Khu vực Đông Nam bộ hiện có ba tỉnh là Đồng Nai, Bình Phước và Bình Dương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù đã có địa phương trong khu vực này công bố hết dịch, tuy nhiên công tác phòng chống dịch đang diễn ra hết sức quyết liệt.
Phun thuốc khử trùng dịch tả lợn châu Phi ở Đồng Nai Nguồn: Báo Đồng Nai
Xác định chống dịch là công tác lâu dài
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8 xã thuộc 4 huyện là Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Thành, với tổng số lợn tiêu hủy trên 5 nghìn con. Do đó, việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi và cộng đồng dân cư cùng chung tay tiêu độc, khử trùng là biện pháp quan trọng, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đồng Nai đã lập 7 chốt kiểm dịch động vật tạm thời cấp tỉnh; 17 chốt kiểm soát nội bộ trong huyện. Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, từ khi chưa phát hiện ra ổ dịch và sau khi có dịch, địa phương này đã triển khai quyết liệt các giải pháp dập dịch và phòng chống dịch.
Đồng Nai cũng đã tổ chức chương trình tổng động viên, ra quân tháng tiêu độc, sát trùng trên toàn tỉnh nhằm làm sạch môi trường, hạn chế tối đa sự lây lan của mầm bệnh, nâng cao ý thức chống dịch cho người chăn nuôi. Công việc này sẽ được thực hiện đến ngày 24/6, theo đó, toàn tỉnh đã tiến hành đồng bộ, thường xuyên công tác tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận; rải vôi xung quanh chuồng trại và khu vực hàng rào; đảm bảo vệ sinh các khu vực chợ, kinh doanh thực phẩm; tổ chức phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh…
Còn theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, để ngăn ngừa dịch lây lan, tỉnh này đã thực hiện hàng loạt giải pháp quyết liệt như thành lập lực lượng phản ứng nhanh phòng chống dịch tại các cấp phường, xã; tăng cường kiểm tra các địa điểm trung chuyển lợn trên địa bàn tỉnh; lập các chốt kiểm dịch; thực hiện việc tiêu độc, sát trùng; phân công các cán bộ đầu mối, các địa phương phải báo cáo hằng ngày thông tin về tình hình dịch bệnh…Hiện, Đồng Nai đã sử dụng hàng chục nghìn lít hóa chất và lượng lớn vôi bột phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng.
Nhờ quyết tâm chống dịch trong những ngày qua, Ủy ban nhân dân huyện Trảng Bom đã vừa ký quyết định công bố xã Đồi 61 của huyện này đã hết dịch tả lợn châu Phi. Đây là địa phương đầu tiên của Đồng Nai công bố hết dịch. Tuy nhiên, huyện Trảng Bom vẫn tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị; giao trách nhiệm cho Đảng bộ, Uỷ ban nhân dân xã chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh môi trường, khử trùng chuồng trại…, tránh dịch tái phát. Tại tỉnh Bình Phước cũng đã xuất hiện thêm 4 ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú. Trước tình hình này, các ngành chức năng và địa phương của Bình Phước đã tiến hành tiêu hủy hơn 100 con lợn bị phát hiện dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Trước đó, huyện Đồng Phú đã chính thức công bố dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn thị trấn Tân Phú và xã Tân Lập. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Bình Phước bị dịch.
Cục Thú y vùng 6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cùng địa phương tiếp tục phối hợp giám sát, theo dõi diễn biến dịch, đồng thời thực hiện các bước tiêu độc khử trùng, khống chế dịch. Uỷ ban nhân dân huyện Đồng Phú cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai chống dịch, tập trung mọi nguồn lực để dập dịch, thực hiện khẩn trương các biện pháp để tránh lây lan. Mặt khác, bố trí kinh phí phục vụ việc ngăn chặn, phòng chống dịch và kinh phí hỗ trợ lợn bị tiêu hủy theo quy định. Bình Phước hiện có hơn 11.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, 251 trại chăn nuôi tập trung, với tổng đàn gần 740.000 con lợn. Riêng huyện Đồng Phú có trên 71.000 con lợn, trong đó phần lớn nuôi tập trung ở các trang trại.
Trước việc 2 tỉnh lân cận là Đồng Nai, Bình Phước đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi, các cơ sở chăn nuôi lợn, chốt kiểm soát động vật trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhất là các địa bàn giáp ranh, đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng ngừa. Ông Thái Minh Hoàng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bắc Tân Uyên cho biết, huyện đã lập chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời cầu Thủ Biên, lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, ngăn chặn các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định từ Đồng Nai và các tỉnh lân cận vào địa bàn huyện.
Ngay sau khi xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, các cơ quan chức năng và địa phương đã khẩn trương xử lý, kịp thời dập bệnh dịch tại chỗ; đồng thời tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển động vật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm ngăn ngừa không để bệnh dịch phát tán. Tại các cửa ngõ ra vào xã Vĩnh Hòa được rắc vôi khử trùng. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn cũng mua vôi rắc khử trùng, cùng địa phương phòng chống bệnh dịch. Xã đã và đang lập 5 chốt kiểm bệnh dịch tạm thời để kiểm soát tất cả cửa ngõ, nhằm ngăn chặn lợn bị bệnh dịch ra vào địa bàn.
Quyết tâm ổn định thị trường
Trước tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi đang diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn thực phẩm ra thị trường, nhất là vào dịp cuối năm, các bộ, ngành và địa phương đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho rằng, khi công bố xảy ra dịch, người dân đã bán chạy là nguyên nhân khiến lợn hơi rớt giá mạnh. Trong khi đó, các hộ chăn nuôi nhanh chóng giảm đàn, nên sau dịch nguồn lợn bị thiếu hụt lớn là điều khó tránh khỏi.
Hiện, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh này về chuẩn bị phương án đảm bảo nguồn cung thịt lợn sau dịch; đồng thời xây dựng kế hoạch tăng nguồn cung các sản phẩm khác từ thịt gà, thủy hải sản… cung cấp ra thị trường bổ sung cho nguồn thịt lợn bị thiếu hụt. Ngành công thương Đồng Nai mong Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tổ chức giết mổ, cấp đông thịt lợn để giải quyết tình trạng ứ hàng trong thời gian xảy ra dịch và có nguồn dự trữ sau dịch. Sở Công Thương Đồng Nai cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, cùng các các sở ngành liên quan và các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn tỉnh bàn biện pháp mua, giết mổ lợn và trữ đông, góp phần giảm phát sinh dịch bệnh, cân đối nguồn thịt lợn cho cuối năm.
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, việc dự trữ thịt lợn trong thời điểm này tương đối khó khăn vì công ty chưa tìm được đơn vị giết mổ có khối lượng lớn. Tháng 9/2019, công ty mới hoàn thành nhà máy giết mổ, cấp đông công suất 500 con/ngày tại TP.Hồ Chí Minh. Nhà máy trên được Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam đầu tư theo lộ trình để đảm bảo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán, nếu cho các doanh nghiệp giết mổ làm thịt đông lạnh phải kiểm soát đầu vào thật kỹ, tránh để lợn bệnh lọt vào. Vì virus dịch tả lợn châu Phi có thể tồn tại 1 nghìn ngày dưới nhiệt độ từ -25 đến -400C, khi hết dịch đưa thịt ra bán có thể làm lây mầm bệnh gây ra đợt dịch khác.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai khẳng định, lợn trước khi đưa vào giết mổ đều được kiểm tra kỹ càng, không phát hiện bị bệnh mới cho giết mổ nên người tiêu dùng cũng như các trại nuôi lợn có thể an tâm. Bên cạnh việc vận động các doanh nghiệp tham gia dự trữ thịt lợn đông lạnh thì các ngành chức năng cũng vận động người dân an tâm sử dụng thịt rõ nguồn gốc vì đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xét nghiệm kỹ./..
Theo CPV