Bộ Công thương vừa có văn bản gởi Thủ tướng đề xuất được hướng dẫn một số nội dung nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg, sau khi Bộ này tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp bày tỏ việc lúng túng trong cách thực hiện, tổ chức sản xuất.

Doanh nghiệp lúng túng cách hoạt động sau chỉ thị cách ly xã hội - Ảnh 1.

Sản xuất giấy ăn của một doanh nghiệp tại KCN Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) 

Theo Bộ Công thương, sau khi Chỉ thị 16 có hiệu lực, thực tế ghi nhận người dân các địa phương đã tuân thủ nghiêm túc các quy định về việc thực hiện cách ly và hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một số vấn đề mà doanh nghiệp và người lao động còn lúng túng trong việc nắm bắt để thực hiện, đặc biệt là trong việc tổ chức sản xuất ở các ngành thuộc nhóm sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, hoặc áp dụng thực hiện quy định về khoảng cách tối thiểu đối với các lao động tham gia sản xuất…

Cụ thể, Bộ đã nhận được nhiều phản hồi từ các doanh nghiệp và một số cơ quan có liên quan về quy định “yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác”.

Các doanh nghiệp cho rằng, trường hợp doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, nhưng không thuộc loại hàng hóa thiết yếu thì có buộc phải yêu cầu người lao động ở nhà, không đến cơ sở sản xuất, kinh doanh hay không?

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp vẫn phải tiến hành hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh để sản xuất hoặc tiêu thụ, nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, hay vận chuyển hàng hóa để xuất khẩu từ các cảng biển, nên nhu cầu di chuyển trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nguyên tắc cách ly như Chỉ thị 16 đề cập.

Chưa kể, các doanh nghiệp cũng cho hay việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiến hành giao tiếp, làm việc khi sản xuất tại nhà máy, phân xưởng là rất khó.

Hoặc yêu cầu “không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng” nếu áp dụng đối với lao động bốc xếp hàng hóa ở các cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, bến bãi logistics… sẽ rất khó áp dụng trong thực tế, ảnh hưởng lớn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp…

Do đó, để thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, vừa bảo đảm mục tiêu phòng chống dịch bệnh, vừa không gây đình trệ sản xuất kinh doanh, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ có văn bản “hướng dẫn, làm rõ, cụ thể hóa việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại Chỉ thị số 16/CT-TTg”, từ đó làm cơ sở thông tin đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng các đối tác của doanh nghiệp Việt Nam được rõ cho quá trình hoạt động, sản xuất một cách thông suốt trong thời gian tới.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bộ công thươngcách ly xã hộidoanh nghiệphàng hóa thiết yếuxuất nhập khẩu

Các tin liên quan đến bài viết