Đứng chân trên vùng đất biên giới, với gần 70% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, ấp Thạnh Phú, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau 10 năm thành lập, hộ nghèo ở Thạnh Phú đã giảm, người dân đoàn kết cùng bộ đội biên phòng bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc…

Nhà văn hóa ấp Thạnh Phú đón người dân về tham gia nhiều hoạt động sôi nổi trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộcNhà văn hóa ấp Thạnh Phú đón người dân về tham gia nhiều hoạt động sôi nổi trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

TẤM LÒNG CỦA ẤP TRƯỞNG

Trung tuần tháng 11, tôi đến ấp biên giới Thạnh Phú. Con đường nhựa nối quốc lộ 13 với các ấp Thạnh Cường, Thạnh Phú đi qua những vườn tiêu đang trong thời kỳ nuôi trái không bị ảnh hưởng của những cơn lốc xoáy hứa hẹn một mùa bội thu.

Trong niềm vui sum họp Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc, các bà, các chị người Khơme, S’tiêng đến từ Sóc Sỏi trang phục váy áo dân tộc sặc sỡ vui vẻ cùng cán bộ huyện, xã và ban ấp ủng hộ người dân miền Trung đang chịu nhiều thiệt thòi khi lũ chồng lũ.

Tổng kết cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, hộ ông Trưởng ấp Trần Văn Cáo vinh dự được nhận giấy khen gia đình văn hóa tiêu biểu. Ông Cáo cũng được bình chọn là người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Quê ở Kiên Giang, năm 1996 gia đình ông Cáo chọn biên giới Thạnh Phú đất rộng, người thưa để phát triển kinh tế hộ. Năm 2006, ấp Thạnh Phú thành lập, ông Cáo với tấm lòng chia sẻ, giúp đỡ người nghèo được nhân dân tín nhiệm bầu làm ấp trưởng. Cả ấp lúc này có 124 hộ (74 hộ người S’tiêng, Khơme) nhưng có 52 hộ trong diện đói nghèo như gánh nặng đè lên vai của Trưởng ấp Trần Văn Cáo.

Từ những năm đầu đến lập nghiệp ở biên giới Thạnh Phú, ông Cáo vận động bà con chỉ trồng lúa ở bàu, còn trên đồi học người Kinh trồng cao su, điều. Trước đây, chủ lực kinh tế của nhiều hộ dân tộc nhờ vào nuôi trâu, nay người di cư tới ngày càng đông, đất trống cho cỏ mọc để chăn nuôi dần hết nên bà con nên chuyển qua trồng trọt. Ông vận động bà con không bán đất vì muốn có cái ăn lâu bền thì phải có đất sản xuất. 80 ha bàu lúa đất ổn định, ông lại khuyến khích bà con thay đổi giống để có năng suất cao hơn và mạnh dạn áp dụng khoa học – kỹ thuật vào canh tác. Nhờ đó, bà con dân tộc đã bỏ tập tục du canh du cư, nhiều hộ có 5-7 ha cao su, điều và kinh tế khá giả, điển hình như gia đình các ông Điểu Phôn, Điểu U, Điểu Xinh.

 14 hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ nhà tình thương và các chính sách vay vốn; 17 hộ được cấp đất sản xuất theo các chương trình 134, 1592 của Chính phủ, trong đó có 4 hộ được cấp đất ở, xây nhà. Ban điều hành ấp Thạnh Phú còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 50 triệu đồng cùng  50 triệu đồng quỹ Vì người nghèo huyện xây tặng 4 căn nhà cho hộ nghèo trong ấp. Hằng năm, ban ấp vận động các đoàn từ thiện đến tặng quà giúp bà con đón tết vui vẻ. Bà con dân tộc 100% đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế…

Thạnh Phú hiện còn 11 hộ nghèo/134 hộ, chiếm 8,2% tổng số hộ. Tuy hộ nghèo còn cao gần gấp đôi so bình quân chung của huyện nhưng đó cũng là nỗ lực phấn đấu của ấp biên giới đặc biệt khó khăn này.

ĐOÀN KẾT BẢO VỆ BIÊN GIỚI VỮNG CHẮC

Nếu như 10 năm trước, Thạnh Phú là ấp trắng điện, đường thì nay đã có nhà văn hóa, giao thông trong ấp và liên ấp đã được sỏi cứng. Toàn ấp có 75% hộ có điện; 85% hộ có phương tiện đi lại, tivi và được sử dụng nước sạch. Nhiều tập tục lạc hậu đã được bà con loại bỏ, 87% hộ có hố rác; 88% hộ có nhà tắm và 52% hộ có hố xí hợp vệ sinh. Ban ấp và nhà trường vận động 99% trẻ em trong độ tuổi đến trường. Hệ thống loa truyền thanh với 3 cụm loa thường xuyên tiếp âm tuyên truyền giúp bà con hiểu pháp luật và các quy định, nội quy biên giới; 100% hộ đạt chuẩn an ninh trật tự, 97% gia đình văn hóa, trong đó có các hộ dân tộc thiểu số tiêu biểu.

Trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc vừa qua, 5 tổ an ninh tự quản, trong đó tổ trưởng đều là người S’tiêng đã ký kết thi đua bảo vệ biên giới, cột mốc và xây dựng khu dân cư đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự.

Trưởng ấp Trần Văn Cáo cho biết: Những năm qua, Ban công an xã, Đồn biên phòng Chiu Riu phối hợp Ban ấp tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó tập trung 3 nội dung chính: Luật Bảo vệ môi trường; Luật Biên giới quốc gia và phòng chống tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em; tuyên truyền luật bầu cử… Nhờ đó, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 đã có 100% cử tri đi bỏ phiếu. Ấp Thạnh Phú cũng đã ký kết phối hợp bảo vệ an ninh biên giới cùng Đồn biên phòng Chiu Riu. Để gắn kết nghĩa tình quân dân trên biên giới, Đồn biên phòng Chiu Riu phối hợp cùng Hội Nông dân xã triển khai mô hình sản xuất lúa nước mang lại hiệu quả cao.

Hiện nay, ấp Thạnh Phú có 2 tôn giáo hoạt động hợp pháp là Thiên chúa giáo với 65 hộ, 216 giáo dân; nhóm Tin lành với 31 hộ, 111 tín đồ. Để giúp bà con giáo dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Lộc Thạnh đã chọn ấp Thạnh Phú xây dựng dự án trồng rau an toàn. Linh mục Đồng Anh Vương chịu trách nhiệm đầu ra cho rau an toàn của Thạnh Phú. Từ nỗ lực của chính quyền xã và sự đoàn kết phát triển kinh tế của người dân ấp biên giới nên Thạnh Phú đang đổi mới từng ngày…

Theo: BPO

Các tin liên quan đến bài viết