Tết nhất lại càng phải cẩn trọng với rượu, nhất là thứ rượu dỏm, không khéo năm mới mất vui.
Dịp tết, nên “uống có trách nhiệm”
Các bác sĩ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang cấp cứu cho một bệnh nhân bị ngộ độc rượu

Trưa 13-1, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đón một bệnh nhân nam 39 tuổi ở Tây Hồ, Hà Nội trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn. Theo anh ruột của bệnh nhân, bình thường bệnh nhân hay uống rượu, cách đây hai ngày có biểu hiện mệt và đến rạng sáng 13-1 thì có dấu hiệu hôn mê. Gia đình tưởng bệnh nhân bị nhồi máu não nên đưa vào Bệnh viện Tim Hà Nội, sau đó bệnh nhân được chuyển tiếp sang Trung tâm chống độc vì được xác định là ngộ độc methanol có trong rượu.

Dễ tử vong vì uống
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, thông thường những ngày giáp tết, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc rượu vào trung tâm điều trị. Những ngày nhiều có thể có từ ba bệnh nhân trở lên. Các bệnh nhân có thể biểu hiện nôn nhiều, gọi không biết, không ngồi được, thậm chí hôn mê như bệnh nhân kể trên. Cách đây hơn một tháng cũng có trường hợp tử vong do uống rượu giả (thực chất là methanol, loại cồn công nghiệp thường bị giả làm rượu). Trở lại trường hợp kể trên, tại Bệnh viện Tim Hà Nội các bác sĩ xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol, do kết quả xét nghiệm có thấy bệnh nhân bị nhiễm toan. Bác sĩ Trần Hưng (Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) cho hay các bác sĩ gặp nhiều khó khăn khi điều trị những trường hợp đến bệnh viện muộn như bệnh nhân này. Ngay cả các bệnh nhân ngộ độc rượu thông thường, bác sĩ Hưng cũng cho biết không dễ dàng phát hiện, bởi gia đình cứ tưởng bệnh nhân nhậu về mệt, muốn ăn nên không để ý, hậu quả là bệnh nhân hạ đường huyết, rồi hôn mê và rất khó cứu chữa. “Trước đây chỉ có người lớn tuổi mới uống rượu nhiều, nay thì lứa tuổi ăn nhậu rất đa dạng, nhưng chủ yếu là trung niên, thanh niên, có cả sinh viên. Về tác dụng dược lý thì rượu cũng như thuốc ngủ, không ai lại uống thuốc ngủ rồi ra đường nhưng rượu thì thường uống bên ngoài và dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc khi đi đường. Nếu nồng độ rượu trong máu từ 50 mcg/dcl thì ảnh hưởng đến khả năng phán xét, điều khiển, mỏi cơ, đi đứng xiêu vẹo, vì khả năng phán xét bị giảm nên người uống rượu đó lại sẵn sàng đánh nhau khi có xô xát nhỏ và có thể gây tai nạn giao thông nếu điều khiển xe cộ”- bác sĩ Nguyên phân tích.
Tránh những sai lầm khi dùng rượu
Dịp giáp Tết Nguyên đán là thời gian lượng rượu sử dụng tăng mạnh, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, cần hạn chế hoặc không sử dụng rượu là tốt nhất, nếu uống và bị ngộ độc rượu mức nhẹ, tức là ngồi được, nói chuyện được thì người thân nên cho người bị ngộ độc ăn nhẹ, tốt nhất là các món có tinh bột, uống nước pha mật ong, nước canh hoặc đường. Không nên cho uống nước chanh, cam hoặc có vị chua, các chất này sẽ kích thích dạ dày, gây ói. Trường hợp có người thân say rượu mức độ nặng như không ngồi được, lờ đờ, thở khò khè, chân tay lạnh, gọi không biết thì nên để người ngộ độc rượu nằm nghiêng về phía bên phải, hay còn gọi là tư thế nằm nghiêng an toàn, để cổ và đầu ở vị trí thoải mái dễ thở, nếu trời lạnh cần ủ ấm cho bệnh nhân và gọi cấp cứu. Bác sĩ Nguyên cũng hướng dẫn lượng rượu/bia tạm cho là an toàn là khoảng 400ml bia (từ đó quy đổi ra rượu) với nam giới, nữ giới thì lượng bia an toàn là 1/2 so với nam giới. Bác sĩ Nguyên cũng nhắc lại là không nên uống rượu bia, nếu uống thì nên ăn các món có tinh bột trước khi uống, chú ý không uống nhiều và không nên tham gia giao thông sau khi uống rượu. Những năm trước tết nào cũng gia tăng số vụ đánh nhau, số vụ tai nạn giao thông… và không ít trong đó liên quan đến rượu bia. Năm nay, theo bác sĩ Nguyên, thì lời cảnh báo là HÃY UỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM với bản thân và với xã hội.

Hai người tử vong sau chầu nhậu: Sáng 13-1, ông Võ Tiến Dũng – chủ tịch UBND xã Bình Sa (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) – xác nhận về thông tin trên địa bàn có hai người tử vong nghi bị ngộ độc sau khi nhậu. Theo ông Dũng, vụ việc xảy ra ngày 11-1, nạn nhân được xác định là ông B.V.A. và H.V.Đ. (cả hai cùng trú xã Bình Sa). Trước đó vào trưa cùng ngày, hai người này rủ nhau mua rượu về nhà để cùng nhậu. Sau khi nhậu xong đến chiều cùng ngày thì cả hai đều có triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn mửa. Do phát hiện muộn và không cấp cứu kịp thời nên cả hai đều tử vong. “Theo gia đình thì hai người này do uống nhiều rượu quá mà chết. Còn theo thông tin từ người dân thì hai người bắt ốc bươu ngoài ruộng để làm mồi nhấm. Khả năng ốc này nhiễm thuốc trừ sâu bởi nông dân gieo sạ lúa và xịt thuốc trừ sâu, nghi hai người này ăn vào nên dẫn đến vụ việc như vậy”- ông Dũng nói. Hiện nguyên nhân cái chết của hai nạn nhân trên vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh nhânngộ độctrung tâm chống độctử vong

Các tin liên quan đến bài viết