Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bình Phước đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân nhằm nắm bắt và giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở. Nhờ đó, chính quyền đã nhận được sự ủng hộ của người dân trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tỉnh cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tháng 7 – 2018, Ðoàn thi hành án thị xã Ðồng Xoài thi hành Bản án số 49/2015/DS-PT ngày 21-7-2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước trong vụ án tranh chấp đất giữa ông Võ Chánh và ông Lê Quang Dinh (cùng ngụ tại phường Tân Bình, thị xã Ðồng Xoài). Quá trình thi hành án, gia đình bị thi hành án (vợ và con ông Võ Chánh) không chấp hành.
Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án thị xã Ðồng Xoài Lê Trường Sơn cho biết: Xét thấy vụ án có nhiều uẩn khúc, chúng tôi trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình, đối thoại với người bị thi hành án.
Từ đó, chúng tôi xác định nguyên nhân dẫn đến việc gia đình ông Võ Chánh không chấp hành án là do Tòa án bỏ qua một số tình tiết quan trọng. UBND thị xã quyết định thành lập đoàn thanh tra xác minh nguồn gốc sử dụng đất của hộ ông Võ Chánh và trình tự cấp sổ đỏ cho các hộ dân liên quan. Quá trình thanh tra, đoàn phát hiện tình tiết mới: có giả mạo chữ ký; vi phạm nguyên tắc trung thực trong giao kết hợp đồng dân sự. UBND thị xã đã thông báo những tình tiết mới cho Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án. Bà Ðào Thị Xuân rất xúc động khi chính quyền đã quan tâm, lắng nghe nguyện vọng của gia đình, oan sai được gỡ bỏ.
Trong hai năm 2016-2017, tỉnh Bình Phước thực hiện chỉ đạo của Ban Biên giới quốc gia về việc triển khai xây dựng 181 vị trí với 353 mốc phụ trên tuyến biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia. Trong đó, Việt Nam xây dựng 173 mốc và Cam-pu-chia xây 180 mốc. Tại huyện Lộc Ninh, phần lớn cột mốc phụ nằm trong vườn điều, cao-su của người dân, cho nên vận động người dân giải phóng mặt bằng để thi công đạt tiến độ là công việc ưu tiên hàng đầu. Phần lớn người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng. Một số hộ dân không hiểu hết mục đích, ý nghĩa đã gây khó khăn cho đội phân giới cắm mốc phụ. Ðồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh phụ trách lĩnh vực này đã trực tiếp gặp từng hộ dân để giải thích, thuyết phục. Từ đó, người dân đã tự nguyện bàn giao đất cho đội phân giới cắm mốc làm nhiệm vụ.
Ðồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết: Tiếp công dân không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan tiếp công dân mà là của cả hệ thống chính trị. Hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân để từ đó soi vào chủ trương, chính sách của tỉnh mà điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài trực tiếp đối thoại với nhân dân, Tỉnh ủy đã lập đường dây nóng nhằm kịp thời nắm tình hình, có chỉ đạo sát thực tế. Từ đầu năm đến nay, đường dây nóng tiếp nhận, hướng dẫn, giải thích 750 thông tin, trong đó chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý 108 thông tin, có kết quả giải quyết 88 thông tin. Có những tin nóng, đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy điện thoại chỉ đạo giải quyết…
Việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người dân đã đem lại hiệu quả nhất định, nhưng thực tiễn cơ sở vẫn đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các cấp ủy và chính quyền. Ðầu tháng 10 vừa qua, Thanh tra Chính phủ công bố Quyết định số 846/QÐ-TTCP ngày 1-10-2018 về thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước trong việc thực hiện pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trong đó có đất đai từ nguồn gốc nông trường, lâm trường quốc doanh. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1-1-2014 tới 31-12-2017, trường hợp cần thiết có thể xem xét trước và sau thời kỳ nêu trên.
Có thể thấy, những bức xúc và khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai đã tồn tại khá lâu ở tỉnh Bình Phước. Trước năm 2012, việc quản lý đất lâm nghiệp và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh bị buông lỏng, dẫn đến việc nhiều hộ dân đã phá rừng (chủ yếu ở các huyện Bù Ðăng, Bù Gia Mập và Ðồng Phú) để trồng cây công nghiệp. Thực hiện chỉ thị của Chính phủ và Tỉnh ủy Bình Phước về triển khai các biện pháp cấp bách bảo vệ, phát triển rừng, UBND tỉnh đã thu hồi đất bị xâm canh để làm quỹ an sinh xã hội và giao cho các công ty nhà nước làm kinh tế. Từ đó, ở cơ sở phát sinh khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp và kéo dài cho đến nay. Theo thống kê, thời điểm chính quyền thu hồi đất, Thanh tra Chính phủ nhận được 732 đơn khiếu nại vượt cấp và trước trụ sở các cơ quan Trung ương tại Hà Nội thường xuyên có đông người dân Bình Phước tụ tập để khiếu kiện.
Trước tình hình nêu trên, Bình Phước đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại, vận động để người dân hiểu, thực hiện đúng quyền lợi, nghĩa vụ khi khiếu nại, khiếu kiện và chấp hành chủ trương, chính sách thu hồi đất lâm nghiệp. Tỉnh đã ban hành các chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất; chấn chỉnh, củng cố việc quản lý đất sau khi được thu hồi; đề xuất những giải pháp giải quyết kiến nghị chính đáng của nhân dân… Với địa bàn phức tạp, đích thân các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện đi gặp người dân để lắng nghe nguyện vọng và trả lời kiến nghị. Ðến nay, chính quyền các cấp đã giải quyết đơn thư khiếu nại của 698 hộ dân. Những hộ này ký cam kết không khiếu nại, khiếu kiện gây mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, vẫn còn 34 hộ dân khiếu nại, đang được UBND tỉnh phối hợp Thanh tra Chính phủ xem xét giải quyết.
Tình trạng khiếu kiện vượt cấp nhiều và kéo dài cho thấy chính quyền địa phương thời điểm ấy chưa làm tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc người dân phá rừng, có trách nhiệm của chính quyền do quản lý chưa chặt chẽ và không kịp thời ngăn chặn vi phạm. Vì vậy, quá trình thu hồi đất, chính quyền cần có biện pháp xử lý thấu đáo, trong đó tiếp dân, đối thoại, giải thích để người dân hiểu và chấp hành là rất quan trọng. Làm không tốt khâu này sẽ phát sinh khiếu kiện. Nhiều đơn thư khiếu kiện vượt cấp lên cơ quan trung ương cho thấy công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở tỉnh còn hạn chế, yếu kém. Ở đây, các cấp ủy và chính quyền địa phương cần rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc.
Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII đã chỉ ra, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp phải có kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân. Có như vậy mới giảm những bức xúc ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Từ kết quả thanh tra cũng như kinh nghiệm về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo gần đây, tỉnh Bình Phước cần sớm khắc phục những bất cập, hạn chế, tạo sự tin cậy, đồng thuận của nhân dân trên các lĩnh vực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Theo Báo nhân dân