Ngân hàng thế giới (WB) vừa đưa ra báo cáo nâng đáng kể dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong khi giảm triển vọng của khu vực, bất chấp những ảnh hưởng từ các chính sách của ông Donald Trump.
Theo báo cáo Cập nhật kinh tế các nền kinh tế đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, GDP năm 2018 theo giá so sánh của Việt Nam dự kiến tăng 6,8%, cao hơn đáng kể so với dự báo 6,5% do chính tổ chức này đưa ra hồi tháng 4.
Việt Nam cũng nằm trong số ít quốc gia được Ngân hàng Thế giới nâng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia WB, nền kinh tế Việt Nam có nền tảng vững chắc hơn và có triển vọng tốt hơn nhờ hiệp định thương mại thế hệ mới được ký kết với Liên minh Châu Âu (EU).
Nguồn |
Cũng theo dự báo của WB, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,6% trong năm 2019 và 6,5% trong năm 2020, vẫn rất sáng sủa trong bối cảnh sức cầu trên thế giới được dự báo chững lại theo chu kỳ và chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng.
Mặc dù nền kinh tế có khởi sắc hơn, nhưng dự kiến lạm phát vẫn xoay quanh chỉ tiêu 4% của Chính phủ, với điều kiện chính sách tiền tệ được thắt chặt phần nào nhằm đối phó với áp lực giá phát sinh do áp lực về giá đầu vào trong nước và tăng giá thương phẩm trên toàn cầu.
Về kinh tế đối ngoại, cân đối tài khoản vãng lai ước tính sẽ tiếp tục thặng dư trong ngắn hạn, nhưng mức độ thặng dự sẽ giảm dần từ năm 2019 do thâm hụt tăng lên ở tài khoản thu nhập và dịch vụ. Tình hình ngân sách được củng cố dự kiến sẽ kiềm chế được nợ công trong kỳ dự báo.
Nguồn |
Cho dù triển vọng trước mắt được cải thiện, nhưng rủi ro vẫn ở mức cao. Nhìn từ trong nước, tiến trình tái cơ cấu khu vực ngân hàng và DNNN chậm lại có thể tác động bất lợi đến tình hình tài chính vĩ mô, làm suy giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra nghĩa vụ lớn cho khu vực nhà nước. Những rủi ro bên ngoài bao gồm chủ nghĩa bảo hộ leo thang, bất định địa chính trị trong khu vực và trên toàn cầu tăng lên, các điều kiện huy động vốn trên toàn cầu tiếp tục được thắt chặt có thể dẫn đến những biến động gây xáo trộn trên thị trường tài chính.
Về chính sách tài khóa, mục tiêu tiếp tục giảm bội chi đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể nhằm nâng cao hiệu suất chi tiêu và duy trì bền vững tiềm năng thu trong trung hạn. Bên cạnh chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng là nhu cầu tiếp tục chú trọng cải cách cơ cấu sâu rộng, bao gồm cả những cải cách pháp quy nhằm xóa bỏ rào cản và giảm chi phí hoạt động của khu vực tư nhân, đầu tư cho nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao, tiếp tục cải cách nhằm nâng cao năng suất trong khu vực DNNN.
Chuyên gia kinh tế từ WB cho rằng Việt Nam cần tiếp tục duy trì mở cửa với thương mại và đầu tư, trong đó cần quan tâm tới những lợi ích từ hiệp định tự do thương mại EVFTA mà Việt Nam ký kết với EU.
Theo WB, trong các quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, dự báo tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam đứng thứ 4, chỉ sau Campuchia (7%) và Lào (6,9%). Tăng trưởng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống 6,3% trong năm 2018, chủ yếu do Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm dần.
WB cảnh báo ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đối với các nền kinh tế trong khu vực. Và đây sẽ là mối quan tâm không chỉ của Việt Nam.
Khu vực Đông Nam Á có độ mở lớn do vậy được dự báo sẽ chịu nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với Việt nam, cho rằng, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ hưởng lợi nếu tận dụng được cơ hội đến từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.
Nguồn: vietnamnet