Đọc thông tin một công ty dệt may lớn từng có gần 4.000 nhân sự nay phải cắt giảm chỉ còn 37 người mà không khỏi chạnh buồn.
Ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn
Và không chỉ ngành dệt may, tình hình khó khăn đang bủa vây hầu hết những người kinh doanh, đặc biệt với những người kinh doanh nhỏ, vốn nhỏ, khách hàng mới…
Với các ngành dịch vụ như nhà hàng – khách sạn – cà phê thì lượng khách vẫn chỉ bằng khoảng 70% của năm 2022. Khó khăn trở lại sau dịch COVID-19, mọi kế hoạch marketing, chạy sales… năm nay đều không đạt. Mùa Trung thu, mùa chay, mùa lễ hội cũng chưa ăn thua…
Chúng tôi làm ngân sách cùng doanh nghiệp mới thấy gánh nặng thực sự khi dòng tiền vào không đủ, mà dòng tiền ra cứ tăng đều vì tăng lương, tăng bảo hiểm, tăng kiểm tra, rà soát…
Với các công ty trong ngành công nghệ thì các năm dịch COVID-19 là những năm phát triển vì nhà nhà phải mua đồ và cập nhật công nghệ, nhưng sau dịch COVID-19 lại là thời gian thoái trào, giảm bớt dịch vụ, cắt giảm nhân sự của các công ty IT, outsourced.
Thông tin về các trường mầm non tư thục lần lượt đóng cửa, sang tên… Các chủ trường gặp nhau tìm hướng gỡ khó và ai cũng hỏi nhau: “Năm nay không hiểu trẻ đi đâu hết?”. Hóa ra trẻ trên 3 tuổi thì về trường công có Nhà nước lo bớt chi phí, trẻ dưới 3 tuổi thì cha mẹ không có công việc ổn định nên làm part-time ở nhà nuôi con.
Một trường ở cạnh trường con tôi học tại quận 7 (TP.HCM) đóng cửa vào cuối tháng 10 này và một trường khác cũng đang cân nhắc đóng vì số trẻ từ 80 về chưa tới 40, không đủ trang trải chi phí giáo viên và quản lý.
Một doanh nghiệp chuyên làm nhà ở cho sinh viên khiến chúng tôi choáng váng khi biết họ phải vay nóng để duy trì dòng tiền cho doanh nghiệp. Lãi suất lên đến 5-6%/tháng vẫn phải cắn răng vay để nuôi sống giấc mơ nhiều ngôi nhà/ký túc xá cho sinh viên.
Mà đâu chỉ khó ở thị trường, ở vốn, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó bởi nhiều thứ khác.
Các cơ quan thuế thì liên tục chạy phần mềm, tìm kiếm doanh nghiệp bỏ trốn (doanh nghiệp không tiếp tục hoạt động, không kê khai thuế thì sau một thời gian cũng thành bỏ trốn), yêu cầu toàn bộ các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn đầu vào phải loại trừ, kê khai lại thuế, yêu cầu chủ doanh nghiệp đi giải trình…
Cơ quan bảo hiểm thì yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các nhân sự không đóng bảo hiểm. Nếu các cá nhân sau dịch chọn làm casual, part-time nhiều thì năm nay doanh nghiệp tha hồ giải trình.
Doanh nghiệp có nhân sự nước ngoài nộp work permit mãi không có thì cũng sẽ bị giải trình lý do tại sao có trả lương mà không chịu đóng bảo hiểm. Hỡi ơi… chủ doanh nghiệp lo kinh doanh chưa nổi mà suốt ngày phải lo đi giải trình (!).
Hao hụt thời gian của doanh nghiệp và không tập trung được vào công việc chính, mất tập trung và không có nguồn vốn hỗ trợ.
Tôi gặp khách hàng, chủ doanh nghiệp nào cũng bảo “sao nói trên tivi hay vậy mà thực tế khó khăn quá em ơi. Năm 2024, anh chị nên làm ngân sách thế nào đây? Thật khó cho doanh nhân và doanh nghiệp quá”.
Kể lể như vậy để thấy doanh nghiệp đang có hàng trăm nỗi lo và khó khăn chồng chất. Chỉ còn hai tháng nữa là bước sang năm mới 2024.
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp đang rất cần có cái nhìn cảm thông, chia sẻ và cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa để họ gượng dậy và đi tới…
Nguồn: tuoitre.vn