Tân Lập (Đồng Phú) là một trong 11 xã của cả nước được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2009-2011. Năm 2014, Tân Lập hoàn thành 19/19 tiêu chí và là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM. Tân Lập hôm nay không những kinh tế – xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ mà cuộc sống người dân đã có sự đổi thay rõ rệt.
ĐỔI MỚI TƯ DUY LÀM KINH TẾ
Năm 2015 sau khi xã đạt chuẩn NTM, ông Trần Văn Xuân, Bí thư Chi bộ ấp 2 là người đi đầu trong đổi mới tư duy làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông cho biết: Trước khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tôi đi một vòng trong tỉnh tham khảo tất cả loại cây trồng, từ đó chọn 1 mô hình mới không trùng lắp, nhằm tránh tình trạng chạy đua phong trào, “chặt trồng – trồng chặt, được mùa mất giá”… Từ 3 ha cao su già cỗi, tôi thanh lý rồi xuống Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam mua 1.800 cây điều ghép về trồng, trung bình 600 gốc/ha. Trong 3 ha điều ghép, 1 ha gần nhà tôi nhân giống bán cho người dân, số còn lại để thu hoạch.
1 ha điều ghép của gia đình ông Trần Văn Xuân dù đã ngắt chồi to, khỏe nhân giống bán nhưng cây vẫn sai trái
Hiện điều mới bước sang năm thứ 3 nhưng đã cho trái, trung bình 3kg/cây. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là từ 1 ha điều ghép nhân giống bán cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện 1 gốc điều ghép, mỗi năm ngắt khoảng 500 chồi to, khỏe bán và nhân giống. Nếu bán cho Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thì giá 1.500 đồng/chồi, bán cho người dân giá 1.000 đồng/chồi. Còn nếu ghép bầu, trung bình 7.000 đồng/bầu, trừ chi phí lãi 3.000 đồng/bầu. Năm 2016, gia đình ông Xuân làm 100.000 bịch bầu ghép bán nhưng vẫn không kịp. Ngoài ngắt chồi to, khỏe bán, những chồi nhỏ, yếu còn lại vẫn cho trái, trung bình 2kg/cây. Ông Xuân cho rằng, cây điều ghép nếu chăm sóc tốt có thể cho năng suất 5 tấn/ha ở năm thứ 5 trở đi. Ngoài ra, điều ghép còn kháng bệnh, chống chọi với thời tiết tốt hơn so với điều trồng hạt nên được người dân ưa chuộng.
Mới chỉ tốt nghiệp THCS nhưng doanh nhân trẻ Nguyễn Chí Thành (SN 1987), ngụ ấp 4, xã Tân Lập đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình nuôi trồng, chế biến nấm linh chi hiệu quả nhất ở Đồng Phú vào thời điểm hiện tại. Hiện anh Thành đầu tư 10 tỷ đồng mở rộng quy mô trại nấm lên 1,6 ha, gấp 10 lần so với ban đầu. Năm 2016, sản phẩm nấm linh chi của Công ty TNHH Trường Thọ được Chủ tịch UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh.
VÀ SỰ ĐỔI THAY TOÀN DIỆN
Trước khi xây dựng NTM (2009) xã Tân Lập chỉ có 4 tiêu chí đạt chuẩn là thủy lợi, bưu điện, hộ nghèo và an ninh trật tự; mức sống người dân thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu. Thu nhập của người dân phần lớn phụ thuộc sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 65%, số còn lại tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Năm 2009, toàn xã có 2.213 hộ/9.548 người, trong đó 76 hộ nghèo, chiếm 3,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 9,5 triệu đồng/năm… Nhưng Tân Lập hôm nay đã có sự thay đổi đáng tự hào, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, lĩnh vực nông – lâm nghiệp còn 40%; công nghiệp – xây dựng tăng 31,5%; thương mại – dịch vụ tăng 28%. Toàn xã chỉ còn 18 hộ nghèo (theo tiêu chí mới), chiếm 0,8%, tổng thu nhập bình quân đầu người 38 triệu đồng/năm. Xã có gần 90% tuyến đường đã được trải nhựa, bê tông và cứng hóa khang trang; 99,04% hộ dân có hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; 93% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn và không còn nhà tạm; 94,36% số hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 5/5 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó Trường tiểu học Tân Lập A đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được công nhận đạt chuẩn mức 2. Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng cho biết: Cơ sở vật chất của trường được trang bị đầy đủ, khang trang từ lâu. Vì thế, thầy trò yên tâm thi đua dạy tốt – học tốt, đưa chất lượng giáo dục và các phong trào thi đua khác lên top đầu huyện.
Ông Văn Tài, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: Tân Lập đang trên đà hướng tới 1 xã công nghiệp, nhưng trước mắt phải xây dựng xã nông nghiệp phát triển mạnh, tạo sự khác biệt rõ nét so với trước. Trên địa bàn có rất nhiều mô hình kinh tế hiệu quả nhưng làm thế nào để ổn định đầu ra cho nông dân đang là vấn đề băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo xã.
NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Vốn lũy kế đã thực hiện trong xây dựng NTM xã Tân Lập cho đến nay hơn 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 50 tỷ đồng; ngân sách tỉnh, huyện hơn 23 tỷ đồng; doanh nghiệp đóng góp gần 20 tỷ đồng; nhân dân đóng góp gần 3 tỷ đồng và các vốn khác hơn 5,5 tỷ đồng. Từ năm 2010-2014, người dân đã hiến 48.217m2 đất, 4.112 cây trồng các loại và 1.853 ngày công để làm đường giao thông, đường điện và các công trình công cộng khác.
Ông Văn Tài cho biết thêm: Tân Lập là 1 trong những xã thí điểm của cả nước về xây dựng NTM, vì thế trước khi thực hiện hầu hết người dân và cả một số cán bộ chưa định hình được NTM là gì, mà học tập kinh nghiệm thì không biết học ở đâu, vì thế làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó. Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, việc tuyên truyền, vận động đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, ấp phải nhiệt tình, tâm huyết và phải xây dựng được đội ngũ nòng cốt ở cơ sở. Để vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho NTM thì cán bộ, đảng viên tiên phong làm trước, đặc biệt là phải làm cho dân thấy được cái lợi từ những công trình mà mình đầu tư, đóng góp thì họ mới tin và thực hiện hiệu quả.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn