Giá gạo tăng đột biến gây khó khăn cho nguồn nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp chế biến bột và các sản phẩm sau gạo như hủ tiếu, phở, bánh phồng tôm… cầm chắc thua lỗ 20%.
Đóng gói hủ tiếu xuất khẩu
Giá sản phẩm theo không kịp giá gạo
Bà Mật Bích Khuầy – chủ cơ sở thực phẩm Phú Khang 2 (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) – cho biết đầu tháng 8, cơ sở của bà nhập gạo 504 giá 13.600 đồng/kg, hiện tại đã lên mức gần 15.000 đồng/kg.
Cơ sở chuyên sản xuất hủ tiếu, mì quảng, bánh đa cua, bún… sản lượng 3 tấn/ngày, ước gần 90 tấn/tháng, chuyên phân phối cho các doanh nghiệp tại TP.HCM xuất khẩu đi Pháp, Mỹ, Nhật… đơn hàng ký từ đầu năm, sản xuất đều đặn tới tháng 12.
“Trước mắt, tôi phải tự xoay trở nhiều giải pháp nhằm tối đa hóa chi tiêu đầu vào, vì trên 90% nguyên liệu sử dụng từ gạo. Giá gạo tăng đột ngột, cơ sở nhỏ không đủ nguồn chi phí, phải tiết kiệm tối đa, tăng năng suất lao động, đầu tư trang thiết bị, máy móc.
Giá gạo tăng kéo theo giá thành sản xuất, chi phí đầu vào đều tăng, mình vẫn phải làm để giữ khách hàng. Trường hợp khách lẻ, chúng tôi sẽ thỏa thuận tăng giá vài phần trăm, nhưng phải có độ trễ, không thể tăng đột ngột theo giá gạo”, bà Khuầy nói thêm.
Đóng gói sản phẩm sau gạo tại Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp)
Cầm chắc thua lỗ 20% đơn hàng xuất khẩu
Ông Phạm Thanh Bình – tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi (tỉnh Đồng Tháp) – cho biết công ty chuyên xuất khẩu các sản phẩm sau gạo đi nhiều nước trên thế giới, trong đó 80% bánh phồng tôm đi châu Âu, phở xuất đi Nhật, Hàn, Pháp, Mỹ…, mỗi tháng công ty sản xuất 900 tấn sản phẩm sau gạo, trong đó có 300 tấn bột.
“Đầu tháng 8-2023, tôi thương lượng thu mua 100 tấn gạo 504 giá 12.000 đồng/kg, trong khi còn chưa quyết thì hôm sau giá đã tăng lên 13.700 đồng/kg, đến ngày tiếp theo tôi mới quyết định mua thì giá đã tăng 14.800 đồng/kg, nhưng đối tác thông báo hết hàng, gạo Hàm Châu giá cũng tăng từ 13.000 đồng/kg lên 16.200 đồng/kg.
Trung bình giá gạo nguyên liệu tăng từ 3.000 – 3.500 đồng/kg tính từ đầu tháng đến nay, thì doanh nghiệp đã cầm chắc thua lỗ 20%, chưa tính chi phí sản xuất. Bán không có lời nhưng vẫn phải bán để giữ khách hàng, ổn định thị trường”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, không riêng thị trường gạo Việt Nam, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, các loại nguyên liệu nhập về giá đã tăng gần 100% như giá bột khoai tây và bột Hà Lan nhập khẩu giá tăng từ 22.000 đồng/kg lên 41.000 đồng/kg.
Mặc dù vậy, việc tiêu thụ sản phẩm chậm lại 25 – 30%, do tác động suy thoái ảnh hưởng sức mua. Giá sản phẩm phải tăng từ 5 – 11% mới bằng với giá gạo, có những sản phẩm phải 3 tháng sau mới tăng giá được, doanh nghiệp chịu lỗ.
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Vũ Minh – giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết vụ lúa hè thu toàn tỉnh đã xuống giống gần 185.000 ha, đang ở giai đoạn mạ, trổ chín. Vụ thu đông đã xuống giống hơn 90.000 ha/116.000 ha; tiếp tục xả lũ đối với các diện tích được cấp huyện đăng ký, nhằm cải tạo đất, vệ sinh đồng ruộng để giảm sâu bệnh.
Đồng thời, kiến nghị cần bổ sung nguồn vốn hoặc kiến nghị trung ương có chương trình tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa gạo, thúc đẩy xuất khẩu vì lúa gạo tăng cao, nhiều doanh nghiệp không đủ vốn để thu mua cho nông dân.
Nguồn: vietnamnet