Trước những lo lắng phải dừng hoạt động của nhiều doanh nghiệp chế biến cao su tại tỉnh Bình Phước nếu không thể đáp ứng yêu cầu về xả thải, chính quyền địa phương đã bắt đầu rà soát để tìm giải pháp cho vấn đề nước thải.
Xem xét để tháo gỡ cho doanh nghiệp
“Tỉnh Bình Phước không đánh đổi phát triển kinh tế với ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường cần kiểm tra, xem lại môi trường pháp lý, báo cáo lãnh đạo tỉnh để xem xét tháo gỡ cho doanh nghiệp”, đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước trong cuộc đối thoại mới đây với các doanh nghiệp.
Ông Võ Quang Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Thuận lợi đang lo lắng trước quy định về nước thải khiến Công ty của ông phải ngừng hoạt động.
Trước đó, ngày 5/4/2019, Báo Đầu tư đã có bài viết “Doanh nghiệp chế biến cao su tỉnh Bình Phước: Sốt xình xịch với án “buộc dừng hoạt động”, phản ánh hàng loạt doanh nghiệp chế biến mủ cao su tại tỉnh Bình Phước đứng ngồi không yên với tối hậu thư, “tất cả các nhà máy phải xử lý nước thải đạt cột A quy chuẩn Việt Nam mới được phép xả thải”.
Tại cuộc đối thoại trên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết, trước đây, rất nhiều người dân liên tục làm đơn kiến nghị về việc xả thải của các nhà máy chế biến mủ cao su. Tuy nhiên, xét về mặt đóng góp ngân sách cho địa phương của các doanh nghiệp khá lớn, nên UBND tỉnh đưa ra giải pháp: trong 3 năm, các doanh nghiệp phải cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn về nước xả thải cột A. Tới nay, sau 3 năm, các doanh nghiệp cũng có thực hiện, nhưng không thể đạt được, trong đó có một phần lý do là giá mủ cao su thế giới ảm đạm, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn thêm.
Trước bức xúc của doanh nghiệp chế biến về quyết định trên, ông Nguyễn Văn Lợi khẳng định, tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tính pháp lý. Nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cho doanh nghiệp chế biến cao su xả thải cột B, thì báo cáo lãnh đạo tỉnh để xem xét tháo gỡ cho các doanh nghiệp.
“Lãnh đạo tỉnh luôn mong muốn doanh nghiệp phát triển, nhưng cũng phải có cơ sở pháp lý để trả lời cử tri về việc hạ yêu cầu đối với nước thải cao su từ cột A xuống cột B”, ông Lợi nói và cho biết thêm, quan điểm thu hút đầu tư hiện nay là không đánh đổi phát triển kinh tế với ô nhiễm môi trường.
Vì lẽ đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đề nghị các doanh nghiệp chế biến mủ cao su cùng nhau bàn rõ, với nguồn lực hiện có, khoảng thời gian nào các doanh nghiệp này có thể hoàn chỉnh đầu tư hệ thống xử lý nước thải để đạt chuẩn cột A.
Thấp thỏm chờ giải pháp
Có thể thấy, tín hiệu tích cực từ cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Bình Phước và doanh nghiệp về vấn đề nước thải chế biến cao su đã phần nào làm hạ nhiệt “cơn sốt” của những doanh nghiệp chế biến cao su “buộc dừng hoạt động” với hy vọng về một giải pháp thấu đáo, vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Sáng 23/4/2019, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư qua điện thoại, ông Lê Hoàng Lâm, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước cho biết, sở này đang làm báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh để tìm giải pháp cho vấn đề nước thải cao su.
Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Võ Quang Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Thuận Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước cho biết, từ sau cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh Bình Phước tới nay đã hơn 2 tuần, các doanh nghiệp chế biến cao su vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vấn đề nước thải cao su. Sở sẽ thông tin lại cho Báo Đầu tư khi tỉnh có quyết định về vấn đề này.
“Doanh nghiệp đang thấp thỏm trông chờ một giải pháp cụ thể từ tỉnh Bình Phước. Hy vọng, tỉnh Bình Phước sẽ không vô cảm trước đơn kêu cứu từ cộng đồng doanh nghiệp”, ông Thuận nói và bày tỏ sự bất an vì mùa vụ chế biến cao su mới đang cận kề.
Tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/3/2017, Tỉnh uỷ Bình Phước đề ra mục tiêu đến hết năm 2017, “100% các cơ sở chế biến cao su, tinh bột mì có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo cột A của QCVN (quy chuẩn Việt Nam) theo quy định”. Sau đó, địa phương này gia hạn thời gian hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt cột A của các nhà máy chế biến cao su đến hết năm 2018. |