Việc đổi tên “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” cần phải cân nhắc thấu đáo có nên hay không? Nếu như thay đổi tên gọi mà không làm thay đổi bản chất của học phí thì không nên. Vấn đề xã hội quan tâm là chính sách học phí trong thời gian tới sẽ như thế nào mới là điều quan trọng.

Đó là ý kiến của GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại.


Việc đổi tên gọi của học phí cần phải cân nhắc.

Việc đổi tên gọi của học phí cần phải cân nhắc.

Đề xuất thay khái niệm “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” mà Bộ GD-ĐT đề xuất trong Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục Đại học đang gây tranh luận sôi nổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, cho rằng, UB không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong dự thảo luật. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Theo ông Bình, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện.

Ngoài ra, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục đại học khi tăng mức học phí.

Theo GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại, học phí là thuật ngữ đã từ lâu rất quen thuộc trong hoạt động giáo dục và đào tạo và thấm sâu trong tiềm thức của tất cả các tầng lớp xã hội Việt Nam. Học phí được cắt nghĩa gồm hai chữ: Học là học tậpPhí là chi phí.

Theo cách hiểu này “Học phí” là chi phí học tập – là một số tiền mà người học phải có nghĩa vụ thanh toán cho cơ sở giáo dục, đào tạo theo một định kỳ nào đó (tháng, học kỳ, năm, khoá học). Số tiền này nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quan điểm của Chính phủ, cơ chế vận hành nền kinh tế.

Từ trước đến nay (trừ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, các cơ sở đang thực hiện thí điểm tự chủ tự chịu trách nhiệm) mức học phí được quy định chặt chẽ, thống nhất và rất thấp so với chi phí thực tế tại các cơ sở giáo dục đào tạo và chỉ có ý nghĩa “tượng trưng” nếu so sánh với mức học phí của các nước trên thế giới.

Dù rất thấp như vậy, nhưng lại rất hợp lý ở Việt Nam vì phù hợp với quan điểm của Đảng, với mặt bằng thu nhập của người dân, khả năng thanh toán của người học. Cùng với đó, nguồn thu từ học phí chỉ để đáp ứng một phần chi thường xuyên của cơ sở GDĐT. Phần lớn còn lại chủ yếu do Ngân sách nhà nước cấp phát hàng năm.

Đến nay, cùng với quá trình đổi mới cơ chế kinh tế, chính sách học phí cũng đang được nghiên cứu, hoàn thiện từng bước theo hướng tiếp cận và đáp ứng yêu cầu của hạch toán kinh tế.

Do đó, GS Sơn cho rằng, việc đổi tên “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo“, cần phải cân nhắc thấu đáo có nên hay không? Nếu như thay đổi tên gọi mà không làm thay đổi bản chất của học phí thì không nên. Vấn đề xã hội quan tâm là chính sách học phí trong thời gian tới sẽ như thế nào mới là điều quan trọng.

“Học phí gắn với tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở đào tạo được hình thành theo cơ chế thị trường và phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam hay chính sách học phí vẫn như cũ? Học phí được xác định dù theo tiếp cận giá dịch vụ đào tạo hay phí, lệ phí thì bản chất vẫn không thay đổi mà chỉ thay đổi về lượng. Cũng cần lưu ý rằng, học phí chưa bao gồm toàn bộ các khoản tiền mà người học phải nộp.

Bên cạnh học phí còn một số các khoản phải nộp khác với các tên gọi khác như: Lệ phí tuyển sinh, bảo hiểm phí, phí ký túc xá…Không nên cho rằng cứ khoản thu nào có chữ phí thì đồng nghĩa đó là các khoản thu có tính chất phí, lệ phí” – GS Sơn nhấn mạnh.

Theo GS Sơn, trong các doanh nghiệp, có rất nhiều yếu tố tên gọi là phí mà vẫn hình thành theo cơ chế giá dịch vụ, cơ chế thị trường. Hay nói cách khác, không nên lấy tên cơ chế để đặt tên cho một khoản thu nào đó.

Vậy thì có cần phải đổi tên gọi truyền thống của thuật ngữ này hay không? Theo GS Sơn, ở các nước hiện nay, người ta vẫn gọi là học phí mặc dù họ cũng thường xuyên điều chỉnh, hoàn thiện chính sách học phí.

“Việc đổi tên gọi của học phí cần phải cân nhắc. Không nên lặp lại một số những trường hợp đổi tên mà kết quả không đem lại điều gì, ví dụ như: “Doanh nghiệp vừa và nhỏ” đổi thành “Doanh nghiệp nhỏ và vừa“. Hoặc mới đây, đổi tên “Trạm thu phí đường bộ BOT” thành “Trạm thu giá” đã, đang là đề tài tranh luận sôi nổi của cộng đồng xã hội” – GS Sơn bày tỏ.

Hiện Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học tiếp tục được đưa ra xin ý kiến Quốc Hội và toàn xã hội.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nên duy trì tên của mục là “Học phí và giá dịch vụ đào tạo”. Lý do là 2 khái niệm này đều có ý nghĩa, có cơ sở pháp lý, có phạm vi và cách tính khác nhau, hướng vào các đối tượng khác nhau nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với nhau theo hướng “học phí’ ngày càng tiến sát đến “giá dịch vụ”.

Theo Dân Trí

Từ khóa : chi phí đào tạogiá dịch vụhọc phíLuật giáo dục đại học

Các tin liên quan đến bài viết