Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay chúng ta đọc một tập truyện nước ngoài. Đó là sách “Ngôi nhà ở làng quê” của nhà văn Nga Aleksei Varlamov qua bản dịch của dịch giả Phan Xuân Loan.

Aleksei Varlamov (Алексе́й Николаевич) sinh năm 1963 tại Moskva. Ông là nhà văn, nhà báo Nga, nhà nghiên cứu lịch sử văn học Nga thế kỷ XX, là tiến sĩ ngữ văn, giáo sư trường Đại học Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov, hiệu trưởng Trường viết văn mang tên A. Gorky, Ủy viên Hội đồng Văn hóa Nghệ thuật trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga.

Ông xuất hiện trên văn đàn từ 1987 và đến nay đã xuất bản nhiều tác phẩm, được nhiều giải thưởng uy tín của Nga và quốc tế, trong đó có giải “Anti-Booker” (1995). Ngoài sáng tác, ông còn viết sách tiểu sử cho tủ sách “Cuộc đời những người nổi tiếng”, trong đó ông đã có những cuốn viết về các nhà văn như M. Prisvin, A. Grin, A. Tolstoy, M. Bulgakov, A. Platonov.

Đọc sách cùng bạn: "Chuyện kể trái tim" - Ảnh 1.

Truyện vừa “Ngôi nhà ở làng quê” (Дом в деревне) in lần đầu trên tạp chí “Thế giới mới” (Новый мир), số 9 năm 1997. Sau đó nó được đưa vào một tập truyện của A. Varlamov. Dịch giả Phan Xuân Loan dịch truyện này và 4 truyện nữa của cùng tác giả và lấy nó làm tên chung cả tập.

A.Varlamov viết những truyện này theo kiểu “văn xuôi nông thôn” nhưng trong một hoàn cảnh khác. “Văn xuôi nông thôn” (Дереве́нская про́за) là một khuynh hướng trong văn chương Xô Viết thời kỳ 1950 – 1980 hướng tới những giá trị truyền thống trong việc phản ánh cuộc sống nông thôn thời hiện đại. Các tác giả thuộc dòng văn này phần nhiều sinh ra ở nông thôn, tự hào về vùng quê mình. “Tôi tự hào đi ra từ nông thôn” (F. Abramov). “Tôi lớn lên ở nông thôn. Nó đã nuôi sống tôi và bổn phận của tôi là viết về nó” (V. Raspuntin). Đó là thời Liên Xô còn tồn tại. Đến thời A. Varlamov thì đã khác. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, nước Nga đã đảo lộn nhiều cái, người Nga đã phải trải qua nhiều biến cố khủng khiếp. Nông thôn Nga cũng không còn như xưa.

“Ngôi nhà ở làng quê” là mơ ước của một thanh niên sống ở Moskva. Nhân vật xưng “tôi” trong truyện mang hình bóng tác giả: “Khi đó tôi mới hai mươi sáu tuổi. Tôi đã tốt nghiệp đại học và đang thử sức với văn chương, thậm chí đã xuất bản một tuyển tập truyện ngắn nhỏ. Nhưng cuộc sống và tương lai của tôi chẳng chút rõ ràng và dường như bất định làm sao. Tôi cần một ngôi nhà ở miền quê như một điểm mốc để tạo lập chính mình, để tự rứt mình ra khỏi những biên giới mà cuộc sinh tồn bình yên ở thành thị đã đặt ra trước tôi” (tr. 130).

Ở đây sự đối lập “thành thị – nông thôn” vốn có trong “văn xuôi nông thôn” lại được đặt ra. Các nhà văn viết về nông thôn trước đây coi nông thôn là nơi cất giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc, nơi tìm về nguồn cội đạo đức tinh thần của con người. Đi về nông thôn tìm kiếm các giá trị nguồn cội, đó là cách con người chống lại “những hậu quả tiêu cực của “sự khủng hoảng các nguyên tắc nhân văn của nghệ thuật”, chống lại “khuynh hướng văn hóa đại chúng của phương Tây nói chung” (M. Berdilova). Như vậy nhân vật muốn rời phố về làng để cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.

Nhưng khi tìm mua nhà theo các quảng cáo thì anh mới hay là quanh Moskva những căn đẹp và ở những chỗ đẹp đều đã bị dân thành phố mua hết. Nhiều kẻ còn mua đến mấy căn rồi sửa sang lại đem bán với giá gấp ba cho những ai thích làm dã thự. (Tiếng Nga từ “дача” thường được dịch là “biệt thự”, ở đây dịch giả dịch là “dã thự” đúng với văn cảnh hơn). Buộc lòng nhân vật phải ngược lên phía Bắc. Cuối cùng anh cũng kiếm được một căn nhà gỗ nằm trên cánh đồng mà anh cảm thấy như nó đã đứng đó chờ anh nhiều năm qua. Anh thấy nó rất hợp với mình nên vội vã đi tìm chủ mua ngay và bằng lòng trả một cái giá cao để được sống trong căn nhà đã bị bỏ không 20 năm. Dân làng nghĩ anh là đồ dở hơi, kỳ quặc. “Tôi làm gì ở đây và mất ngần ấy tiền để làm gì, họ không hiểu. Và nếu tôi nói với họ về tình yêu của tôi với mọi người, hẳn họ sẽ nhún vai” (tr. 140).

Từ đó nhân vật thường xuyên rời phố về làng sống vì ở đây anh đã có ngôi nhà của mình. Anh muốn trụ lại ở làng quê. Anh tìm hiểu những người dân quê để sống với họ. Người đầu tiên anh gặp gỡ chính là người đã mách nhà cho anh mua – ông lão V. Malakhov. Đó là một mẫu nhân vật của “văn xuôi nông thôn”: Con người sống cảnh điền viên, yêu lao động, tốt bụng, trung thành với các giá trị đạo đức truyền thống. Ông căm ghét công cuộc tập thể hóa trước đây, coi thường trật tự xã hội hiện hành. Ông có thái độ kiêu ngạo, giữ khoảng cách với các dân làng và họ cũng tránh xa ông, vì ông cho mình là người tự do, sống theo ý mình. Tiếp xúc với Malakhov, nhân vật “tôi” mang tính tự thuật của A. Varlamov thấy “ông là một mảnh vỡ của nền văn minh sụp đổ mà tôi mong tìm lại nơi đây” (tr. 159).

Truyện có hai bình diện trần thuật – một là bình diện hiện thực mô tả cuộc sống làng quê thời nay, một là bình diện thẩm mỹ được nhà văn lý tưởng hóa. Nhân vật những tưởng gặp lại được linh hồn Kito giáo ở làng quê Nga êm đềm và hồn nhiên. Nhưng rốt cục anh vỡ mộng, cái làng quê lý tưởng hóa sụp đổ. Khi biết rõ hơn về cuộc sống của hai vợ chồng Malakhov thì anh hiểu ra họ đều bất hạnh, mỗi người theo cách của mình. Nhân vật đành chia tay với ước mơ có một ngôi nhà ở làng quê như “một điểm mốc để tạo lập chính mình” («дом как точку отсчета» – “ngôi nhà như một điểm tính toán”, tức là bắt đầu tính từ đây).

Nói tới nông thôn, làng quê, là nói tới thiên nhiên trong mối quan hệ với con người. Chủ đề “con người – thiên nhiên” từng là một chủ đề lớn của “văn xuôi nông thôn”. Thiên nhiên đưa lại sự bình an cho tâm hồn. Nhân vật “tôi” trong “Ngôi nhà ở làng quê” đã thích thú quan sát phong cảnh vùng phương Bắc nước Nga gắn với ngôi nhà mình mua, với lối sống nơi mình ở.

Theo một nhà phê bình Nga, mối quan hệ phổ quát “con người – thiên nhiên” trong truyện này đã được đặt trong “hệ tọa độ” của văn xuôi bản thể luận (oнтологическая проза). Cội rễ của thứ văn này nằm trong “văn xuôi nông thôn” mà nguyên lý thống nhất chính là những câu hỏi do tác giả đặt ra về tính đạo đức, tính tinh thần. Ông viết: “Hệ vấn đề bản thể luận bao gồm những vấn đề khiến các nhân vật của Varlamov quan tâm: Đâu là ý nghĩa cuộc sống của con người, thiên chức sống của nó là gì” (I. Vilkhovskiy).

Truyện “Ngôi nhà ở làng quê” có tên gọi khác kèm theo là “Chuyện kể trái tim” («Повесть сердца»). Tên gọi này đã được A. Varlamov dùng cho một tập sách của mình (2010) gồm 4 truyện, trong đó có cả “Ra đời” và “Ngôi nhà ở làng quê”Trong mấy lời đầu sách ông nói cuốn sách là sự biết ơn những người đã không tiếc bày tỏ ký ức trái tim mình với ông. Nhà phê bình I. Vilkhovskiy cho rằng tên gọi đó đưa lại sắc thái tình cảm cho câu truyện. “Đối với tác giả, câu chuyện có được một “ngôi nhà thân thuộc” là một chuyện rất gần gũi, thành tâm. Varlamov đã vượt ra ngoài lối tự sự hiện thực, bởi vì ông đã dùng một câu chuyện tình cảm để tạo nên cảm hứng tự sự đặc biệt. Cần thấy rằng câu truyện hiện thực “Ngôi nhà ở làng quê” là một truyện tình cảm xét về giọng điệu kể, đó chính là đặc trưng phong cách thể loại của nó”. Trong một cuộc phỏng vấn, A. Varlamov có nói rằng văn chương là sự tự thú (исповедь) hơn là sự thuyết giáo (проповедь) và ông kể ra mấy tác phẩm của ông trong đó có “Ngôi nhà ở làng quê” là mang tính chất tự thú như vậy.

Trên đây tôi đã tóm tắt cho bạn truyện “Ngôi nhà ở làng quê”. Trong tập sách này còn có 4 truyện khác đều nói về cuộc sống của những người Nga hiện nay. Truyện “Dạt trôi” kể về hai con người – một nam một nữ, từng là bạn học đại học của nhau – dắt nhau chạy trốn cuộc đời hoặc cũng có thể là chạy trốn nhau, và cả chạy trốn chính mình. Truyện “Đất thánh” kể về cuộc phục chế một nhà thờ cũ ở làng khi mà mọi người dường như đã quên mất nó và quên cả việc đi lễ. Truyện “Thượng Hải” kể về một người Nga giàu mới nổi nhưng không nguôi nhớ những khốn khổ ngày trước. Truyện “Đêm phim Slave” kể về một cặp vợ chồng người Nga (nhưng gốc xuất thân từ Armenia) di cư sang Bỉ đang tìm cách sống. Các truyện đều thấm nỗi buồn đau cho nước Nga và người Nga hiện thời.

Đọc truyện của A. Varlamov, người đọc Việt Nam lại tìm thấy sự đồng điệu trong cách cảm, cách nghĩ của nhà văn Nga. Và chia sẻ cùng ông nỗi buồn làng quê biến mất trước cơn lốc thị trường và toàn cầu hóa. Văn chương Việt cũng đang cần những tác phẩm viết thật sâu về chủ đề này.

Phan Xuân Loan từng học ở Nga và từ khi về nước chị chuyên tâm làm báo và dịch văn chương Nga. Tập truyện “Ngôi nhà ở làng quê” được chị dịch sau chuyến trở lại Nga và được đọc các tác phẩm của nhà văn A.Varlamov. Chị thấy rung động, đồng cảm với những trang văn của nhà văn này về hiện tình nước Nga.

Trong lời nói đầu tập truyện dịch, chị viết: “Đọc các truyện ngắn và tiểu thuyết của nhà văn, rồi xem tiểu sử của ông, bạn nhận ra trong các tác phẩm của ông không có nhiều hư cấu. Những nỗi đau đang giày vò nhân loại nói chung và nước Nga nói riêng, những số phận con người… là có thật. Tất cả những gì được kể trong các tác phẩm của ông, tác giả từng sống qua, và vì thế, có sức tác động đặc biệt” (tr. 8).

Vì lẽ đó, Phan Xuân Loan đã bắt tay dịch một số tác phẩm của A.Varlamov để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Trước tập truyện này chị đã dịch in của ông truyện vừa “Ra đời” (Рождение). Bản dịch của chị xác thực, thanh thoát, và cảm xúc.

Một thời ở nước ta văn chương Xô Viết rất được cập nhật và in ấn nhiều. Bẵng đi mấy chục năm qua, vùng văn học này như bị tuột khỏi môi trường Việt Nam. Nhưng những người yêu tiếng Nga và văn chương Nga vẫn đau đáu yêu mến và hoài niệm cho một nền văn chương lớn của thế giới. Họ tìm đọc các tác giả mới và các tác phẩm mới của văn chương Nga đương đại. Họ tìm cách dịch sang tiếng Việt những tác phẩm có tiếng vang và có giá trị của nền văn chương ấy hiện nay. Phan Xuân Loan ở trong những người yêu nước Nga và văn chương Nga ấy. Lâu rồi tôi mới lại được đọc những trang văn “rất Nga” qua một bản dịch rất Việt tại tập truyện “Ngôi nhà ở làng quê”.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Theo Dân việt

Từ khóa : dọc sáchNgôi nhà ở làng quê

Các tin liên quan đến bài viết