Hai bạn học sinh Đỗ Thành Đạt và Nguyễn Đức Tông (Trường THPT Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang) đã tạo “website hóa học trực tuyến và bộ công cụ hóa học dành cho máy tính và điện thoại” cho học sinh rèn luyện môn hóa.
Độc đáo phần mềm hóa học trực tuyến
Đạt (trái) và Tông đã thiết kế phần mềm hóa học hữu ích, tiện lợi cho việc ôn tập môn hóa 

Phần mềm đã đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2016…Điều đáng nói là khoảng tám tháng nay, phần mềm của hai trò này đã được ban giám hiệu đưa lên trang web của trường để giáo viên, học sinh sử dụng. Nhờ đó chất lượng học môn hóa đã tăng lên. Nhiều học sinh khối 12 đã tải phần mềm này về máy vi tính hoặc điện thoại di động để ôn tập và đạt hiệu quả cao…

Trường đã đưa phần mềm hóa học của hai em lên website của trường để giáo viên, học sinh sử dụng và thấy chất lượng học môn hóa tăng lên rõ rệt. Phần mềm cũng hỗ trợ rất tích cực cho giáo viên trong việc rèn luyện cho học sinh yếu kém.
Cô TRỊNH THỊ TRÚC LINH (phó hiệu trưởng Trường THPT Long Mỹ)

Tạo phần mềm để rèn luyện cho “cứng tay”

Đạt chia sẻ: “Việc thiết kế phần mềm này xuất phát từ thực tế Đạt và Tông cũng như những bạn trong trường vốn rất thích môn hóa nhưng rất sợ môn này, bởi công thức hóa rất nhiều nên dễ nhầm lẫn, chỉ một sai sót nhỏ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kết quả bài làm. Trong khi đó, website hóa học trực tuyến rất ít và không đa dạng, nên cũng khó cho học sinh trong việc ôn luyện. Sau khi bàn nhau, tụi mình quyết định bắt tay vào làm phần mềm hóa học đầy đủ và đa dạng về cả lý thuyết và bài tập, phân hóa từ thấp đến cao để học sinh tha hồ rèn luyện cho “cứng tay”. Đồng thời phần mềm là môi trường để các bạn say mê môn hóa chia sẻ, thi đấu cạnh tranh một cách lành mạnh…”. Khi bắt tay vào làm là thời điểm nghỉ hè nên đôi bạn dồn hết thời gian cho đam mê của mình. Đến khi vào học, mỗi tuần cả hai nhín ra ngày chủ nhật cho việc nghiên cứu. Tông thổ lộ: “Trong quá trình nghiên cứu, căng nhất là phần ngôn ngữ bởi ngôn ngữ trên trang web khác với ngôn ngữ lập trình trên điện thoại. Phần tốn thời gian nhất là khâu tìm kiếm tài liệu. Các tài liệu hóa học tụi em tìm đều chính thống bởi nguồn tài liệu trong nước rất ít nên phải tìm nguồn tài liệu nước ngoài.Và nhờ thầy dạy hóa là thầy Trần Huy Khoa hỗ trợ tìm giúp. Phần nào dịch không nổi, tụi em nhờ thầy cô dạy tiếng Anh dịch sang tiếng Việt. Khi làm xong phần nào tụi em sẽ lấy ý kiến của thầy cô, bạn bè về những ưu khiếm khuyết của phần đó, rồi chỉnh sửa để sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn…”.
Bộ tư liệu quý giá
Mất gần hai năm, cả hai mới hoàn thành phần mềm “website hóa học trực tuyến và bộ công cụ hóa học dành cho máy tính và máy điện thoại”. Phần mềm được sử dụng hai ngôn ngữ chính là tiếng Việt và tiếng Anh. Phần ứng dụng riêng dành cho máy tính và điện thoại, có khả năng chạy offline, thuận tiện cho việc ôn tập kiến thức ở nơi không có kết nối Internet. Đạt thổ lộ: “Để nhiều người có thể cùng thảo luận với nhau nên tụi mình thiết kế giao diện thân thiện, đơn giản, dễ sử dụng, mọi người có thể trao đổi bài vở với nhau. Chẳng hạn như thư mục thảo luận chung: đây là trang dùng cho các thành viên chat trực tiếp để trao đổi đề tài trực tuyến với nhau. Hoặc thư viện trực tuyến, người dùng có thể chia sẻ các tài liệu với nhau…”.Cứ vậy bằng tất cả khả năng và bầu nhiệt huyết đong đầy của mình, cả hai đã tìm mọi cách để chương trình phần mềm thêm sinh động. Chẳng hạn về phần trò chơi, để tạo không khí học mà chơi thoải mái, nhóm thiết kế các chương trình đố vui phỏng theo các game show của đài truyền hình như Chiếc nón kỳ diệu, Đuổi hình bắt chữ Trúc xanh. Rồi những game online bổ ích để đáp ứng những bạn nghiện game như Giải mã ô chữ, Vòng quay bí mật…, giúp người dùng có thể biết thêm nhiều kiến thức mới dưới dạng các trò chơi thú vị. Các học sinh Trường THPT Long Mỹ tâm sự do phần mềm thiết kế đầy đủ chương trình cấp III, lại phân ra thành từng chương, từng dạng lý thuyết cũng như bài tập, từ cơ bản đến nâng cao nên nếu ai mất căn bản cần “gia cố” hoặc cần học “đậm” phần nào thì chỉ cần nhấp vào chọn phần đó mà học, lại rất thuận tiện bởi có thể tải về máy vi tính hoặc điện thoại để học.Bạn Mai Anh, lớp 12, tâm sự: “Từ khi tải về điện thoại di động, phần mềm giúp em ôn tập được mọi lúc mọi nơi, tiện lợi lắm”. Chẳng những học sinh mà giáo viên cũng sử dụng phần mềm để giảng dạy. Thầy Trần Huy Khoa tâm sự: “Tôi thường sử dụng phần mềm để ra đề kiểm tra trắc nghiệm 15 phút, 45 phút và bài kiểm tra thử THPT quốc gia để các em quen với dạng bài trắc nghiệm…”.

Một phần mềm hấp dẫn: Phần mềm được chia thành nhiều thư mục: thi trực tuyến, ôn tập và thư viện trực tuyến, từ điển hóa học… Mỗi thư mục giống như một quyển sách giáo khoa thu nhỏ về một chủ đề được tác giả chăm chút rất kỹ. Chẳng hạn như thư mục ôn tập và thư viện trực tuyến. Rất công phu, cả hai đưa vào từng loại hình ôn tập từng khối lớp 10, 11, 12 và thi THPT quốc gia. Đối với phần ôn tập theo từng khối lớp sẽ ôn theo từng chương. Trong mỗi chương có nhiều bài làm được sắp xếp theo các mức độ từ dễ đến khó, giúp người dùng hứng thú khám phá mức độ bài tập khi làm. Phần ôn tập THPT quốc gia được biên soạn theo từng chuyên đề. Đặc biệt ở mỗi phần ôn tập đều có đường link liên kết với phần lý thuyết tương ứng ở thư viện trực tuyến. Riêng thư mục “chức năng giải bài tập” gồm đủ cả từ bài tập trắc nghiệm, 1.500 phương trình chuỗi phản ứng hóa học, nhận biết các chất hóa học. Kế đến là bài tập tự luận. Các dạng bài tập tương ứng với từng phương pháp có hướng dẫn giải…Nhằm tạo không khí sổi nôi nên phần “thi trực tuyến” được chia làm nhiều vòng thi, mỗi vòng thi gồm bài thi lý thuyết, bài thi tính toán và điền đáp án. Các câu hỏi được lấy ngẫu nhiên trong thư viện câu hỏi của vòng thi đó. Mỗi câu hỏi đều có thang điểm và ngắt kết thúc khi hết thời gian quy định. Người chơi có thể lưu điểm để chơi tiếp. Đồng thời để tăng thêm phần hấp dẫn, phần này có hệ thống xếp hạng điểm số cho thành viên khiến trò chơi thu hút rất nhiều người chơi…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : hóa họcphần mềmwebsite

Các tin liên quan đến bài viết