôi còn biết nếu không thêm sắt vào EPO, nó chỉ có một nửa tác dụng. Nếu bổ sung thêm oxi, EPO sẽ ngấm nhanh hơn gấp bội”.

“Tôi còn chế ra nhiều sự kết hợp mới mẻ. Chẳng hạn như một chất có tên actovison làm tăng quá trình tuần hoàn máu, cũng không thể bị phát hiện qua kiểm tra. Nó không chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn tăng cường cả năng cạnh tranh của các VĐV”.

Trước Usain Bolt hay Justin Gatlin, làng chạy ngắn thế giới từng bị Maurice Greene thống trị trong thời gian dài. Chân chạy người Mỹ từng lập kỷ lục thế giới với 9 giây 79, một năm trước khi anh đoạt hai HC vàng ở Olympic Sydney 2000. Greene từng bị cáo buộc sử dụng doping, nhưng IAAF chưa bao giờ tìm được bằng chứng xác đáng để kết tội anh.

Greene cũng không ngừng khẳng định anh hoàn toàn “sạch”, nhưng Heredia hiểu rõ đến chân tơ kẽ tóc của sự thật. “Tôi đảm bảo rằng Greene nói dối. Tôi đã giúp anh ta mua thuốc, thiết kế thời gian biểu sử dụng nó. Chúng tôi làm việc cùng nhau giai đoạn 2003-2004 và tôi thậm chí vẫn giữ biên lai chuyển tiền 10.000 đôla từ anh ta. Tôi đã cho Greene dùng các chất tăng cơ bắp IGF-1 và IGF-2, EPO và ATP (adenosine triphosphate) giúp giảm sự teo cơ. Tất nhiên chúng cũng không thể bị lộ tẩy”.

Kỷ lục của Greene được giữ cho đến năm 2002, trước khi bị vượt qua với 1% giây, bởi Tim Montgomery – cũng là một khách hàng của Heredia.

Những điều diệu kỳ của hóa học khiến những quy trình kiểm tra doping gắt gao nhất cũng phải bó tay. Vì thế, Heredia nảy ra ý tưởng kỳ lạ: “Chúng ta nên hợp pháp hóa việc sử dụng EPO, IGF và testosterone, cũng như adrenaline và epitestosterone – những chất cơ thể tự sản sinh ra. Không có cách nào phát hiện ra chúng, vì thế nên phổ biến để tạo ra sự công bằng”.

“Lấy ví dụ như EPO, thay đổi giá trị hồng cầu trong máu. Đó là bởi mỗi người có một mức hồng cầu khác nhau. Hợp pháp hóa sử dụng EPO sẽ giúp tất cả tạo được sự cân bằng cho tất cả, vì cơ địa mỗi người khác nhau”.

“Một VĐV bình thường sở hữu 3 nanogram testosterone trên mỗi mililit máu. Tim Montgomery có 3 nanogram, nhưng Maurice Greene có tới 9 nanogram. Tim có thể làm được gì đây? Doping không bất công, chính tạo hóa mới bất công”, Heredia nhấn mạnh. “Tất nhiên vẫn có một số chất nguy hiểm và cần bị cấm, như amphetamine và steroid”.

doping-len-loi-vao-dien-kinh-dinh-cao-my-nhu-the-nao-3
Top kết quả chạy 100 mét nhanh nhất lịch sử (Gạch đỏ là những VĐV đã dùng doping).

Trong những kết quả chạy 100m nhanh nhất lịch sử, Tyson Gay, Asafa Powell, Yohan Blake, Justin Gatlin hay Maurice Greene và Tim Montgomery trong quá khứ đều ít nhất một lần dính chàm, riêng Usain Bolt chưa từng dính líu tới doping, thậm chí chưa từng bị cáo buộc.

Nhiều người ngả về luận điểm thành công của “Tia chớp Jamaica” xuất phát từ phép màu của tạo hóa, với sải chân cực dài và hệ thống cơ dẻo dai hơn bình thường. Người hâm mộ cảm kích vì điều này. Nhưng với nhiều đối thủ vốn tập luyện khắc khổ hơn Bolt, đó lại là sự bất công.

Theo thethao.vnexpress.net

Từ khóa : dopingMaurice Greenenhững VĐV đã dùng doping

Các tin liên quan đến bài viết