Nhiều tập đoàn, DN lớn trong nước bắt đầu “thấm” những điểm hạn chế của Nghị định 20, nhất là quy định về “khống chế chi phí lãi vay được trừ”. Các chuyên gia cho rằng, một số quy định của Nghị định 20 đã không tính toán kỹ đến hậu quả phát sinh. Thậm chí, đến Tổng cục Thuế – cơ quan soạn thảo Nghị định này – cũng lúng túng khi bị DN “hỏi xoáy”.
Bất cập đã được dự báo
Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 24/02/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết. Tuy nhiên, trong Nghị định này lại quy định về việc khống chế lãi tiền vay không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ (tức lợi nhuận thuần trước chi phí lãi và khấu hao) áp dụng cho tất cả khoản vay từ bên liên kết hay bên độc lập và ngân hàng.
Việc đưa quy định này vào trong Nghị định về giao dịch liên kết đã gây ra rất nhiều vướng mắc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam.
Chính vì thế, hàng loạt DN nhà nước, tập đoàn kinh tế lớn đã phải “kêu trời” vì quy định bất hợp lý như kể trên.
Tập đoàn Điện lực đã phải có văn bản không đồng tình với việc khống chế chi phí lãi vay được trừ tại Nghị định 20. |
Là một trong những chuyên gia đầu tiên lên tiếng về bất hợp lý của Nghị định 20 ngay từ khi vừa ban hành, ông Chung Thành Tiến, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, cho hay diễn biến bây giờ đúng như những gì ông lo ngại.
Ông Chung Thành Tiến cho biết: “Trong quá trình làm việc và giảng dạy cho DN, phần lớn họ không biết đến các quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ này. Khi tôi nói ra, thì hàng loạt chi phí DN đã đưa vào, không để ý Nghị định 20 kiểm soát chi phí lãi vay của họ nên họ vẫn đưa vào. Khi quyết toán thì cơ quan thuế có ý kiến ngay. Mấy tháng nay thì DN bắt đầu thấm các quy định tại Nghị định 20. Cán bộ thuế xuống rà lại và nói rằng các chi phí DN đưa vào không được tính trong chi phí được trừ, cho nên cơ quan thuế đã loại ra và khiến DN đứng trước nguy cơ bổ sung thêm tiền thuế”.
“Trường hợp này nhiều lắm, nhất là các DN, tập đoàn lớn”, ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến chia sẻ: Trước đây tôi đã nói quy định khống chế chi phí lãi vay này không khuyến khích DN mở rộng đầu tư. Giờ DN đầu tư thì làm sao họ có thể trả được chi phí lãi vay khi chưa có doanh thu. Toàn bộ chi phí lãi vay chắc chắn vượt qua 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ. Nếu như vậy, 1 đồng lãi vay thì DN cũng bị vượt so với quy định vì làm sao DN đã có doanh thu, phát sinh thêm biết bao nhiêu lãi vay thì bị loại bỏ, không được trừ.
Thực tế, như kiến nghị của một DN đầu tư dự án vui chơi giải trí với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng nọ, thì nguồn vốn đầu tư của họ là nguồn vốn từ các cổ đông đóng góp, huy động từ các DN về động từ các đối tác có quan hệ liên kết vay từ các tổ chức tín dụng. Những năm đầu việc thu hút khách hàng tuy đã đạt kết quả hơn mong đợi nhưng do chỉ vì chủ yếu từ vốn vay, phải trả với lãi suất cao nên Công ty chưa lãi để có thể thực hiện như quy định ở Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
Như vậy, khi công ty có EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao) âm thì không tính được mức khống chế chi phí lãi vay và có thể hiểu toàn bộ chi phí vay của DN sẽ không được chấp nhận.
Bà Hương Vũ, Phó Tổng Giám đốc Ernst&Young Việt Nam – công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ kiểm toán, thuế, giao dịch tài chính và tư vấn từng khẳng định cách áp dụng như vậy là không hợp lý. Bởi vì các DN mới thành lập thường cần vài năm mới có thể đi vào sản xuất ổn định và có lãi. Ngay cả các DN đang hoạt động cũng có thể rơi vào tình trạng lỗ khi tình hình thị trường biến động và các rủi ro vĩ mô khác.
Nếu không chấp nhận toàn bộ chi phí lãi vay của DN thì vô hình trung cơ quan quản lý đang nhìn nhận lý do duy nhất DN có EBITDA âm là do giá chuyển nhượng, hay không thừa nhận sự tồn tại của rủi ro trong kinh doanh.
Việc chống chuyển giá là rất phức tạp, khống chế chi phí lãi vay được trừ ảnh hưởng đến nhiều DN trong nước. |
Đến cơ quan thuế cũng lúng túng
Cách đây không lâu, một DN kế toán – kiểm toán đã gửi những băn khoăn về Nghị định 20 đến Tổng cục Thuế để đề nghị trả lời. Trong đó, có nội dung tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay cộng chi phí khấu hao trong kỳ (EBITDA) nhỏ hơn hoặc bằng 0… thì xác định chi phí lãi vay được trừ như thế nào.
DN này không khỏi ngạc nhiên và thẫn thờ khi nhận được hồi đáp của Tổng cục Thuế. Tổng cục Thuế nói rằng: Đối với những vướng mắc phát sinh liên quan đến thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị định số 20, hay trường hợp tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay cộng chi phí khấu hao trong kỳ (EBITDA) nhỏ hơn hoặc bằng 0… thì xác định chi phí lãi vay được trừ như thế nào thì đây là những nội dung vượt thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Thuế.
“Do đó, Tổng cục thuế ghi nhận kiến nghị của các đơn vị để báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính Phủ xem xét giải quyết và có hướng dẫn chung để cộng đồng doanh nghiệp biết và thực hiện”, nguyên văn trả lời của Tổng cục Thuế.
Ông Chung Thành Tiến cho biết cảm thấy khó hiểu khi Tổng cục Thuế trả lời như vậy vì Tổng cục Thuế chính là đơn vị soạn thảo Nghị định 20.
Đó là chưa kể Nghị định 20 còn không tương thích với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Luật này chỉ nêu Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo những điều đã được Luật quy định. Việc ban hành Nghị định đưa thêm những nội dung mới không có trong Luật về việc chi phí được trừ là chưa phù hợp.
Cụ thể, việc quy định khống chế chi phí được trừ đối với lãi vay không vượt quá 20% lợi nhuận trước chi phí lãi, khấu hao áp dụng cho toàn bộ các khoản vay (từ bên liên kết và bên độc lập, ngân hàng thương mại) trong Nghị định 20 là một quy định hoàn toàn mới không được quy định tại Luật Thuế TNDN. Điều này là chưa phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13. Cho nên, quy định này tại Nghị định 20 là chưa phù hợp với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành nên không có cơ sở để thực hiện theo quy định này.
Mục tiêu ban đầu của quy định này là nhằm hạn chế việc chuyển thu nhập của các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng Tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ/quốc gia có thuế suất thuế TNDN thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp.
Thế nhưng, việc áp dụng quy định này vô tình cản trở sự phát triển của các Doanh nghiệp, Tập đoàn trong nước, làm suy yếu sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt nam, dẫn đến các doanh nghiệp Việt nam (doanh nghiệp nội) thường “thua ngay trên sân nhà” khi tham gia các dự án có quy mô vốn lớn tại Việt Nam phải thực hiện đấu thầu quốc tế.
Việc một loạt DNNN, các tập đoàn lớn phản ứng mạnh mẽ với Nghị định 20 thời gian vừa qua đã cho thấy quy định tại Nghị định 20 ảnh hưởng lớn như thế nào đến sức khỏe DN.
Nguồn: vietnamnet