Nhiều học sinh lo lắng học một ngành sẽ khó có việc làm và muốn học song ngành để có thêm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đại học.

Điều kiện học song ngành và nên chọn ngành thứ 2 nào để học? - Ảnh 1.

ThS Hoàng Thúy Nga – chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – cung cấp thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2023 tại buổi tư vấn sáng nay

Mối quan tâm chung của rất nhiều học sinh trong buổi tư vấn tại Trường đại học Kiên Giang sáng nay 11-3 vẫn là cơ hội việc làm sau khi học đại học. Rất nhiều bạn trẻ cho hay dù đã chọn được ngành học yêu thích nhưng vẫn băn khoăn về việc làm sau này nên muốn được học song ngành.

Điều kiện học song ngành và nên chọn ngành thứ 2 nào để học? - Ảnh 2.Bạn Bé Đan đặt câu hỏi về ngành quản lý môi trường và ngành quản lý đất đai 

Học song ngành tăng cơ hội việc làm?

Võ Thị Bé Đan (học sinh Trường THPT Cây Dương) cho biết bạn yêu thích ngành quản lý môi trường và ngành quản lý đất đai. Nguyện vọng của nữ sinh này là sau khi ra trường được làm việc tại tỉnh nhà nhưng qua tìm hiểu bạn được biết vị trí việc làm của ngành học này chủ yếu ở các cơ quan nhà nước.

“Đối với các cơ quan nhà nước khi các vị trí việc làm phải trống thì mới tuyển dụng người mới vô làm. Nhà trường có hỗ trợ việc làm cho sinh viên? Em muốn học song ngành để sau khi ra trường có thể có cơ hội việc làm cao hơn… Vậy em có thể học ngành nào song song với ngành đã đăng ký?”, Bé Đan thắc mắc.

Trong khi nhiều học sinh cũng lo lắng việc tuyển dụng công chức, viên chức hiện nay khó vì quy định tinh giản biên chế nên cơ hội việc làm cũng khó đối với nhiều ngành. Chính việc này khiến nhiều bạn lúng túng khi đưa ra quyết định chọn ngành.

Điều kiện học song ngành và nên chọn ngành thứ 2 nào để học? - Ảnh 3.

TS Nguyễn Tuấn Khanh tư vấn về việc chọn ngành cho học sinh Kiên Giang trong buổi tư vấn sáng nay 

Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh – hiệu trưởng Trường đại học Kiên Giang, thời gian qua nhà trường luôn gắn kết với các doanh nghiệp, cơ quan để giới thiệu việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Vị trí làm việc ở các cơ quan nhà nước đối với ngành kỹ thuật môi trường và quản lý tài nguyên môi trường phụ thuộc vào kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức của tỉnh hằng năm.

“Như vậy, nếu đúng vị trí việc làm thì mới được đăng ký tuyển dụng. Tuy nhiên, đối với ngành này không nhất thiết phải làm việc ở các cơ quan nhà nước trong và ngoài tỉnh, mà có thể làm việc ở doanh nghiệp.

Đối với ngành quản lý tài nguyên môi trường và kỹ thuật môi trường, sinh viên ra trường có thể làm ở doanh nghiệp. Hiện nay các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng ngành này rất lớn”, thầy Khanh cho biết thêm.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – quyền hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, cho biết thêm hiện nay có nhiều trường đào tạo ngành quản lý môi trường và quản lý đất đai như Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Trường đại học Nông Lâm TP.HCM…

Thầy Hùng cũng cho hay: “Đối với hai ngành học này, sinh viên tốt nghiệp không nhất thiết phải làm việc ở cơ quan nhà nước. Trong đó, sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý môi trường có thể làm việc ở các khu công nghiệp, các công ty dịch vụ vệ sinh môi trường; ngành quản lý đất đai có thể làm việc khu vực tư nhân, là các công ty kinh doanh bất động sản…”.

Điều kiện học song ngành và nên chọn ngành thứ 2 nào để học? - Ảnh 4.

Học sinh Kiên Giang tại buổi tư vấn tuyển sinh sáng 11-3 

Học song ngành ra sao?

Về việc đào tạo song ngành, thầy Nguyễn Tuấn Khanh cho hay Trường đại học Kiên Giang hiện đào tạo theo học chế tín chỉ. Sau một năm, sinh viên có thể đăng ký học ngành hai song song. Ví dụ nếu chọn ngành quản lý tài nguyên môi trường, sinh viên có thể chọn học song ngành các ngành như công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh… để bổ trợ thêm cho chuyên ngành chính mình đang học.

“Các em nên lựa chọn các ngành mà mình yêu thích, đam mê. Vì có đam mê thì các em mới có động lực để học tốt, sáng tạo và sau này làm việc tốt được. Với thời đại công nghệ hiện nay đòi hỏi người lao động phải luôn sáng tạo để phát triển chuyên môn”, thầy Khanh khuyên.

Thầy Huỳnh Thanh Hùng lưu ý: “Nhiều bạn tưởng học cùng lúc hai chương trình. Tuy nhiên, để được học song ngành, sau năm thứ nhất sinh viên phải có kết quả học tập đạt loại khá trở lên mới được học ngành thứ hai.

Một điều kiện nữa là sinh viên phải hoàn thành chương trình thứ nhất trước mới được hoàn thành tiếp chương trình thứ hai. Trong thời gian học chương trình thứ nhất, sinh viên tích lũy tín chỉ và phải hoàn thành chương trình thứ nhất xong mới được học tiếp tục để lấy bằng thứ hai”.

Theo ThS Lê Văn Hiển – phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM, đối với sinh viên đã tốt nghiệp ngành quản lý đất đai cũng có thể đăng ký học ngành thứ hai ở lĩnh vực luật. “Ngành luật là sự lựa chọn rất gần với ngành quản lý đất đai. Nếu bạn nào muốn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì việc chọn học thêm bằng hai ngành luật là rất phù hợp. Sinh viên có thể làm việc ở sở xây dựng, sở tài nguyên và môi trường, sở kế hoạch và đầu tư hoặc ủy ban nhân dân các cấp…”, thầy Hiển khẳng định.

Trong khi TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết về đào tạo song ngành tại trường ngoài quy định chung, riêng ngành ngôn ngữ Anh và ngành quan hệ quốc tế, sinh viên phải có điểm môn tiếng Anh đạt 7 trở lên mới được học.

Điều kiện học song ngành và nên chọn ngành thứ 2 nào để học? - Ảnh 5.

Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Trường đại học Kiên Giang 

Điều kiện học song ngành và nên chọn ngành thứ 2 nào để học? - Ảnh 6.

Đông đảo học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh tại Trường đại học Kiên Giang sáng nay 

Điều kiện học song ngành và nên chọn ngành thứ 2 nào để học? - Ảnh 7.

Học sinh tìm hiểu ngành học tại gian tư vấn của các trường trong chương trình tư vấn tuyển sinh sáng nay 

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : tốt nghiệp đại họctư vấntuyển sinh song ngành

Các tin liên quan đến bài viết