Bức tranh kinh doanh trong quý 2 và nửa đầu năm 2021 của nhiều doanh nghiệp dược phẩm có phần đối lập, nơi vẫn ghi nhận lãi ròng tăng trưởng, chỗ khác lại sụt giảm mạnh với lý do đại dịch.
Trong số 18/61 doanh nghiệp dược phẩm đã công bố báo cáo tài chính quý 2-2021, tương đương 66% vốn hóa của ngành, mức tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 17,6% và 8,5% (theo Fiintrade).
Đối mặt với đại dịch COVID-19, kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp dược có phần khác biệt.
Sở hữu hai nhà máy đạt chuẩn EU-GMP, có khả năng sản xuất thuốc chất lượng cao cho kênh bệnh viện, thay thế nhiều loại thuốc nhập khẩu mắc tiền, Dược phẩm Imexpharm (mã chứng khoán IMP) là gương mặt có tiếng trên thị trường.
Theo báo cáo tài chính quý 2-2021, doanh nghiệp dược của vùng đất sen Đồng Tháp ghi nhận hơn 317,4 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp lãi sau thuế 49,3 tỉ đồng, tăng nhẹ 4,3%.
Lũy kế nửa đầu năm 2021, Imexpharm lãi ròng sau thuế 91,2 tỉ đồng, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021 cũng tròn 20 năm Imexpharm trở thành doanh nghiệp dược đầu tiên trong Tổng công ty Dược VN cổ phần hóa.
Thầy thuốc nhân dân Trần Thị Đào (tổng giám đốc Imexpharm) chia sẻ tại báo cáo thường niên 2020: “Mặc dù hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam đã có vắc xin, tình hình dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng lớn và gây ra nhiều khó khăn cho năm 2021. Tình hình ngành dược cũng sẽ có nhiều thách thức đi cùng với cơ hội. Xu thế M&A sẽ diễn ra trong ngành dược Việt Nam năm tới”.
Mới đây, một quỹ liên quan đến SK Group – tập đoàn đa ngành lớn bậc nhất Hàn Quốc – vừa mua thêm cổ phiếu IMP để tăng lên 29,42% tỉ lệ sở hữu.
Trong quý 2, Dược phẩm trung ương I – Pharbaco (PBC) cũng đón nhận niềm vui khi đạt doanh thu thuần hơn 256,3 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 12,3 tỉ đồng, tăng lần lượt hơn 50% và 124% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã đạt 476 tỉ đồng doanh thu thuần (tăng 26,7% so với cùng kỳ). Chỉ trong nửa đầu năm nay Pharbaco lãi sau thuế 26,6 tỉ đồng (tăng 291%), gấp 2,7 kế hoạch đề ra cho cả năm.
Pharbaco có vốn điều lệ 900 tỉ đồng, đứng thứ nhì ngành, chỉ sau Dược Hậu Giang (DHG).
Theo Fitch Solutions, trong năm 2021 ngành dược phẩm Việt Nam sẽ phục hồi, tăng 8,7%, khiêm tốn so với giai đoạn 2010-2019.
Ngành dược Việt Nam khó tăng đột phá vì nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc đến 90% vào nhập khẩu, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 80% nguồn cung. Đại dịch ập đến khiến thách thức tăng lên.
Tổng kết quý 2-2021, Dược phẩm OPC (OPC) đạt doanh thu 194,4 tỉ đồng, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lãi sau thuế của OPC lại bị giảm hơn 20%, xuống 16,9 tỉ đồng.
OPC cho biết lợi nhuận giảm là do chi phí phát sinh tăng vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Lũy kế nửa đầu năm nay, OPC lãi ròng sau thuế 53,7 tỉ đồng, nhích nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dược phẩm OPC tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm trung ương 26, thành lập từ cuối năm 1977, trên cơ sở sáp nhập từ 8 viện bào chế tư nhân tại TP.HCM trước đây.
Vào năm 1994, đây là đơn vị xuất khẩu mạnh nhất trong Tổng công ty Dược Việt Nam với kim ngạch đạt 1,4 triệu USD, góp phần đưa Cao sao vàng tới 15 nước trên thế giới.
Thuốc trị sỏi thận Kim Tiền Thảo, Sâm qui đại bổ, Cao ích mẫu… là những sản phẩm quen thuộc gắn liền với tên tuổi OPC.
Cùng ngành, Dược phẩm trung ương CPC1 (DP1) là doanh nghiệp nhà nước hạng 1, tiền thân là “Quốc doanh Y dược phẩm trung ương” ra đời năm 1956.
Trong quý 2-2021, công ty mang về doanh thu 483,7 tỉ đồng, lãi sau thuế 10,5 tỉ đồng, lần lượt tăng 6,3% và 9% so với cùng kỳ năm trước. Song biên lợi nhuận gộp điều chỉnh giảm từ mức 15% về 13%.
Lũy kế nửa đầu năm nay, DP1 đạt doanh thu 902,2 tỉ đồng, giảm 8,5% so với nửa đầu năm trước. Dù vậy doanh nghiệp vẫn gặt hái 20,9 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng gần 7%.
Dù khó khăn nhưng dư địa phát triển còn lớn, BMI dự báo doanh thu thị trường dược phẩm Việt Nam đạt 7,7 tỉ USD vào năm 2021 và 16,1 tỉ USD năm 2026, tăng 10,6%/năm.
Nguồn: tuoitre.vn