Giá xăng, dầu tăng liên tiếp trong hơn hai tháng qua khiến các DN vận tải chưa kịp hồi phục sau dịch Covid-19, lại bị giáng thêm một “đòn” đau. Nhiều DN cho biết đang đối mặt với thua lỗ và phải giảm hoạt động.

Điêu đứng kinh doanh vận tải

Ông Nguyễn Anh Cương, kinh doanh vận tải hành khách tuyến Sơn La – Hà Nội, cho biết, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40% giá thành vận tải. Giá xăng dầu tăng trong khi lượng khách đi xe giảm khiến kinh doanh thua lỗ. Chi phí để xe hoạt động, cả lượt đi và lượt về, mất khoảng 10 triệu đồng, trong khi mỗi chuyến có chưa tới 20 khách. Với giá vé 250.000 đồng/người và chở thêm cả hàng hoá, mỗi xe phải bù lỗ gần 2 triệu đồng/ngày. Chạy 5 xe mất chục triệu, càng chạy càng lỗ nặng… Hiện nhà xe hoạt động cầm chừng với 50% công suất và cho một nửa nhân sự nghỉ việc.

Môt số nhà xe chở khách ở bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình (Hà Nội) cũng đang hoạt động cầm cự và đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc cân đối thu chi, sau khi giá xăng dầu tăng và lượng khách giảm.

Ông Vũ Hoàng, một chủ xe chạy đường dài Hà Nội TP.HCM, chia sẻ, ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng khách giảm nghiêm trọng, trong khi các chi phí liên tục đội lên. Mỗi chuyến xe xuất bến chỉ mong thu được 5 triệu. Có những chuyến hòa vốn, có chuyến lỗ. Giá xăng tăng cao, càng chạy càng lỗ. Nếu tình hình vẫn khó khăn, ông sẽ ngừng hoạt động một thời gian.

Dính đòn đau: Mỗi ngày cắn răng lỗ chục triệu, thà bỏ hết ngồi chơi
Nhiều DN không chịu đựng được đã tăng giá cước vận tải

Thống kê của tỉnh Hải Dương cho thấy, tại thời điểm này, tuần suất hoạt động xe chở khách, xe buýt nội tỉnh và liên tỉnh chỉ đạt khoảng 20%. Đối với xe taxi, ngoài ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì giá xăng dầu tăng càng khiến các DN lao đao. Lượng khách không nhiều, nếu xăng dầu vẫn giữ ở mức cao, các DN thua lỗ sẽ phải cắt giảm nhân sự, nhiều lao động trong ngành thất nghiệp.

Nhiều DN vận tải hành khách ở bến xe Miền Đông, TP.HCM đã phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ. Không ít nhà xe giờ chỉ hoạt động từ 25-50% công suất so với trước dịch. Lượng khách giảm nghiêm trọng, trong khi các chi phí liên tục đội lên khiến kinh doanh điêu đứng.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, giá xăng dầu tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua và có thể tiếp tục tăng khiến các DN vận tải gặp rất nhiều khó khăn.

Trong đó, các loại xe container, xe tải nặng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35-40%, còn các loại xe khác chiếm trung bình khoảng 25%. Bên cạnh đó, DN còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT… Do đó, giá xăng dầu tăng cao khiến các DN gặp vô vàn khó khăn.

Dính đòn đau: Mỗi ngày cắn răng lỗ chục triệu, thà bỏ hết ngồi chơi
Giá xăng tăng cao nhất từ trước đến nay

Giảm gánh nặng thuế phí

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng, xăng dầu là đầu vào quan trọng của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là vận tải. Trong cơ cấu giá thành cước vận tải, chi phí xăng dầu chiếm tới 35-40%. Việc giá xăng dầu tăng liên tiếp 2 tháng qua khiến các DN vận tải hàng hóa và vận tải hành khách kiệt quệ.

Để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của việc giá xăng dầu tăng, các DN đã cắt giảm mạnh những chi phí không cần thiết, nâng cao ý thức của lái xe về tiết kiệm nhiên liệu. Tuy vậy, nếu giá xăng dầu tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ phải điều chỉnh giá cước để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh. Mức điều chỉnh sẽ từ 5-7%. Như vậy, đã khó lại càng khó, bởi lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển giảm.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã có đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng và giảm 500 đồng/lít, kg với dầu, mỡ nhờn, ngày 1/4 đến hết năm 2022.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm mức chịu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng này. Ước tính, xăng sẽ có cơ hội giảm khoảng 1.100 đồng/lít, các loại dầu là 550 đồng/lít.

Dính đòn đau: Mỗi ngày cắn răng lỗ chục triệu, thà bỏ hết ngồi chơi
Xăng dầu là đầu vào quan trọng của hầu hết ngành sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là vận tải

Tuy nhiên, góp ý cho đề xuất này, Liên đoàn Thường mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, Bộ Tài chính cân nhắc thêm phương án có mức giảm mạnh hơn. Chẳng hạn, áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng và 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn từ 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại, thay vì áp dụng một mức cố định đến hết năm 2022.

Theo VCCI, giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, vì thế giải pháp trợ lực giảm thuế phí từ Nhà nước rất quan trọng trong bối cảnh sức khỏe của DN và cả nền kinh tế giai đoạn này đang ốm yếu, cần hồi phục. Hơn nữa, giải pháp này cũng khả thi do Việt Nam được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng và tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 rất khả quan.

PGS-TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nhận định, đối với xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường có thể điều chỉnh xuống còn 3.000 đồng/lít, thay vì 4.000 đồng/lít như hiện tại. Đồng thời, đưa mặt hàng này vào diện được giảm thuế giá trị gia tăng 2% như các loại hàng hóa khác.

Việc giảm một số loại thuế như trên sẽ không ảnh hưởng đến nguồn thu dài hạn nhưng có tác động ngay lập tức để giảm giá xăng, kìm chế được nguy cơ hàng hóa tăng giá mạnh. Tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu khoảng 40% là gánh nặng với người dân, do Việt Nam có thu nhập thấp. Ví dụ so với Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người gấp 3 lần nhưng giá xăng của Việt Nam lại tương đương, do đó cần cắt giảm.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Cước vận tảiDoanh Nghiệp Vận Tảikinh doanh vận tảilogistics

Các tin liên quan đến bài viết