Trang sức, chức năng chính là để làm đẹp cho người dùng. Từ rất xa xưa, các cộng đồng cư dân đã biết sử dụng trang sức với mục đích này. Các khai quật khảo cổ ở Việt Nam có niên đại hàng ngàn năm đã phát hiện rất nhiều hiện vật là trang sức. Ở Bình Phước, các nghiên cứu khảo cổ qua di chỉ thành đất đắp hình tròn cũng đã phát hiện nhiều vòng, mảnh vòng đeo bằng đá được chế tác rất tinh xảo.

Nhiều người từng biết một vài điều, một vài loại trang sức của người S’tiêng ở Bình Phước. Tuy nhiên, nếu khảo sát kỹ lưỡng, sâu sắc, chúng ta sẽ phát hiện nhiều điều thú vị hơn về chức năng, giá trị, vai trò của trang sức mà người S’tiêng Bình Phước sử dụng, thể hiện quan niệm về làm đẹp, về nét đẹp của người S’tiêng.

Theo khảo sát thực tế của tác giả, người S’tiêng ở Bình Phước có đến 10 loại trang sức khác nhau, đeo ở nhiều vị trí trên cơ thể. Ở vị trí trên đầu, họ có chiếc trâm làm bằng đồng dùng để cài ở búi tóc. Không giống chiếc trâm của các dân tộc khác, chiếc trâm cài tóc của người S’tiêng còn có một hạt lục lạc để tạo ra tiếng kêu khi di chuyển. Trên tai, người S’tiêng có đến 3 loại trang sức là khuyên tai hình xoắn, khuyên tai hình tròn và vật căng tai bằng ngà voi. Các vị trí như cổ, cổ tay, ngón tay cũng đều có những loại trang sức riêng.

Bộ trang sức vòng đeo tay bằng bạc của người S’tiêng – Ảnh: Kim Thư

Nếu ở cổ là vòng đeo đơn thì ở cổ tay là loại trang sức khá đặc biệt. Người S’tiêng đeo trang sức ở vị trí này với 2 loại bằng đồng và bằng bạc. Loại bằng đồng thường chỉ đeo 1 chiếc, trên thân vòng có các hoa văn hình học được khắc vạch giúp trang sức đẹp hơn. Loại vòng đeo bằng bạc ở vị trí này rất đặc biệt. Họ có cả một bộ gồm nhiều vòng hợp lại, đeo từ cổ tay lên đến gần khuỷu tay, các vòng ở giữa thì 2 mặt 2 bên của thân vòng được mài nhẵn, riêng 2 vòng 2 đầu thì 1 mặt mài nhẵn, mặt còn lại được bo tròn. Tại Bảo tàng tỉnh hiện nay có bộ vòng lên đến 19 chiếc. Đây là loại trang sức có giá trị, mỗi chiếc hiện nay có giá từ 1-1,5 triệu đồng (theo giá bán tại huyện Lộc Ninh). Do đó, thường họ chỉ đeo 1-2 chiếc, gia đình giàu có mới có thể đeo đủ bộ.

Người S’tiêng còn có chiếc dây gọi là cế vích, người phụ nữ dùng để đeo ở thắt lưng. Loại trang sức này có kết cấu cơ bản gồm 2 phần: phần đeo ở thắt lưng và phần thả thòng, được cấu trúc là những mắt xích liên kết lại. Phần đeo ở thắt lưng chỉ có 1 sợi, còn phần thả thòng có 2 sợi, cuối của 2 sợi thả thòng có đính 4 hạt lục lạc nhỏ bằng đầu ngón tay để khi di chuyển phát ra tiếng kêu. Loại trang sức này chỉ phổ biến ở vùng Bù Đăng. Ngoài ra, người S’tiêng còn có nhẫn bạc đeo ở tay, vòng đeo ống chân…

Về chức năng, các trang sức của người S’tiêng ở Bình Phước ngoài dùng để làm đẹp còn làm vật lễ trong các nghi lễ hôn nhân. Bất kỳ nghi lễ nào của hôn nhân đều không thể thiếu chiếc vòng đeo tay bằng bạc. Khi chiếc vòng được làm vật lễ, các vùng có những ứng xử khác nhau. Ở vùng Lộc Ninh, sau khi cô dâu nhận vật này, thường giữ và sử dụng. Cũng có vùng sau khi nhận trang sức, cô dâu phải trao tặng lại cho anh em trai. Người nào nhận được vật lễ này là niềm vinh dự lớn, do đó họ phải giữ suốt cuộc đời, không trao, tặng lại cho ai.

Ngày nay, mặc dù có nhiều loại, nhiều kiểu, đặc biệt là những loại trang sức bằng kim loại quý (vàng) thì trang sức truyền thống của người S’tiêng vẫn được đồng bào ưa chuộng và sử dụng. Chính vì vậy, ở nhiều nơi như Lộc Ninh, Bù Đăng vẫn còn những người thợ chế tác trang sức và bán cho cộng đồng.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : S’tiêngtran sứctruyền thống

Các tin liên quan đến bài viết