Chiều 28-7, tại ‘Diễn đàn công nghiệp gỗ và nội thất Việt Nam’, ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch Hội Mỹ nghệ – Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết từ cuối quý 2-2023 các đơn hàng ngành gỗ đã bắt đầu trở lại dù chưa nhiều.
Công nhân sản xuất trong một nhà máy gỗ tại thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
Tuy vậy, ngành nội thất Việt Nam vẫn có khả năng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu đề ra và cần một chiến lược mới để có thể chinh phục những mục tiêu bền vững hơn.
Chia sẻ cụ thể về tín hiệu hồi phục từ top 5 thị trường xuất khẩu của đồ gỗ Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…, bà Trần Như Trang, đại diện chương trình SIPPO Việt Nam, cho biết không chỉ tăng nhẹ trở lại, các thị trường này cũng xuất hiện nhiều xu hướng và yêu cầu mới.
Chẳng hạn thị trường châu Âu – nơi dẫn dắt xu hướng tiêu dùng chính của nhóm hàng này khi chiếm 2/3 thị phần các mặt hàng cao cấp nhập từ Việt Nam – đặt ra nhiều yêu cầu về tiêu dùng bền vững. Các sản phẩm được yêu cầu phải có “hộ chiếu số”, cung cấp đủ thông tin về nguyên liệu thân thiện môi trường, quy trình sản xuất…
Những thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada… cũng ghi nhận người tiêu dùng bắt đầu quay lại các cửa hàng mua sắm và cũng có những yêu cầu cao về cam kết giảm thiểu phát thải carbon.
“Vấn đề của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam là tìm hiểu kỹ và bám sát động lực tăng trưởng từng thị trường và xác định từng phân khúc phù hợp với năng lực như đồ gỗ cho nhà hàng khách sạn, giáo dục. Đặc biệt, các yêu cầu về sản xuất bền vững ngày càng chặt chẽ về các nguyên liệu mới, sản phẩm gỗ mới, số hóa quy trình sản xuất… Nếu doanh nghiệp theo kịp thì cơ hội tăng trưởng trở lại còn lớn hơn”, bà Trang lưu ý.
Theo ông Lê Hoàng Tài – phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn về thị trường, các hiệp hội về ngành gỗ chủ động phối hợp với bộ để xây dựng, tổ chức, lựa chọn các nhóm hàng có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước.
“Dự kiến hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với thương vụ vào tháng 7-2023 của Bộ Công Thương cũng sẽ có nội dung tập trung trao đổi thông tin, giải pháp phát triển thị trường cho ngành gỗ.
Một hoạt động quan trọng khác đó là bộ sẽ làm đầu mối phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiệp hội gỗ các địa phương tổ chức khu trưng bày quảng bá ngành gỗ Việt Nam tại hội chợ High Point Market tại Mỹ vào tháng 10-2023 nhằm giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin về thị trường, khách hàng, quảng bá tiềm năng và uy tín ngành gỗ Việt Nam”, ông Tài thông tin.
Nguồn: tuoitre.vn