Về ấp Sốc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước hỏi đến Câu lạc bộ đàn tính, hát then của người đồng bào dân tộc Tày, Nùng ai cũng biết. Tiếng đàn, lời hát đã trở thành “món ăn tinh thần” cho người dân nơi đây.
Sau những ngày bận rộn với cây tiêu, cây điều, những bậc ông bà, cha mẹ, con cháu lại tụ họp nhau cùng cây đàn tính và tiếng hát. Những ưu tư, vất vả của công việc đã xua tan nhờ tiếng đàn, lời hát. Từ những giai điệu và phong cách biểu diễn đơn sơ, mộc mạc chứa chan tình người đã đưa họ đến gần nhau hơn.
Từ những năm 1990, những hộ dân từ các tỉnh phía Bắc như Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạnh Sơn vào Bình Phước lập nghiệp xây dựng cuộc sống mới với vô vàn khó khăn. Thời gian đầu, họ chủ yếu canh tác lúa, hoa màu nên cuộc sống chỉ đủ ăn. Thế nhưng, sau vài năm với tính tình siêng năng, cần cù lao động, người dân nơi đây dần dần ổn định, nhiều hộ khấm khá, giàu có.
Ông Vương Văn Thè, 59 tuổi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn tính, hát then ấp Sóc Nê nhớ lại: “Lúc đầu từ quê vào xây dựng kinh tế mới nhiều gia đình cũng gặp khó khăn. Nhưng về sau này cuộc sống đã ổn định nhờ trồng cây điều, cây tiêu. Trong các dịp tết, lễ bà còn cùng quê nay đã gắn bó với nhau hơn nhờ thể loại đàn tính, hát then. Do không có điều kiện, ban đầu đàn tính, hát then chỉ làm bằng gáo nước, dây cước, cây tre, nhưng sau này về quê ngoài Bắc chúng tôi mới mua về để chơi”.
Nhờ niềm đam mê cùng với cây đàn, lời hát đã trở thành cầu nối của nhiều người dân tộc Tày, Nùng ở Sóc Nê. Đến năm 2005, những người trong Sóc đã quyết định thành lập Câu lạc bộ đàn tính, hát then để sinh hoạt với nhau một lần trong tháng. Ban đầu chỉ có 6 thành viên, nhưng đến nay thu hút thêm 12 người tham gia. Qua sự trưởng thành, hoạt động đi vào nề nếp, các thành viên vui mừng khi Câu lạc bộ đang tạo dần uy tín trong vùng. Qua đó, các thành viên được đã có dịp đi giao lưu biểu diễn trong và ngoài tỉnh để mang tiếng đàn, lời hát của dân tộc về quê hương Bình Phước đến mọi người.
Gia đình ông Lý Văn Sóng về Bình Phước lập nghiệp từ tỉnh Cao Bằng năm 1992, là 1 trong 6 người đầu tiên khi thành lập Câu lạc bộ chia sẻ: “Chúng tôi đều là những người xa quê hương, nhưng không vì thế mà quên đi bản sắc của dân tộc của mình. Đàn tính, hát then là một thể loại văn hóa, văn nghệ truyền thống không thể thiếu trong đời sống của bà con dân tộc Tày, Nùng. Trên mảnh đất Bình Phước này, chúng tôi đã đến với nhau bằng cây đàn, lời hát sau những ngày làm việc mệt nhọc. Điều quan trọng nhất của Câu lạc bộ là mang tiếng đàn, lời hát đến cho mọi người tại địa phương, đặc biệt là bản sắc của dân tộc được gìn giữ và phát huy trên mảnh đất mới này”.
Các thành viên đàn tính, hát then ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước thể hiện những lời ca, tiếng hát của người đồng bào Tày, Nùng trong một buổi sinh hoạt |
Bà Nông Thị Niu chia sẻ: “Tôi biết đàn tính, hát then từ hồi ở quê, nhưng vì đời sống kinh tế nên một thời gian dài bị lãng quên. Bây giờ thì có điều kiện kinh tế khá giả hơn, nên mọi người cùng nhau phát huy, gìn giữ nét đẹp truyền thống này. Từ khi thành lập Câu lạc bộ này, tôi rất tự hào. Dù Câu lạc bộ chỉ có 2 cây đàn tính, nhưng nó đã mang lại cho chúng tôi niềm vui và phát huy nét bản sắc văn hóa dân tộc, tránh bị mai một sau này”.
Những lời ca, tiếng đàn luôn chứa đựng âm vang cuộc sống quê hương, tạo động lực trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Việc duy trì thể loại này đang là vấn đề cấp thiết đối với Câu lạc bộ. Cho nên trong thời gian qua, dưới sự vận động của các thành viên trong Câu lạc bộ, các thế hệ trẻ tham gia nhiều hơn. Ông Vương Văn Thè nói: “Lứa trẻ thời nay không thích chơi đàn tính, hát then cho lắm. Chỉ từ khi cha mẹ, ông bà vận động nên mới có nhiều cháu tham gia sinh hoạt chung. Tuy chúng tôi rất bận rộn trong công việc nương rẫy, nhưng mỗi tháng đều tập hợp các cháu để truyền dạy. Ngoài ra, mỗi khi có dịp giao lưu, chúng tôi đều vận động các cháu tham gia đi học hỏi. Chúng tôi đều có tuổi, nên rất mong muốn các cháu tiếp tục gìn giữ bản sắc và phát huy thể loại nghệ thuật dân tộc”.
Cháu Vy Thị Lan Hương, 12 tuổi nói: “Do cha mẹ đều biết đàn tính, hát then nên khi có Câu lạc bộ là cháu liền tham gia. Ban đầu nghe tiếng đàn rất khó, nhưng dưới sự truyền dạy nhiệt tình của các cô, chú trong Câu lạc bộ nên cháu đã hiểu nhiều hơn”. Còn cháu Vương Thi Kim Oanh, 13 tuổi, chia sẻ: “Từ khi vào Câu lạc bộ sinh hoạt cháu thích lắm. Qua những lời truyền dạy của người đi trước giúp cho cháu hiểu về bản sắc của dân tộc mình và biết gìn giữ phát huy thể loại này hơn. Qua Câu lạc bộ đàn tính, hát then cháu biết thêm nhiều bài hát ca ngợi về quê hương, đất nước”.
Ngoài những bài hát truyền thống của dân tộc, các bậc tiền bối còn tự sáng tác những bài hát bằng tiếng dân tộc về quê hương Bình Phước. Những tiếng đàn, lời hát đã giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đồng thời thu hút thêm nhiều người tham gia sinh hoạt. Với sự phát triển không ngừng của Câu lạc bộ đàn tính, hát then của ấp Sốc Nê, chính quyền địa phương rất quan tâm, khích lệ và động viên cộng đồng đồng bào gìn giữ bản sắc riêng của dân tộc.
Ông Đồng Phú Bích – Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Tiến cho biết: “Phong trào đàn tính, hát then của đồng bào Tày, Nùng ấp Sóc Nê đang ngày một phát triển phong phú, đa dạng. Điều quan trọng nhất là họ gìn giữ được bản sắc riêng của dân tộc mình, mang lời ca tiếng đàn đến với mọi người sau những tháng ngày làm việc vất vả. Trong thời gian tới định hướng của Câu lạc bộ sẽ cố gắng mở rộng thêm đến người trẻ để có sự kế thừa tốt nhất”.
Với tiếng đàn, câu hát ca ngợi về tình yêu lứa đôi, tình yêu lao động sản xuất trên đất khách Bình Phước đã mang lại luồng sinh khí mới tại vùng biên giới Bù Đốp, giáp biên giới Campuchia. Điều quan trọng và tâm nguyện của thế hệ đi trước luôn mong muốn thể loại đàn tính, hát then của dân tộc mình sẽ càng được phát huy, gìn giữ và không mai một.
Nguồn khoahocthoidai.vn