Buôn bán hàng trong sân bay như đồ ăn, nước uống, quà tặng, phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Quốc, Đà Nẵng… nhiều doanh nghiệp dịch vụ phi hàng không đã báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2022.
Bùng nổ nhu cầu đi lại nội địa và hàng không quốc tế khôi phục, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, phòng chờ thương gia… bắt đầu “sống khỏe” với lợi nhuận tăng vọt.
CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất – Sasco công bố báo cáo tài chính tổng hợp quý 2-2022 với doanh thu thuần đạt gần 296 tỉ đồng, tăng 216% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trong kỳ đạt gần 84 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, Sasco lỗ gần 14,5 tỉ đồng. Đây là mức lãi cao nhất tính theo quý kể từ năm 2019.
Tương tự, CTCP Dịch vụ hàng không Taseco là doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay Việt Nam với hơn 100 cửa hàng, chủ yếu ở sân bay Nội Bài và Đà Nẵng, cũng đã bắt đầu báo lãi sau 2 năm ghi nhận lỗ.
Ông Lê Anh Quốc – tổng giám đốc Taseco Airs – cho biết đã xây dựng kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu là 632,7 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế là 23,5 tỉ đồng, tăng mạnh so với thực hiện năm ngoái.
Được nhìn nhận là “đối thủ” với Sasco, Taseco cho hay tập trung đấu thầu, mở rộng điểm kinh doanh mở các sân bay, thậm chí đẩy mạnh mua bán sáp nhập (M&A) các đơn vị cùng ngành có triển vọng.
Điểm chung của hai doanh nghiệp trên là kinh doanh dịch vụ ăn uống với các chuỗi nhà hàng bán phở, cà phê, nước uống và phòng chờ trong sân bay. Ngoài ra, còn kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng… tăng thêm nguồn thu.
Vì nhiều lý do, giá bán các loại mặt hàng trong sân bay cao hơn 30 – 50% so với bên ngoài. Như một chai nước suối bán 10.000 đồng nhưng vào sân bay ít nhất 30.000 – 50.000 đồng/chai, tô phở 30.000 – 40.000 đồng nhưng hệ thống Sasco, Taseco bán giá 90.000 – 130.000 đồng/tô.
Không chỉ dịch vụ phi hàng không, Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) – bắt đầu “bừng tỉnh” khi các chuyến bay quốc tế trở lại ngày càng nhộn nhịp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo SAGS, cho hay đến thời điểm tháng 7, công ty đã hoàn thành gần 60 – 70% kế hoạch năm, có lãi hàng chục tỉ đồng.
Theo tiết lộ, phục vụ cho một chuyến bay quốc tế, doanh thu cao gấp 2 – 3 lần so với chuyến bay quốc nội. Phục vụ hơn 50 hãng bay quốc tế, sự trở lại của các hãng bay ngoại sẽ là điểm tựa để doanh nghiệp bừng tỉnh, tốc độ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Trong khi các doanh nghiệp “ăn theo” các hãng bay tưng bừng báo lãi, Vietnam Airlines vẫn đặt kế hoạch lỗ ròng 9.335 tỉ đồng trong năm 2022, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước.
Nguồn: tuoitre.vn