Khi chưa biết tính toán, con người đã biết đếm1 2 3 4… Động vật thì sao, chúng có biết đếm không?
Ở người, đếm số là một trong những khả năng cơ bản. Theo một nghiên cứu đăng trên trang The Royal Society “một, hai, ba, bốn, năm” là những tiếng phát âm hầu như không thay đổi từ thuở xa xưa cho đến nay trong mọi thứ tiếng, có thể đã tồn tại khoảng 10.000-100.000 năm.
Tuy nhiên, trong suốt hàng thế kỷ, con người không tin loài vật có thể tính toán.
Cách đây hơn 100 năm, quan điểm về loài vật có thể đếm hay không đã thay đổi hoàn toàn khi chú ngựa Clever Hans trình diễn khả năng giải toán của mình vào năm 1907 bằng cách gõ guốc xuống sàn.
Kể từ đó, các nhà khoa học bắt đầu truy tìm và phát hiện rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng: không chỉ con người, những động vật khác cũng có thể đếm, như một hoạt động bản năng để sinh tồn.
Từ câu chuyện kén “chồng” của ếch
Vào những đêm trong kì sinh sản, loài ếch đực túngara ở miền Trung Mỹ đua nhau thể hiện tài năng của mình nhiều giờ liền để chinh phục ếch cái: chúng thi thố tiếng nghiến răng, giống như con người chơi trò có thể nói bao nhiêu chữ trong một hơi.
Cuộc thi bắt đầu: con ếch “Sơn Tinh” nghiến răng 2 cái sau một tràng tiếng ếch ộp, ếch “Thủy Tinh” liền đáp trả 3 cái. “Sơn Tinh” tiếp tục nghiến 4 cái, “Thủy Tinh” phản đòn 5 cái. Cứ thế cuộc thi gây cấn diễn ra cho đến khi con ếch nào “hết hơi” thì thua, thường là 6 hoặc 7 cái nghiến.
Mặc dù tiếng kêu này có thể thu hút các loài thú săn mồi nhưng vì “Mị Nương”, ếch đực không còn cách nào khác. Ếch cái chỉ việc ngồi nghe và đếm, sau đó giao phối với ếch đực nào có số lần nghiến răng nhiều nhất.
Các nhà khoa học cho rằng rõ ràng ếch có thể cảm giác những con số. Ngoài ra, họ cũng tìm ra các tế bào đặc biệt trong não của những loài lưỡng cư mà có thể tính toán được tính hiệu âm thanh cũng như khoảng thời gian nghỉ giữa chúng.
Câu chuyện về cuộc tranh tài của loài ếch túngara chỉ là một trong nhiều câu trả lời cho câu hỏi: các động vật khác ngoài con người có biết đếm hay không?
Nhện, cá, tinh tinh… cũng đếm?
Theo The New York Times, các nhà khoa học nhận thấy rằng những động vật tiến hóa về chuỗi âm không chỉ có khả năng phân biệt số lớn hay nhỏ mà còn có thể phân biệt số lượng, ví dụ như 2 khác 4, 4 khác 10, và thậm chí 40 khác 60…
Loài nhện Araneidae có thể đếm được bao nhiêu miếng mồi đang được cất giữ trong “nhà” của chúng. Khi các nhà khoa học thử lấy trộm thức ăn của chúng, nhện sẽ đi kiếm với thời gian tỉ lệ thuận với số lượng mồi bị mất.
Loài cá cũng có thể đếm. Chúng ta vẫn biết những loài cá nhỏ thường sống theo đàn, càng đông càng dễ trốn thoát kẻ thù.
Yêu cầu thiết yếu của cuộc sống khiến chúng tính toán rất nhanh. Ví dụ những loài cá nước ngọt thường có thể nhận thấy số lượng 4 con cá là khác với số lượng 5 con cá, hoặc 8 con cá không giống với 10 con cá, do đó cá sẽ chọn bơi theo đàn đông hơn.
Hay như loài cá ba gai (tên khoa học: Gasterosteus aculeatus) có khả năng phân biệt lớn hơn: chúng có thể nhận thấy sự khác nhau giữa nhóm 6 con cá và nhóm 7 con, hay nhóm 18 con và nhóm 21 con trong chớp mắt.
Tốc độ phân biệt có thể tương đương với một số loài chim, loài thú và có thể so sánh với cả con người.
Tiến bộ hơn cả là loài tinh tinh. Người ta có thể dạy tinh tinh liên kết một nhóm đồ vật với một con số cụ thể trong bộ số Ả Rạp 1 chữ số. Ngoài ra, tinh tinh có thể biết 3 bình phương có mối liên hệ với 3, 5 bình phương có mối liên hệ với 5. Tinh tinh còn có thể sắp xếp các chữ số theo một thứ tự nhất định.
Nguồn: tuoitre.vn