Các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ phát triển công nghiệp, đô thị dẫn tới gia tăng dân số nhanh, áp lực về thiếu trường lớp, giáo viên rất lớn nên cần chủ động để đáp ứng nhu cầu.
Các đại biểu hiến kế phát triển giáo dục đào tạo cho vùng Đông Nam Bộ, trong đó có các giải pháp để xây thêm trường lớp do gia tăng học sinh tại hội nghị ngày 18-4
Ngày 18-4, tại Bình Dương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ, triển khai nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, đại diện các cơ quan của Quốc hội và lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết vùng Đông Nam Bộ có diện tích chưa bằng 1/10 cả nước nhưng dân số chiếm hơn 19%, có tỉ lệ tăng dân số, người nhập cư cao nhất cả nước.
Vì vậy, giáo dục – đào tạo của vùng tuy có nhiều thành tựu gắn với phát triển kinh tế nhưng cũng đứng trước sức ép rất lớn về tình trạng thiếu trường lớp, cũng như đòi hỏi về đảm bảo chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em tại các địa bàn tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất…
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy cơ sở giáo dục của vùng Đông Nam Bộ đã gia tăng đáng kể sau 10 năm qua, thêm hơn 1.000 cơ sở.
Trong đó tăng mạnh nhất là cơ sở giáo dục mầm non, do nhu cầu gửi trẻ của các phụ huynh đang trong độ tuổi sinh đẻ. Khi các trẻ mầm non này lớn lên, sức ép về thiếu trường lớp của các cấp học cao hơn (tiểu học, THCS, THPT…) sẽ là rất lớn trong những năm tới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (bìa trái) thăm cơ sở vật chất Trường đại học Quốc tế Miền Đông đặt tại thành phố mới Bình Dương
Ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết tỉnh này mỗi năm tăng thêm hơn 100.000 dân, trong đó có hơn 20.000 học sinh nên nhu cầu xây mới hàng chục trường học. Hiện tỉnh đang thiếu tới hơn 2.100 giáo viên phổ thông.
Nhờ các cơ chế khuyến khích nên hệ thống giáo dục tại Bình Dương có sự tham gia đông đảo của tư nhân ở tất cả các cấp học. Trong đó, cấp mầm non, hệ thống ngoài công lập đáp ứng trên 70%.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng các cơ quan trung ương cần có hướng dẫn rõ ràng về các cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư vào giáo dục, trong đó có việc sử dụng đất, gắn quy hoạch giáo dục với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Ông Bùi Xuân Cường – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết mỗi năm TP.HCM phải chi khoảng 2.000 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, trường học cho giáo dục để hạn chế tình trạng thiếu trường lớp. Ngân sách dành cho giáo dục của TP luôn tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách chi xây dựng cơ bản.
Ông Nguyễn Sơn Hùng – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – kiến nghị với các tỉnh tập trung công nghiệp, có tỉ lệ người dân nhập cư, tăng dân số cơ học cao như vùng Đông Nam Bộ thì nên có xem xét đặc thù khi tinh giản biên chế giáo dục để phù hợp với nhu cầu thực tế.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đồng tình với kiến nghị của các địa phương về việc cần có sự chủ động trong dự báo về gia tăng dân số, nhu cầu trường lớp… Từ đó có quy hoạch, bao gồm quy hoạch đất đai và cơ chế để khuyến khích xã hội hóa giáo dục, “chia lửa” cho giáo dục công lập.
Phó thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, cùng các địa phương vùng Đông Nam Bộ rà soát, chủ động có các giải pháp và tham mưu cơ chế chính sách để khuyến khích, thúc đẩy hơn nữa các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo.
Qua đó đảm bảo đủ trường lớp, phát triển giáo dục đào tạo của vùng Đông Nam Bộ chất lượng cao, tương xứng với sự phát triển sôi động của kinh tế, xã hội trong khu vực.
Nguồn: tuoitre.vn