“Doanh nghiệp đã thật sự đuối rồi, không còn sức chống chọi. Trong số các doanh nghiệp còn sức chống chọi thì sức của họ cũng còn chưa đầy 30%”, theo bà Lý Kim Chi – chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM.

Dòng tiền nào cho các doanh nghiệp đã đuối sức rồi? - Ảnh 1.

“Chúng tôi đang rất cần nguồn vốn để bổ sung vào dịp lễ, tết, nếu không thì các doanh nghiệp cung ứng mức độ nhỏ sẽ đuối hết. Tôi mong muốn Nhà nước sẽ có những chính sách cụ thể đưa vào thực tế”.

Đây là phát biểu của bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, tại tọa đàm “Giải pháp tạo dòng vốn vay tín dụng cho doanh nghiệp sống chung với COVID-19” vào tối 16-9.

Doanh nghiệp đuối sức

Sau nhiều tháng liền chống chọi với những khó khăn do dịch COVID, “đuối sức” là điều mà hầu hết doanh nghiệp đều cảm nhận rõ lúc này.

Báo cáo khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đối với hơn 21.500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều thành phần kinh tế vào tháng 8 vừa qua cho thấy, có tới 69% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất – kinh doanh do dịch, 15% doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể và chỉ có 16% doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất.

Có 46% trong số này cho biết, dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng.

Tại hội nghị trực tuyến “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp” do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết bộ đã phối hợp với Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam điều tra, khảo sát 500 tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam để làm rõ các khó khăn, vướng mắc.

Kết quả khảo sát cho thấy gần 50% doanh nghiệp bị tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, số còn lại bị ảnh hưởng lớn.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp quy mô lớn với hàng nghìn công nhân đã phải tạm ngừng sản xuất.

Theo khảo sát, có khoảng 26,5% doanh nghiệp FDI đã phải thu hẹp quy mô, cắt giảm quỹ lương, sa thải bớt lao động (tỉ lệ sa thải dưới 10% tổng số lao động).

Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp không còn đủ vốn lưu động chi trả các khoản bảo hiểm, thuế, chi phí nguyên vật liệu…

Doanh nghiệp không thu được công nợ nên không đủ chi phí trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và những khoản vay đến hạn chưa có khả năng đáo hạn, ngân hàng siết chặt các khoản vay. Khi lực đã kiệt, doanh nghiệp không thể tự mình lèo lái, chống đỡ thì việc “tiếp sức” từ phía Nhà nước bằng những chính sách cụ thể, thiết thực là vô cùng cần thiết.

Nhìn lại kết quả khảo sát của Ban IV thì 5 khó khăn lớn nhất đối với vấn đề tài chính mà doanh nghiệp đang phải đối diện là trả lương cho người lao động, trả lãi vay/trả nợ gốc cho ngân hàng, trả tiền thuê đất/kho bãi/nhà xưởng/văn phòng cho khu vực tư nhân và đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.

Dòng tiền nào cho các doanh nghiệp đã đuối sức rồi? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp rất cần được “bơm oxy” để có dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh

Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp đối với chính sách hỗ trợ của Nhà nước là hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân cùng với việc hoãn nộp một số khoản thuế trong khoảng thời gian từ 12 – 18 tháng.

Giảm thuế có thể xem là một hành động đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để tích lũy, mở rộng đầu tư trong nước, duy trì được cầu đầu vào về nguyên, nhiên liệu, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ, hoặc doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có thêm cơ hội phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn.

Dòng tiền đâu để trang trải?

Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là “bốc thuốc” như thế nào để trị bệnh và tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp trong điều kiện ngân sách hiện nay rất khó khăn mà nhu cầu chi lại lớn. Dòng tiền ở đâu đủ để “trang trải” cho số “thuốc” này?

Vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu lên là phải hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Ông cho rằng có những vùng, những lĩnh vực không bị tác động bởi đại dịch, thậm chí còn được hưởng lợi như ngành nghề thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, sản xuất khẩu trang, thiết bị, vật tư y tế… Do vậy, cần bóc tách đối tượng được hưởng, cùng một lượng tiền như nhau nhưng cho những đối tượng bị tác động được nhận nhiều tiền hơn.

Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh dẫn con số, chỉ cần bỏ ra khoảng 2.400 tỉ đồng với lãi suất hỗ trợ 4% thì có thể huy động tới 60.000 tỉ đồng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, Chính phủ chưa đề xuất gói hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp đang mong mỏi này. Lý giải của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú về việc chưa đề xuất gói hỗ trợ lãi suất này là do tổng kết từ những gói tương tự thực hiện các năm trước, mà cụ thể là gói kích thích kinh tế 1 tỉ USD vào năm 2009, thì thấy rằng không hiệu quả và việc quản lý, thanh quyết toán rất khó.

Song, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Chính phủ cần làm rõ thêm nguyên nhân không hiệu quả là do chính sách không hợp lý hay vì công tác tổ chức thực hiện không hợp lý.

Ngân sách để nợ, không hoàn trả kịp thời cho các ngân hàng thương mại khoản lãi suất nhà nước hỗ trợ, dẫn tới các ngân hàng thương mại không mặn mà việc cho vay, đó là do công tác tổ chức thực hiện, không phải là do chính sách không hợp lý.

Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh tại phiên họp rằng chính ông là người tổ chức kiểm toán, hỗ trợ lãi suất của thời kỳ kích thích kinh tế khi đó, với vai trò là Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Dòng tiền nào cho các doanh nghiệp đã đuối sức rồi? - Ảnh 3.

Doanh nghiệp chịu thêm nhiều áp lực chi phí khi phải sản xuất 3 tại chỗ trong thời giãn cách 

“Có một số khó khăn, một số vướng mắc nhưng sau chúng ta đều giải quyết được và chúng ta cũng đừng để cho khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là những yếu kém của chúng ta mà lại bảo để chúng ta không thực hiện một chính sách nào đó. Nên có tổng kết sâu sắc về gói vừa rồi”, ông Huệ nói.

Ông dẫn chứng, hỗ trợ lãi suất thông qua công cụ tài khóa chúng ta vẫn đang làm thường xuyên.

“Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn một năm 1.000 tỉ đồng mà vẫn thực hiện bình thường, chứ không phải là khó như các anh làm. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội một năm ngân sách chi ra hàng ngàn tỉ để hỗ trợ lãi suất… mà vẫn vận hành thường xuyên từ trước tới giờ, mình bảo là khó. Không phải, không thuyết phục”, Chủ tịch Quốc hội gay gắt.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, dòng tiền được ví như nguồn “máu” của doanh nghiệp, như lời Chủ tịch Quốc hội: “Dòng tiền bây giờ là giữa chuyện tồn tại hay không tồn tại, tiếp tục hoạt động hay không tiếp tục hoạt động”.

Khi doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, suy kiệt, mỗi giải pháp, mỗi gói hỗ trợ dù to, dù nhỏ đều là trợ lực để họ vực dậy.

Gỡ khó khăn về dòng tiền bằng việc phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất ngân hàng để giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp quan trọng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất, với nhận định “chi bằng một khoản tiền rất ít, nhưng kích hoạt ra một khoảng mấy chục ngàn tỉ thì không thấm vào đâu so với dư nợ 10 triệu tỉ đồng, nhưng nó rất có ý nghĩa với một nhóm doanh nghiệp, một số doanh nghiệp nào đó đang cực kỳ khó khăn”.

Bên cạnh các giải pháp giãn, hoãn thu theo thẩm quyền của Chính phủ thì các giải pháp mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét thấu đáo và đi đến thống nhất để có thể bù đắp, giảm dòng tiền ra của doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất như:

Giảm thuế về thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng (với điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019).

Miễn toàn bộ số thuế phải nộp của quý III và IV-2021 cho các hộ cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng từ 1-10-2021 đến 31-12-2021 cho một số lĩnh vực dịch vụ.

Miễn tiền nộp chậm, phát sinh năm 2020 và năm 2021 cho các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020, cùng với những sáng kiến chính sách từ Thường vụ Quốc hội về gói hỗ trợ lãi suất được kỳ vọng sẽ cứu doanh nghiệp thoát khỏi bờ vực của nợ nần, giải thể và phá sản.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : doanh nghiệpđóng tiềnmở cửa kinh tế

Các tin liên quan đến bài viết