Được hỗ trợ từ các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, xã Tân Lợi (Đồng Phú) đã từng bước “thay da đổi thịt”. Hạ tầng nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn được cải thiện, góp sức cùng xã về đích nông thôn mới đúng lộ trình.

Tân Lợi là một trong 2 xã của huyện Đồng Phú được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh sách xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư từ Chương trình 135. Tân Lợi có điểm xuất phát thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém. Toàn xã có 536 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 1.563 người (52,4% số dân). Người dân trong xã chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ở Tân Lợi hiện còn 132 hộ nghèo, chiếm 13,66%; 77 hộ cận nghèo, chiếm 7,97% và khoảng 40 hộ nghèo khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ xây dựng, trong đó 14 hộ có đất trong vùng quy hoạch, 2 hộ không có đất xây nhà…

ĐƯA CHÍNH SÁCH DÂN TỘC VÀO CUỘC SỐNG

Năm 2017, Tân Lợi được UBND tỉnh chọn hỗ trợ để về đích nông thôn mới. Thế nhưng, một trong những khó khăn của xã là tìm phương án hỗ trợ hộ nghèo, đồng bào DTTS có tư liệu sản xuất, ổn định cuộc sống, hướng tới thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Với trăn trở đó, xã đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 135 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trao 143 con bò cho hộ nghèo, trong đó có 127 con trao cho hộ đồng bào DTTS. Đến nay, 16 con bò đã sinh sản, 11 con đang mang thai, số còn lại phát triển tốt. Trước đó, thực hiện Chương trình 33 của Chính phủ, UBND xã đã tham mưu huyện về giao đất ở và đất sản xuất cho 61 hộ DTTS theo dự án định canh, định cư tập trung tại ấp Thạch Màng với diện tích 54,78 ha. Thực hiện Chương trình 134 và Chương trình 1592, huyện đã cấp đất cho 15 hộ thuộc ấp Thạch Màng và khu Điểu Xẻn, mỗi hộ nhận từ 6-9 sào đất sản xuất.

Từ 1 con bò cái ban đầu, đến nay gia đình anh Hoàng Văn Khánh đã có con bê hơn 1 tuổi và bò mẹ đang mang thai lứa thứ hai

Giúp người dân nâng cao thu nhập, UBND xã đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, thành lập các tổ liên kết trồng trọt, chăn nuôi; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân về cây – con giống. Từ đầu năm đến nay, xã đã mở 4 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cao su, cà phê, tiêu, điều; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và ghép, cải tạo vườn điều. Tranh thủ vận động các cấp, ngành, cá nhân, tổ chức hỗ trợ xây dựng 35 căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở.

Đầu năm 2014, dự án đưa điện vào khu định canh, định cư ấp Thạch Màng được triển khai do UBND xã Tân Lợi làm chủ đầu tư với chiều dài hơn 11km, tổng kinh phí 4,4 tỷ đồng. Hệ thống nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào tại ấp Thạch Màng, trị giá hơn 600 triệu đồng cũng được xây dựng. Đồng thời đầu tư trải nhựa 6,3km đường vào khu định canh, định cư ấp Thạch Màng hơn 11 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 33 của Chính phủ. Xã đang hoàn thành đoạn đường từ ngã ba ấp Đồng Bia đi Thạch Màng dài 2km, với kinh phí 5,4 tỷ đồng từ vốn sự nghiệp giao thông của huyện…

NHỮNG TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Anh Hoàng Văn Khánh (dân tộc Nùng) ở ấp Trảng Tranh thuộc hộ nghèo của xã. Năm 2014, gia đình anh được UBND xã trao tặng 1 con bò cái. Đến nay, bò đã sinh được con bê hơn 1 tuổi, bò mẹ đang mang thai lứa thứ hai. Vừa qua, vợ chồng anh Khánh được xã vận động hỗ trợ 25 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa với diện tích 40m2. Anh Khánh nói: “Hiện vợ đã đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, còn tôi đi thu mủ cao su thuê, thời gian rảnh chăm sóc bò, đưa đón con đi học. Cuộc sống ổn định, tôi sẽ xin thoát nghèo để nhường lại sự hỗ trợ cho những gia đình khó khăn hơn”.

Chị Y Thị Huệ, dân tộc Khơme, ấp Thạch Màng kể: “Trước đây, vợ chồng tôi sống tại xã Thuận Lợi (Đồng Phú) nhưng không có đất sản xuất, chỉ làm thuê kiếm sống. Năm 2012, gia đình tôi được nhà nước đưa vào định cư tại ấp Thạch Màng. Với 9 sào đất được nhà nước cấp, thời gian đầu tôi trồng mì xen cao su để tăng thu nhập. Đến nay, 400 cây cao su của gia đình đang phát triển tốt và cuối năm sau cho thu hoạch”. Chị Huệ còn đi cạo mủ thuê với mức lương 5 triệu đồng/tháng và chăn nuôi gà, heo, mở quán tạp hóa, thu mua phế liệu. Nhờ đó gia đình chị thoát nghèo và thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Đức Việt Tựu, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi cho biết: “Từ những chính sách dân tộc đã giúp đồng bào có đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống người dân. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Đây là động lực để Đảng bộ và nhân dân Tân Lợi phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”.

Từ khóa : chính sáchdân tộcĐồng Bào

Các tin liên quan đến bài viết