Startup công nghệ duy nhất xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 7 là Phan Thanh Huy Cường – Nhà sáng lập và điều hành của Công ty Cổ phần Công nghệ IoT Đại Việt. Anh đến để kêu gọi đầu tư 2 tỷ cho 10% cổ phần của công ty.
Công ty Cổ phần Công nghệ IoT Đại Việt là startup chuyên cung cấp các giải pháp về IoT (Internet of Things), phần mềm giám sát vận hành các thiết bị dùng trong lĩnh vực công nghiệp.
Giải pháp này giúp các nhà máy, nhà thầu có thể kiểm soát được điện, nước, năng lượng, CO2, các trạm xử lý nước thải, nước sạch cũng như hệ thống lạnh của tòa nhà trung tâm. Tất cả điều đó chỉ cần được thực hiện thông qua một chiếc điện thoại thông minh.
Theo Huy Cường, năm 2019-2020, công ty của anh đã giúp các nhà thầu, nhà máy nước xử lý nước nhiễm mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó bao gồm việc giám sát vận hành toàn bộ các thiết bị xử lý nước mặn thành nước ngọt và tăng chất lượng nước.
Hiện startup của Huy Cường đã có khách hàng ở các nước như Mỹ, Ả Rập, Indonesia, Myanmar trải nghiệm sử dụng phần mềm. Ngoài ra, công ty cũng phát triển một số phần cứng để có thể kết nối nhanh với các hệ thống như thiết bị đo nước, kiểm soát chất lượng nước.
Huy Cường chia sẻ, đội ngũ của anh bắt đầu nghiên cứu phát triển giải pháp từ năm 2018, xuất phát từ khó khăn trong vấn đề vận hành và chi phí số hóa. Năm 2020, anh bắt đầu thành lập công ty. Khi đó, startup chủ yếu tập trung vào đăng ký bản quyền tác giả phần mềm, sở hữu trí tuệ.
Theo nhà sáng lập, sản phẩm của công ty Đại Việt được nghiên cứu và phát triển tại Vườn ươm Công nghệ cao thuộc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM và mới bắt đầu phát triển kinh doanh vào tháng 3.
Với những chia sẻ của startup, Shark Hưng đánh giá đây là một sản phẩm hay nhưng sự thành công phụ thuộc nhiều nào năng lực chuyên môn của đội ngũ.
Trước những câu hỏi về tổng chi phí thiết lập hệ thống từ thiết bị phần cứng, cảm biến đến cài đặt lập trình đưa lên ứng dụng và hiệu quả hoạt động. Huy Cường cho biết, tất cả các nhà máy nước, các trạm xử lý đều có tủ điều khiển, cảm biến, nút mạng. Startup này sẽ thực hiện việc kết nối hạ tầng phần cứng và đưa lên máy chủ. Điều đó sẽ giúp tối ưu hóa vấn đề bảo trì, sản xuất cũng như lập KPI một cách nhanh nhất.
Theo chia sẻ của Huy Cường, một bộ phần cứng gateway (bộ chuyển đổi giao thức) hiện đang được công ty của anh phát triển với giá 3-3,5 triệu đồng. Mỗi thiết bị này sẽ quản lý được khoảng 100 trạm nước. Toàn bộ nhà máy nước sẽ cần mức đầu tư từ 40-60 triệu đồng.
Hiện tại, startup đang có tệp khách hàng khoảng 30 nhà thầu và 200 người dùng đang sử dụng, với các lĩnh vực như xử lý nước, nước thải, nước sạch, hệ thống lạnh, hệ thống nước…
Về bức tranh tài chính, từ năm 2018 đến nay, startup đã đầu tư khoảng hơn 3,5 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu năm 2022 là 10 tỷ, với lợi nhuận đạt từ 30-35%.
Bình luận về startup này, Shark Bình (Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch tập đoàn Nexttech) cho rằng, mô hình kinh doanh này nên tìm kiếm nguồn vốn thông qua công cụ vốn vay hơn là công cụ vốn đầu tư cổ phần.
“Gọi vốn bằng cổ phần thường cho các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao và có kế hoạch có thể nhân gấp 5, gấp 10 quy mô sản lượng và dịch vụ của mình trong một thời gian ngắn”, Shark Bình giải thích và đưa ra quyết định không đầu tư cho Startup.
Đồng quan điểm với Shark Bình, Shark Phú (Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch tập đoàn Sunhouse) cho rằng, mô hình của ioT Đại Việt không cần quá nhiều tiền mà chủ yếu dựa trên năng lực và khả năng bán hàng. Do vậy, ông quyết định không đầu tư vào sản phẩm.
Với Shark Hưng (Nguyễn Thành Hưng), ông đánh giá đây là một startup có thị trường tương đối nhỏ. Đây không phải là sản phẩm đại chúng mà tất cả mọi người dân đều có thể dùng. Với những lý do kể trên, dù gây ấn tượng với cả các “cá mập” và người xem, khá đáng buồn khi IoT Đại Việt sau đó đã không nhận được khoản đầu tư nào từ các shark.
Nguồn: vietnamnet