Đoạn đường 60km nhưng có tới 3 trạm BOT khiến doanh nghiệp của ông Thuận mỗi năm mất hơn 1 tỷ đồng để trả phí.
Ngày 4/4/2019, tại buổi đối thoại với cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước, ông Võ Quang Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước bày tỏ sự lo ngại về các dự án BOT trên địa bàn.
Điều khiến ông Thuận lo lắng lớn nhất là vị trí đặt các trạm BOT ở Bình Phước quá gần nhau. Trong khi quy định của Nhà nước là các trạm BOT phải cách nhau 70km nhưng tại Bình Phước có đoạn đường chỉ dài khoảng 60km nhưng có tới 3 trạm thu phí (trung bình 20km/trạm).
Doanh nghiệp đã phải trả phí trên nhiều tuyến đường nhưng chất lượng đường thì không được nâng cấp, thậm chí còn hỏng hóc trầm trọng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà…
![]() |
Nhiều doanh nghiệp lo lắng vì Bình Phước quá nhiều trạm BOT. |
Tuy nhiên, Sở GTVT Bình Phước lại cho rằng, quy định trạm trên tuyến đường tỉnh dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đảm bảo tính khả thi, tính thực tế của dự án và UBND tỉnh cũng đã báo cáo HĐND tỉnh thông qua theo quy định.
Sản phẩm dịch vụ đường bộ cũng được lãnh đạo và nhà đầu tư hết sức quan tâm, thường xuyên kiểm tra, xử lý đảm bảo êm thuận và phục vụ tốt nhu cầu vận tải, lưu thông của các phương tiện.
Các dự án BOT đầu tư, xây dựng, mở rộng đường khi đưa vào khai thác đã giúp tiết kiệm chi phí vận hành khai thác, tiết kiệm thời gian đi lại.
Trước đó, ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội cũng cho rằng, doanh nghiệp đang phải đối diện với gánh nặng BOT.
“BOT ở Việt Nam được phát triển ồ ạt, manh mún, thiếu quy hoạch, chiến lược. Đường nào cũng ngăn ra, vẽ ra làm BOT trong khi đó quản lý yếu kém, thiếu công nghệ thi công, đặc biệt là thiếu minh bạch trong vấn đề thu phí và thời gian thu phí.
Vốn đầu tư và số phí thu được ảnh hưởng đến thời gian thu phí. Nếu nhà đầu tư báo số phí thu được ít đi, trong khi thực tế nhiều hơn, nếu không được phát hiện thì thời gian thu phí sẽ dài hơn, gánh nặng sẽ đè lên doanh nghiệp và người dân. Cũng không ai biết số tiền họ thu được nhà đầu tư sẽ làm gì, đi đâu” – ông Liên nói.
Đó cũng là nguyên nhân để ông Liên lý giải cho việc trong thời gian dài, giá xăng dầu liên tục giảm nhưng chi phí vận tải không hề giảm (mặc dù chi phí xăng dầu chiếm tới 35 – 40% chi phí vận tải). BOT tác động lên toàn xã hội, làm tăng chi phí vận tải, kéo theo tăng chi phí hàng hóa.
Ông Nguyễn Minh Thành – chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP. HCM cũng lên tiếng than thở, doanh nghiệp vận tải chạy ra đường đã phải chịu áp lực rất lớn từ đủ các loại thuế, phí, bây giờ còn phải chịu thua thiệt vì cách làm ăn không sòng phẳng của chủ đầu tư BOT nữa.
“Từ Quận 7, TP.HCM đi tới ngã 3 Vũng Tàu (khoảng 130km) nhưng có tới 3 trạm thu phí, giá phí mỗi lượt từ 120.000 -180.000 đồng/lượt. Như vậy, chưa tới 60km một trạm thu phí, cứ vậy làm sao doanh nghiệp sống cho được”, ông Thành nói.
Ngọc Mai (Tổng hợp)