Trong bối cảnh TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam tiếp tục giãn cách thêm 14 ngày, 2 doanh nghiệp bưu chính lớn đều có phương án để đảm bảo nguồn thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân các địa phương.

Tìm kiếm thêm nguồn cung thực phẩm, nhu yếu phẩm chất lượng

Kể từ trung tuần tháng 7, sau khi Bộ TT&TT phê duyệt kế hoạch bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội, bên cạnh sự đóng góp chủ lực của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), đã có thêm nhiều doanh nghiệp bưu chính tham gia kế hoạch như: Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, Lalamove, Supership, Proship, Thuận Phong…

Doanh nghiệp bưu chính bổ sung nguồn hàng thiết yếu phục vụ các tỉnh kéo dài giãn cách
Đến hết ngày 2/8, tại 24 địa phương đang giãn cách, các doanh nghiệp đã thiết lập 3.764 điểm, tăng 3 địa phương và tăng gần 1.800 điểm so với ngày 23/7.

Từ ngày 1/8, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM cùng 18 tỉnh, thành phía Nam khác đã tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày.

Đại diện Vietnam Post cho biết, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng ngoài nhiệm vụ duy trì mạng bưu chính công cộng đảm bảo thông tin liên lạc xuyên suốt, chuyển phát hàng hóa, VietnamPost đã lên kế hoạch đảm bảo nguồn hàng thiết yếu tại địa phương.

Vietnam Post đang duy trì tiếp các điểm bán bình ổn và phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành để hỗ trợ cung ứng hàng hóa. Song song đó, chủ động xây dựng và báo cáo Bộ TT&TT về kế hoạch đảm bảo nguồn hàng hàng thiết yếu tại các tỉnh, thành phố.

Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc báo cáo cụ thể kế hoạch với UBND tỉnh, thành phố để nhận được sự hỗ trợ, đồng hành trong việc thực hiện kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu”, đại diện Vietnam Post chia sẻ.

Với Viettel Post, theo Giám đốc chiến lược Cao Cẩm Linh, trong bối cảnh TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục giãn cách 14 ngày, với các quy định về luồng vận chuyển hàng hóa không thay đổi, doanh nghiệp vẫn duy trì phương thức vận hành như hiện tại.

Thị trường cung ứng hàng hóa thiết yếu đang được đáp ứng đủ cả hai đầu cung và cầu. Nếu thị trường xuất hiện bất kỳ thiếu hụt nào, chúng tôi vẫn có thể vận hành trơn tru nhờ các công tác chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu”, bà Linh cho hay.

Sàn Vỏ Sò đang tìm kiếm các nguồn cung thực phẩm, nhu yếu phẩm chất lượng với chi phí hợp lý, đồng thời nghiên cứu các kịch bản vận hành mới để dự phòng cho trường hợp nguồn cầu tăng cao, cũng như quy định về giãn cách tại các địa phương siết chặt hơn.

Mở thêm gian hàng bán thực phẩm, nhu yếu phẩm trên sàn

Cả 2 doanh nghiệp bưu chính lớn đều cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh bán hàng hóa thiết yếu trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò.

Hiện VietnamPost lên phương án phối hợp với một số đối tác để đẩy mạnh bán hàng, tiếp nhận đơn hàng hóa thiết yếu qua điện thoại, sàn Postmart và tổ chức bưu tá chuyển phát đến tận địa chỉ người dân yêu cầu để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Doanh nghiệp bưu chính bổ sung nguồn hàng thiết yếu phục vụ các tỉnh kéo dài giãn cách
Các sàn Vỏ Sò, Postmart đang cung cấp khoảng 4.500 mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Trong khi đó, sàn Vỏ Sò của Viettel Post đang làm việc với các nhà cung cấp để mở thêm nhiều gian hàng bán thực phẩm, nhu yếu phẩm đa dạng. Viettel Post và sàn Vỏ Sò còn kiện toàn bộ máy vận hành để đảm bảo mỗi ngày cung ứng khoảng 300 tấn hàng thiết yếu trên toàn quốc.

Trả lời băn khoăn của nhiều người về việc làm cách nào quản lý đội ngũ bưu tá tại các địa phương đang giãn cách, đại diện lãnh đạo Vietnam Post, Viettel Post khẳng định 2 doanh nghiệp đã và đang sử dụng các giải pháp công nghệ để quản lý bưu tá, góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch

Cụ thể, trước khi vào ca, 100% bưu tá Viettel Post tại Hà Nội và TP.HCM phải đo nhiệt độ, sát khuẩn tay, khai y tế qua tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Bluezone. Sau đó, chụp và gửi lại thông tin cho Trưởng bưu cục. Việc kiểm tra đầy đủ trang thiết bị trước khi đi khai thác và giao hàng cũng được thực hiện nghiêm ngặt.

Đặc biệt, trong thời gian bưu tá làm việc, Viettel Post có các ứng dụng nội bộ hỗ trợ theo dõi quãng đường đi, lượt khách hàng tiếp xúc của bưu tá. “Thông tin này nhằm giúp chúng tôi có thể kiểm soát được phạm vi hoạt động của bưu tá, cũng như dùng để phục vụ công tác phòng chống dịch khi cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp”, đại diện Viettel Post chia sẻ.

Trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM, Bưu điện 2 thành phố đang dùng ứng dụng phát Ding Dong dành cho bưu tá và phần mềm điều tin PacknSend. Các ứng dụng này đều được đồng bộ với hệ thống dữ liệu thông tin tập trung.

Mọi trạng thái, chỉnh sửa hay những thay đổi về khu vực hạn chế phát hay tình hình phát hàng đều được cập nhật nhanh chóng và kịp thời nhất theo thời gian thực, giúp nắm bắt được tiến độ phát hàng.

Doanh nghiệp bưu chính bổ sung nguồn hàng thiết yếu phục vụ các tỉnh kéo dài giãn cách
Trong thời gian bưu tá làm việc, Vietnam Post và Viettel Post đều có các giải pháp công nghệ hỗ trợ theo dõi quãng đường đi, lượt khách hàng họ tiếp xúc.

Trước đó, Vietnam Post đã xây dựng “Hệ thống báo cáo điều hành thông minh từ cấp Tổng công ty đến bưu cục” để hỗ trợ công tác điều hành, quản lý xuyên suốt mọi hoạt động.

Qua nền tảng trên, Vietnam Post có thể nắm bắt được tình hình kinh doanh của mỗi bưu cục từ sản lượng, doanh thu, công nợ đến năng suất làm việc của mỗi nhân viên, bưu tá theo từng ngày, thậm chí là từng giờ để có phương án điều hành, quản lý cụ thể.

Số liệu tổng hợp từ 4 doanh nghiệp Vietnam Post, Viettel Post, Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm cho thấy, tính đến hết ngày 2/8, tại 24 địa phương đang giãn cách để phòng chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã thiết lập 3.764 điểm, tăng 3 địa phương và tăng gần 1.800 điểm so với ngày 23/7.

Tổng khối lượng hàng hóa thiết yếu được các doanh nghiệp cung cấp tại các địa phương giãn cách tính đến hết ngày 2/8 đã lên tới 7.916 tấn, tăng gần 7.700 tấn so với ngày 23/7. Tổng khối lượng hàng thiết yếu vận chuyển theo chỉ đạo của chính quyền các địa phương là 2.948 tấn, tăng hơn 2.600 tấn so với ngày 23/7.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Bưu TáCOVID-19shipperthương mại điện tử

Các tin liên quan đến bài viết