Trước khó khăn thị trường, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang tìm nhiều cách để giải quyết bài toán nguồn vốn.
Tất bật tìm nguồn tiền
Tìm cách huy động nguồn tiền trực tiếp từ người mua nhà, một chủ đầu tư dự án ở Bình Thuận mạnh tay chiết khấu cho khách hàng không vay ngân hàng. Với căn nhà phố 10 tỷ đồng, nếu khách hàng đóng 50% giá trị, số tiền sau chiết khấu của căn nhà này còn 6 tỷ đồng. Một dự án khác giảm 5,8 tỷ đồng nếu đóng tiền 50% giá trị. Căn nhà có giá 13 tỷ đồng chỉ còn khoảng 7,2 tỷ đồng.
Một đại gia lớn vừa thành lập công ty quản lý và đầu tư bất động sản. Phương thức hoạt động là đầu tư một số lượng nhất định các bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của chủ đầu tư. Giá trị bất động sản được chia thành 200 phần, mỗi phần là một suất đầu tư. Khách hàng có thể tham gia từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh và được phân chia lợi nhuận phát sinh tương ứng với tỷ lệ đầu tư.
Doanh nghiệp bất động sản tìm nguồn vốn.
Trong khi đó, một doanh nghiệp bất động sản lớn khác vừa đề xuất chuyển đổi trái phiếu doanh nghiệp sang bất động sản với mức chiết khấu 40-50% giá bán. Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn phương án sử dụng giá trị khoản thanh toán đến hạn để mua ngay các bất động sản và nhận chiết khấu 20% theo giá bán niêm yết của chủ đầu tư. Phương án 2 là nhà đầu tư có khoản thanh toán đến hạn hoặc chưa đến hạn sử dụng khoản thanh toán để đầu tư các bất động sản của chủ đầu tư kèm theo cam kết mua lại, giảm tới 50% theo giá bán niêm yết.
Nhiều chủ đầu tư còn tìm nguồn vốn thông qua các hình thức sáp nhập. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu bất động sản Cushman&Wakefield, trong 9 tháng đầu năm 2022, khối lượng giao dịch các thương vụ M&A đạt hơn 1,5 tỷ USD.
Thị trường xuất hiện một số nền tảng cho phép các cá nhân có thể tham gia mua chung bất động sản và đầu tư với số vốn rất thấp. Tuy nhiên, huy động vốn ở kênh này còn khá nhiều hạn chế vì vấn đề pháp lý.
Sàng lọc
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long đánh giá, bất cứ giai đoạn nào để một doanh nghiệp vững mạnh cần phải đảm bảo nguồn vốn cơ bản và huy động vốn một cách hiệu quả. Không phải doanh nghiệp nào sinh ra cũng có một nguồn vốn lớn, không cần huy động từ các kênh khác. Doanh nghiệp bất động sản không ngừng lớn, tham gia vào nhiều dự án, vai trò của dòng vốn rất quan trọng. Sự sống của doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc vào nguồn vốn.
“Nếu nguồn vốn mới được tràn vào, thị trường sẽ không đóng băng và dần tự giải quyết được các tồn tại của nó. Nếu nguồn vốn ngừng chảy, thị trường bất động sản sẽ tê liệt, dù vốn đọng trong hàng hoá bất động sản rất lớn”, ông Long nhận định.
Thị trường đang sàng lọc những doanh nghiệp có thực lực để tiếp tục phát triển bất động sản đúng hướng. Để khơi thông nguồn vốn, theo ông Long, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ đổi mới nhận thức, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, nhận định, thị trường cần nguồn vốn đầu tư trung, dài hạn, nhưng lại đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn tín dụng. Do đó, rất cần Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng trần “room” tín dụng thêm khoảng 1%, để có thêm khoảng 100.000 tỷ đồng bơm cho nền kinh tế, trong đó bất động sản hấp thụ khoảng 20%.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải chủ động tăng vốn chủ sở hữu để có năng lực tài chính mạnh, thông qua hoạt động hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài (FDI). Nhà nước cần tạo cơ chế để phát triển thị trường vốn trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh và các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT); khơi thông nguồn vốn nhàn rỗi của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và huy động nguồn vốn nhàn rỗi, nhỏ lẻ trong xã hội đầu tư vào thị trường bất động sản.
Nguồn: vietnamnet