“Chúng tôi sẽ đưa điều kiện chọn kênh quảng cáo sạch, sẽ chỉ đồng ý hiển thị quảng cáo trên các kênh được phép. Điều này giúp bảo vệ hình ảnh doanh nghiệp, người tiêu dùng biết đến sản phẩm qua các kênh lành mạnh”
Doanh nghiệp chủ động kiểm duyệt, chọn kênh sạch
Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) mới đây công bố bản danh sách “White list” và “Black list” sử dụng cho hoạt động quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội.
Theo khảo sát trên mạng xã hội Youtube, một số video có một số nội dung xấu đã không còn hiển thị quảng cáo nhãn hàng Việt Nam. Trên một kênh Youtube có nội dung không lành mạnh dành cho trẻ em, không còn tình trạng nhãn hàng quảng cáo tại đây. Trước đó, một số quảng cáo của Shopee, Lazada,… từng xuất hiện tại các video này.
Một kênh khác liên quan tới nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, các nhãn hàng L’Oréal, Mirinda và Boss Coffee từng xuất hiện trên video của kênh này hiện đã được gỡ bỏ. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính với Công ty TNHH truyền thông MMS Việt Nam, đơn vị đặt sản phẩm quảng cáo vi phạm.
Nhiều doanh nghiệp đã khẳng định việc nói “không” với quảng cáo trên các kênh có nội dung xấu độc.
Theo đại diện Masan, các nhãn hàng của doanh nghiệp chạy quảng cáo thường xuyên, phủ sóng trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Doanh nghiệp có đội marketing quảng cáo, kiểm soát chặt các nội dung này. Khi các chiến dịch quảng cáo video trên mạng xã hội đều có kiểm duyệt, đo lường. Bộ phận kiểm duyệt kiểm tra sát sao các chiến dịch quảng cáo video, KOL, KOC,…
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Vũ Việt Đức, đại diện thương hiệu Message Coffee, chia sẻ, việc cơ quan chức năng phân loại “White list” và “Black list” là cơ sở để các đơn vị, chủ nhãn hàng đàm phán với công ty quảng cáo (agency) để chọn kênh quảng cáo sạch trước khi đặt bút ký hợp đồng.
“Chúng tôi sẽ đưa điều khoản vào hợp đồng khi ký kết dịch vụ quảng cáo. Điều kiện là doanh nghiệp sẽ chỉ đồng ý hiển thị quảng cáo trên các website, kênh được phép. Điều này giúp bảo vệ hình ảnh của doanh nghiệp, đồng thời, người tiêu dùng biết đến sản phẩm qua các kênh truyền thông chính thống”, ông Đức nói.
Danh sách “White list” và “Black list” từ cơ quan quản lý giúp doanh nghiệp lựa chọn đúng kênh để quảng cáo. Điều này không chỉ bảo vệ nhãn hàng mà chính là bảo vệ chính tên tuổi của doanh nghiệp.
Bảo vệ thương hiệu trước bùng nổ của mạng xã hội.
Đồng quan điểm, theo đại diện Lazada, việc chạy quảng cáo được thực hiện thông qua hợp đồng với các công ty quảng cáo/chủ quản mạng lưới lớn trên thế giới và trong nước, trong hợp đồng đều có điều kiện thỏa thuận, yêu cầu họ không đưa hình ảnh quảng cáo lên các trang web có nội dung xấu, không lành mạnh…
Lazada đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác (công ty quảng cáo/chủ quản mạng lưới lớn) để đảm bảo trải nghiệm an toàn trên Internet cho người dùng. Những đối tác không tuân thủ quy định pháp luật cũng như quy chế, chính sách của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ có chế tài xử lý tùy từng trường hợp cụ thể.
Ông Nguyễn Đức Khánh, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Cổ phần thương mại Đồng Tiến (Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp thường có chiến dịch quảng bá sản phẩm, bán hàng trên các nền tảng xã hội. Doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về quảng cáo.
Với danh sách mới đây của Bộ TT&TT giúp cho doanh nghiệp có cơ sở để triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu một cách hiệu quả hơn. Doanh nghiệp ưu tiên sử dụng các kênh quảng cáo chính thống của Việt Nam, với tinh thần ủng hộ các kênh truyền thông trong nước.
Hướng đi đúng
Với vai trò là đơn vị truyền thông quảng cáo, ông Nguyễn Quang Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần Dòng chảy Phương Nam đánh giá, việc Bộ TT&TT công bố “White list” sẽ cắt đi dòng tiền quảng cáo cho các trang hoạt động lậu, nội dung “bẩn”, giúp doanh nghiệp tăng uy tín khi lựa chọn những trang thông tin tốt trong “White list”. Đây là động thái đáng hoan nghênh.
Đồng thời, các đại lý ở Việt Nam sẽ dễ dàng chọn lựa được các trang nội dung tốt “đã được xác thực” trên mạng để tiếp cận độc giả, phân phối quảng cáo hiệu quả. Trước đây, các đại lý thường nhầm lẫn trong việc đặt hàng quảng cáo với những trang web có lượng truy cập tốt nhưng lại chứa những nội dung độc hại, khai thác thông tin người dùng. Việc này làm tốn tiền của các nhãn hàng.
Những trang nội dung không được cấp phép thường nằm ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, quảng cáo trên các trang không được cấp phép làm cho ngành truyền thông mất đi số tiền không nhỏ, các website dạng này không được cấp phép, làm những nội dung “bẩn” mà chưa có chế tài xử phạt.
Ông Nguyễn Quang Tuân phân tích thêm, đối với những nhãn hàng, thương hiệu lớn, đa phần việc đấu giá quảng cáo, chọn website để phê duyệt chạy chiến dịch quảng cáo sẽ được chọn lựa thủ công.
Việc quảng cáo thường được các đội marketing chọn lựa kỹ, số liệu báo cáo được thể hiện trong hệ thống Google, việc chọn lựa danh sách website để quảng cáo hình thức hiển thị banner cũng đã được thiết lập sẵn. Tuỳ theo hiệu quả chiến dịch, hệ thống quảng cáo Google sẽ gợi ý những website có gắn mã quảng cáo của Google để chọn đầu tiên.
Một số website sẽ ưu tiên cho các quảng cáo của thương hiệu đặt mua trực tiếp (khách hàng doanh nghiệp) hoặc thông qua agency trong nước được chạy banner hiển thị đầu tiên, số lượng hiển thị dư thừa mới dùng hệ thống gọi đến quảng cáo Google, các website này sẽ tối ưu hoá được nguồn doanh thu.
Ngược lại, nếu website ưu tiên cho quảng Google thì các khách hàng doanh nghiệp trực tiếp sẽ chuyển chạy quảng cáo sang Google. Điều này dẫn đến, doanh thu quảng cáo trong nước kém hơn doanh thu quảng cáo của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hoặc doanh thu của hệ sinh thái Google.
“Còn đối với quảng cáo qua Youtube, những thương hiệu lớn làm qua các agency trung gian cũng được quyền chọn lựa, kiểm soát kênh nào được phép chạy, kênh nào có hiệu quả tương tác sẽ được gợi ý đầu tiên.
Youtube nằm trong hệ sinh thái quảng cáo Google nên việc phân phát quảng cáo cũng dùng phương pháp thủ công để chọn lựa, không thể có chuyện các agency hoặc nhãn hàng chưa duyệt mà Google có thể phát hành quảng cáo trên video Youtube”, Giám đốc Công ty cổ phần Dòng chảy Phương Nam nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Huế, nhà sáng lập và điều hành Sahi Agency, cho biết, việc quảng cáo gắn theo các video không kiểm soát là một rủi ro nghiêm trọng đối với doanh nghiệp, bởi đang vô tình đưa thương hiệu vào “ranh giới mong manh giữa quảng cáo sạch và quảng cáo bẩn”. Quảng cáo tại trên những nội dung xấu độc là doanh nghiệp tự rơi vào cái hố và chính họ là nạn nhân.
Bản danh sách “White list” và “Black list” sử dụng cho hoạt động quảng cáo là cơ sở để các đơn vị truyền thông cũng như doanh nghiệp có lựa chọn và hướng đi đúng trong thời đại thông tin số. Sử dụng kênh truyền thông chính thống trong nước cũng sẽ mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT): Kiểm tra sơ bộ, các doanh nghiệp đều đã áp dụng Black List. Với White List thì sẽ có độ trễ, bởi lẽ việc book quảng cáo phải có kế hoạch. Các đại lý quảng cáo cũng thông tin lại với chúng tôi là sẽ áp dụng trong thời gian tới. Hiện nay Cục rà quét hàng ngày để xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, nhãn hàng có hành vi quảng cáo trên các trang có nội dung thông tin xấu độc. “Thời gian qua, chúng tôi đã xử phạt nhiều doanh nghiệp để xảy ra tình trạng quảng cáo vào các nội dung xấu độc. |
Nguồn: vietnamnet