Sau bài viết ‘Cần thay đổi tuyển sinh chỉ dựa vào điểm số’ trên Tuổi Trẻ sáng nay 14-8, nhiều chuyên gia cho rằng đổi mới tuyển sinh cần phải đổi mới mạnh mẽ chương trình giáo dục phổ thông và áp dụng đa dạng phương thức tuyển chọn sinh viên.
* PGS.TS Đỗ Văn Dũng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):
Tuyển chọn phải có tiêu chí đánh giá
Theo tôi, rất khó để áp dụng cách thức tuyển sinh ở các nước tiên tiến cho Việt Nam. Lý do liên quan đến cách dạy và học ở THPT, chủ yếu là dạy kiến thức.
Đối với các ngành kỹ thuật công nghệ, vào đại học 2 năm đầu các môn cơ bản là sự tiếp nối kiến thức học ở phổ thông. Ngành y dược mà mất căn bản về hóa, sinh làm sao học nổi? Nếu chỉ có năng khiếu văn nghệ thì không thể học nổi. Đã tuyển chọn thì phải có tiêu chí đánh giá.
Sở dĩ lâu nay các trường đại học chưa mạnh dạn đổi mới tuyển sinh mặc dù luật đã cho phép liên quan đến lý do:
Thứ nhất, bài toán kinh tế. Xét tuyển theo kết quả thi THPT rất ít tốn kém, hiệu quả. Thứ hai, số thí sinh đông nên gần như không thể áp dụng các hình thức tuyển sinh khác như phỏng vấn, kiểm tra tư duy logic…Thứ ba, nếu xét tuyển bằng thành tích năng khiếu văn nghệ, thể thao thì chỉ có một số ngành nghề phù hợp và dễ sinh ra tiêu cực (hệt như thi khoa học kỹ thuật hiện nay).
* PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp (phó chủ tịch hội đồng khoa học Trường ĐH Luật TP.HCM):
Chọn người vào đại học tốt nhất vẫn là thi tuyển
Trường chuyên là mô hình vượt trội so với trường bình thường. Đó là sự chọn lọc rất gay gắt, khắt khe về kiến thức, năng lực, kỹ năng, IQ… Bản thân tôi luôn ủng hộ mô hình trường chuyên vì nơi đó đào tạo học sinh có thế mạnh ở lĩnh vực cụ thể, không yêu cầu phải giỏi toàn diện tất cả các môn học.
Trong xã hội, một người có năng lực, dù bất kỳ năng lực gì, nếu có môi trường tốt để họ được đào tạo tốt thì họ đều tốt cả và thành người tài. Để tuyển chọn được người giỏi vào trường chuyên cũng như vào đại học, cách tốt nhất vẫn là thi tuyển.
Với tuyển sinh đại học, cách tốt nhất vẫn là tổ chức thi tuyển theo từng ban chuyên A, B, C cho từng lĩnh vực đào tạo phù hợp khối khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, y dược… Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn tổ chức theo hướng cho học sinh được chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội nhưng cả quá trình học các em phải học rất nhiều môn rất nặng nề.
Vì vậy, tôi ủng hộ phương án xét công nhận tốt nghiệp THPT và chỉ tổ chức kỳ thi đại học theo các khối thi A, B, C, D… Thực tế hiện nay phần lớn các nước vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học. Vấn đề chúng ta cần là phải học cách tổ chức thi, cách ra đề của họ để có kỳ thi tuyển sinh chất lượng.
* PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp (trưởng khoa kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM):
Cần đa dạng phương thức tuyển sinh
So với sinh viên các nước, sinh viên Việt Nam có thế mạnh về mặt kiến thức nhưng lại thua kém về kỹ năng. Điều này cho thấy giáo dục Việt Nam chỉ trang bị kiến thức cho người học, còn việc trang bị các kỹ năng mềm chưa được chú trọng.
Trong xã hội có nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau nên cần nhân lực đáp ứng yêu cầu cụ thể từng công việc. Ví dụ những người làm nghiên cứu đòi hỏi phải giỏi kiến thức chuyên môn; người làm kinh doanh phải có nhiều kỹ năng, năng động chứ không chỉ giỏi tính toán; người làm lĩnh vực văn hóa xã hội cần có năng khiếu nhất định…
Do vậy, việc tuyển sinh cũng cần đa dạng phương thức: thi tuyển, phỏng vấn, kiểm tra năng khiếu, đánh giá năng lực để tuyển chọn được người học phù hợp cho từng lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là cần phải đổi mới mạnh mẽ chương trình giáo dục phổ thông, không nên bắt học sinh phải học quá nhiều khối kiến thức khác nhau như hiện nay và tạo môi trường để mỗi học sinh đều phát huy được năng lực, năng khiếu của riêng mình.
* TS Lâm Thành Hiển (hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng):
Xét tuyển theo tổ hợp 3 môn là chưa hợp lý
Cách thức tuyển sinh hiện nay chỉ lấy tổng điểm 3 môn tổ hợp để xét trúng tuyển như cách làm có từ cách đây hàng chục năm, theo tôi là chưa hợp lý, chỉ xét đến kiến thức. Trong khi chuẩn đầu ra của chương trình đại học bao gồm các chuẩn về kiến thức, kỹ năng và thái độ rõ ràng là chỉ xét được có một mặt.
Theo tôi, cần thay đổi cách tuyển sinh như hiện nay, tăng tự chủ cho các trường để các trường có thể chủ động xét tuyển toàn diện hơn để đảm bảo, các sinh viên bớt bỏ học, các cử nhân kỹ sư đạt yêu cầu chuẩn đầu ra đầy đủ và đam mê nghề nghiệp không làm trái ngành học.
Nguồn: tuoitre.vn