Đồng Tháp là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về diện tích và sản lượng lúa gạo, không những vậy, tỉnh này đã tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, lúa sạch theo hướng hữu cơ để phục phục thị trường xuất khẩu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về những kết quả đạt được trong tái cơ cấu nông nghiệp cũng như những định hướng trong sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, ông Lê Quốc Điền – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết:
Theo kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo của UBND tỉnh Đồng Tháp, đến năm 2025 sẽ tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo diện tích trồng lúa 470.940ha, sản lượng 3,1 triệu tấn.
Trong đó, diện tích sản xuất lúa hữu cơ đạt 600ha, ứng dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ thông minh gắn truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị trên cây lúa.
Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, năm 2021 giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo đạt 15.811 ti đồng, chiếm 34,5% tỉ trọng của ngành nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 163,5 triệu USD, tăng 10,1% so với năm 2020.
Mặt hàng gạo của tỉnh hiện đã xuất khẩu sang 32 thị trường, chủ yếu là thị trường Philippines chiếm 56,4% và Singapore 12,4, còn lại là các thị trường khác.
* Tỉnh Đồng Tháp có những mô hình sản xuất lúa hữu cơ nào, quy mô và hiệu quả ra sao, thưa ông?
Hiện tỉnh đang có nhiều mô hình sản xuất lúa hữu cơ đang rất hiệu quả mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Điển hình như “Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm, tăng chuỗi giá trị sản phẩm” thực hiện tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông, vụ Hè Thu 2021 quy mô 5ha, đến vụ Đông Xuân 2021-2022, diện tích tăng lên 21ha.
Sử dụng phân hữu cơ giúp đất duy trì độ màu mỡ, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, sâu bệnh ít. Mô hình đạt lợi nhuận cao hơn so với bên ngoài là 4,6 triệu đồng/ha.
“Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc” thực hiện từ năm 2022, liên tục 6 vụ/2 năm tại HTX Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông, quy mô 10ha. Kết quả phân tích 2 mẫu lúa trong mô hình đều không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Do những năm đầu cần bón nhiều phân hữu cơ để cải tạo đất (15kg/công), bù lại giảm chi phí thuốc bảo vệ và công phun thuốc, lợi nhuận cao hơn 3 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Sau khi thu hoạch lúa, một phần rơm trên ruộng nông dân trồng tiếp nấm rơm (lợi nhuận 30 triệu đồng/vụ) phần rơm còn lại được xử lý phân hủy nhanh trả lại dinh dưỡng cho đất. Sau đó, rơm sẽ được tiếp tục ủ với phân chuồng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
“Dự án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp” do tổ chức Seed to Table (Nhật Bản) hỗ trợ thực hiện từ tháng 5-2019 đến nay, đã triển khai tại 14 trường học và 8 nhóm nông hộ hiểu thêm kiến thức về nông nghiệp hữu cơ.
* Thưa ông, lâu nay Đồng Tháp được cả nước biết đến với nhiều mô hình hợp tác xã trong sản xuất lúa theo hướng bền vững hoạt động hiệu quả. Cụ thể hiện nay các Hợp tác xã, Tổ hợp tác này như thế nào?
Đến tháng 9-2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có 178 hợp tác xã đang hoạt động cung cấp dịch vụ (chủ yếu là bơm tưới), cho khoảng 54.290ha lúa và 940 tổ hợp tác phục vụ dịch vụ cho khoảng 63.345ha lúa. Năm 2022, diện tích liên kết đạt 62.535ha, năng suất trung bình 6,7 tấn/ha.
Tỉnh đã quy hoạch những vùng lúa chuyên canh chất lượng cao; đưa ra hình thức, giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa gạo như tổ chức kết nối cung – cầu hàng hóa giữa các Hợp tác xã, hộ sản xuất với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm; định hướng, hỗ trợ, dẫn dắt kinh tế hộ phát triển nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho thành viên.
* Ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp những năm qua có những đột phá gì trong sản xuất, chế biến và xử lý phụ phẩm sau chế biến, thưa ông?
Trong những năm qua, ngành lúa gạo mở rộng diện tích sử dụng nhóm giống cho giá trị cao, ứng dụng các quy trình công nghệ mới trong sản xuất và quản lý dịch bệnh như: quy trình canh tác “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, tưới tiết kiệm nước, bón phân vùi, sử dụng máy cấy, ứng dụng cơ giới hóa…
Đối với ngành chế biến, phát triển chế biến sâu các sản phẩm sau gạo mang lại giá trị gia tăng cao như: bột gạo, ống hút gạo, dầu cám, trấu dạng viên… tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đồng Tháp là địa phương phát triển mạnh ngành hàng lúa gạo, đã quy hoạch 2 vùng trồng: Vùng ngập sâu khoảng 100.000ha với sản lượng 1,5 triệu tấn/năm chất lượng cao xuất khẩu sang thị trường trọng điểm như: Đông Á, Trung Quốc, EU. Vùng ngập cạn với diện tích khoảng 70.000ha, sản lượng 1 triệu tấn/năm phục vụ các thị trường: châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á.
Nguồn: tuoitre.vn